pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đặc sắc làn điệu Sli của người Nùng
Nam nữ người Nùng hát giao duyên
Sli có sự tổng hòa của các yếu tố: Người hát, làn điệu (âm nhạc), lời ca (văn học), môi trường diễn xướng (không gian, thời gian, thính giả).
Điều đặc biệt trong hát Sli là kỹ thuật hát bè. Sli truyền thống thường được hát ngắt 2 câu gồm 14 âm, chia thành 3 giọng, cao độ giữa các âm không chênh nhau nhiều.
Hát Sli trong những đêm trăng ở xóm bản hay khi đi làm đồng, đi lấy củi..., thường không được chuẩn bị trước, không có nghi thức tổ chức, diễn ra giữa các cặp hát (đối - đáp) nên lời của câu hát thường đơn sơ, mộc mạc.
Diễn xướng Sli (có tổ chức) phải theo nghi thức nhất định. Thường vào dịp sau mùa gặt, Tết đến, Xuân về, tốp trai (hoặc gái) của bản này sang hát với tốp trai (hoặc gái) của bản kia. Cuộc hát phải theo trình tự.
Đầu tiên, hát những bài đánh tiếng, ướm hỏi xem người bên kia có đồng ý hát cùng họ không (Sli Khấy Pác). Nếu đồng ý thì người hát sẽ hát các bài thăm hỏi (Sli Khẩu), chúc mừng (Sli cống hỉ), sau đó mới tới những bài Sli đối đáp trữ tình tự ứng tác và cả những bài truyền thống như:
Khẩy pác tò mẩu (cất tiếng hát buổi sáng), Cáy khẩu (gà gáy), Tô mạng (chặt cây), Pảo ca ( chúc khang sinh phú quý). Cuối cùng là những bài hát chia tay.
Bà Tô Thị Thu Trang, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, cho biết, nghệ thuật hát Sli là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian có lịch sử lâu đời, gắn bó với đời sống tinh thần, được bà con người Nùng ở Thái Nguyên hát trong lễ cưới, hay lễ hội truyền thống.
Làn điệu Sli với hình thức hát giao duyên, kể chuyện, giao lưu, chúc tụng, đậm chất trữ tình, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, tình nhân ái. Ở đâu có dân tộc Nùng thì ở đó vang lên những điệu Sli quen thuộc.
Người Nùng có thể hát Sli trên đường đi, lúc nghỉ chân, thậm chí lúc sắp phải chia tay, lời ca mới được cất lên.
Tuy nhiên, hiện nay, những làn điệu Sli đang dần bị mai một trong đời sống của đồng bào. Những người am hiểu làn điệu Sli hầu như là người cao tuổi. Làn điệu Sli dần trở nên xa lạ đối với người trẻ.
Bởi vậy, việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể hát Sli là hoạt động thiết thực để làn điệu dân ca này sống mãi trong đời sống văn hóa của đồng bào Nùng.