Dư luận vừa qua xôn xao thông tin một lớp 6 tại trường THCS Thái Bình (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) có đến 42 trong tổng số 43 học sinh đạt loại giỏi với một “rừng” giấy khen. Ngày 23/5, Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã yêu cầu Phòng GD&ĐT TP.Vũng Tàu trực tiếp làm việc với hiệu trưởng nhà trường để thông tin rõ lại với dư luận.
Đại biểu Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho biết, ông cảm thấy bất bình thường khi biết đến việc một lớp học có đến 42/43 học sinh đạt loại giỏi.
Theo ông, nếu là một lớp bình thường, không phải là lớp chọn thì rõ ràng là học lực của học sinh trong lớp là khác nhau và kết quả nó sẽ phải phân bố ở các phổ khác nhau, xếp loại khác nhau ứng với học lực của học sinh.
Từ trường hợp cụ thể ở Vũng Tàu, đại biểu Tất Thắng cho rằng, thực trạng một bộ phận nhà trường, một số thầy cô giáo có biểu hiện chạy theo thành tích, nặng nề dạy học theo kiểu đánh giá cho điểm thay vì chú trọng vào năng lực thực chất của học sinh, vẫn còn tồn tại.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cũng đồng tình khi cho rằng, dường như bệnh thành tích từ lâu đã ăn sâu vào trong nhận thức, suy nghĩ của những nhà quản lý, của thầy cô giáo.
“Tôi nghĩ ngành giáo dục phải hết sức quan tâm, tránh để các em tự hão huyền về thành tích của mình. Nếu các em tự tin một cách thái quá, thành tích học tập của các em được công nhận một cách quá dễ dàng sẽ khiến các em có tâm lý quá tự hào về bản thân. Như vậy, nguy cơ sau này các em sẽ có những lệch chuẩn trong tương lai” – bà Hiền chia sẻ.
Nữ đại biểu cũng nhìn nhận, việc phát triển con người là cả một quá trình rất dài, không chỉ của ngành giáo dục. Có tình trạng nặng nề về thành tích, theo bà một phần là do phụ huynh khi không ít vị phụ huynh vẫn thích việc con mình xếp thứ hạng cao trong lớp và được chứng nhận điều đó bằng con điểm, giấy khen.
Vấn đề “bệnh thành tích” cũng được một số đại biểu đưa ra khi góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục. Họ chia sẻ, nếu tình trạng này kéo dài thì không rõ tương lai con em sẽ ra sao khi cứ nhận thức ảo tưởng về bản thân.