Đa dạng hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng giúp nữ sinh dân tộc bảo vệ an toàn

Nhóm PV
17/11/2022 - 13:59
Đa dạng hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng giúp nữ sinh dân tộc bảo vệ an toàn

Bà Bùi Thị Ngợi - Chủ tịch Hội LHPN huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình

Huyện Lạc Sơn (Hoà Binh) có 1 thị trấn và 23 xã, trong đó có 5 xã vùng cao và 8 xã vùng sâu, vùng xa trải trên diện tích 58,746ha. Theo thống kê dân số năm 2019, toàn huyện có khoảng 135 ngàn dân với khoảng 90% dân số là người Mường. Điều đó tạo nên những nét đặc thù riêng trong các hoạt động Hội phụ nữ để phù hợp với từng đối tượng phụ nữ trên địa bàn.

Riêng với nữ sinh dân tộc, Hội LHPN huyện Lạc Sơn đã có những hoạt động cung cấp kiến thức, kỹ năng giúp các em bảo vệ an toàn và phòng, chống xâm hại hiệu quả. Báo PNVN đã có trao đổi với bà Bùi Thị Ngợi - Chủ tịch Hội LHPN huyện Lạc Sơn - xung quanh vấn đề này.

- PV: Thưa bà, với nhóm đối tượng đặc thù là các em học sinh nữ ở trường dân tộc nội trú, Hội LHPN huyện đã có hoạt động phối hợp nào với nhà trường để có thể truyền thông, cung cấp các kiến thức, kỹ năng giúp các em bảo vệ an toàn và phòng, chống xâm hại?

 Bùi Thị Ngợi: Trong các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình, Hội LHPN huyện Lạc Sơn đặc biệt quan tâm tới trẻ vị thành niên. Đây là một trong những chương trình mà chúng tôi thực hiện khá nhiều. Chúng tôi đã tổ chức các diễn đàn Lắng nghe trẻ em nói để các em có thể nói lên hết tất cả những mong muốn của mình. Tại đó có những chuyên gia và đại diện các ngành liên quan để có thể hỗ trợ, tư vấn cho các em. 

Đa dạng hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng giúp nữ sinh dân tộc bảo vệ an toàn - Ảnh 1.

Một giờ học của cô và trò Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn

Tuy nhiên, ở địa bàn huyện Lạc Sơn có khá nhiều trường, do vậy muốn phối hợp để tổ chức tại từng trường thì cần có kế hoạch, chứ không phải cùng một lúc chúng tôi có thể làm được. Đối với trường nội trú, cô Hiệu trưởng và các thầy, cô ở đây đều có kỹ năng để giúp các em. Do vậy, Hội LHPN chỉ thực hiện những hoạt động khi nhà trường mời hoặc những nội dung khó. Lứa tuổi của các cháu rất năng động, nếu chúng ta có những hoạt động trải nghiệm giúp cho các cháu nhận thức được những kiến thức để chăm sóc bản thân, đặc biệt là tuổi vị thành niên thì đó là vai trò không riêng của tổ chức Hội mà của toàn xã hội.

- PV: Vậy trong thời gian tới, Hội LHPN huyện Lạc Sơn dự định tổ chức các hoạt động như thế nào để có thể truyền thông về vấn đề này đến cho các em nữ sinh hiệu quả hơn?

 Bùi Thị Ngợi: Năm nay cũng là năm đầu tiên thực hiện Dự án 8, hướng đến đối tượng phụ nữ và trẻ em những xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Sắp tới, chúng tôi sẽ có những mô hình giúp các thế hệ, đặc biệt là đối với phụ nữ và các em ở những địa bàn dân tộc thiểu số tiếp cận những thông tin và tham gia sinh hoạt đều ở địa phương. Đây là một trong những ưu tiên mà chúng tôi đang xây dựng kế hoạch và sẽ triển khai sớm nhất. 

Từ giờ cho đến tháng 12/2022, chúng tôi sẽ đề xuất xây dựng mô hình Câu lạc bộ vị thành niên ở trường liên quan đến địa bàn 135 với vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Dự án này có thể là chương trình của Hội phối hợp với nhà trường để tổ chức các diễn đàn Lắng nghe các em nói. Chúng tôi sẵn sàng mời những khách mời là đại diện các cơ quan chuyên môn, có kiến thức để có thể nói chuyện với các em.

Chúng tôi hy vọng có cơ hội để cùng trải nghiệm với các em, với các thầy cô giáo ở đây. Chúng ta sẽ có những mô hình phù hợp với các em và các em có thể tự điều hành. Như vậy vừa giúp các em có kỹ năng, kiến thức để tự chăm sóc mình, tự lo cho mình, đồng thời chúng ta cũng nắm bắt được những mong muốn, nguyện vọng của các em. Khi tốt nghiệp ra trường, các em sẽ chọn được nghề, để có một cuộc sống thật vui và đạt được ước mơ của mình trong các chặng đường tiếp theo.

- PV: Xin cám ơn bà!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm