pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đại biểu Quốc hội lo ngại quảng cáo trên mạng xã hội khó kiểm soát, tác động tiêu cực tới trẻ em

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, thảo luận
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 25/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định: lĩnh vực quảng cáo được xác định là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của nước ta, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động quảng cáo đang có sự dịch chuyển từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo chí sang quảng cáo trên không gian mạng. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng; đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý nhà nước.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, cho rằng: Quảng cáo trên mạng rất đa dạng và khó kiểm soát, đặc biệt quảng cáo hiển thị trên các trang web không chính thức, các nhà quảng cáo luôn tìm kiếm những cách thức mới để thu hút sự chú ý của trẻ em. Đôi khi vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật. Nhiều phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ tác hại của quảng cáo đối với trẻ em dẫn đến việc không có sự giám sát chặt chẽ.
Nhấn mạnh việc bảo vệ trẻ em trước quảng cáo, đặc biệt quảng cáo trên mạng xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, đại biểu Tú Anh đề nghị: "Cần quy định trong dự thảo Luật về việc bổ sung định nghĩa rõ ràng về quảng cáo nhắm vào trẻ em, bao gồm cả quảng cáo trực tiếp và quảng cáo gián tiếp".
Trong đó, cần quy định chi tiết hóa các nội dung quảng cáo nhắm vào trẻ em, tăng cường các biện pháp xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định. Xây dựng một cơ chế giám sát hiệu quả để phát hiện và xử lý các vi phạm. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia khác để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; cùng nhau xây dụng các tiêu chuẩn chung về quảng cáo nhắm vào trẻ em trên các nền tảng xuyên biên giới.
Còn đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, cho rằng: với hình thức quảng cáo trên internet, quảng cáo thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo, You Tube, Instagram,.… hiện đang phát triển rất mạnh ở nước ta. Điều đó có nghĩa là quảng cáo trên internet có sự tương tác cao, tạo cơ hội cho các nhà quảng cáo nhắm chính xác vào khách hàng của mình, tiến hành quảng cáo theo đúng sở thích và thị hiếu của người dân. Xét về tính chất, đặc điểm thì mạng xã hội là một trong những ứng dụng được sử dụng trên nền tảng internet.
Quan tâm tới nội dung người chuyển tải quảng cáo, đại biểu cho biết: Khoản 8 Điều 2 của dự thảo Luật quy định: "Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hoạt động của mình trên mạng xã hội, trong sản phẩm quảng cáo hoặc thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự". Đại biểu Thu Hằng đề nghị cần nghiên cứu rà soát, điều chỉnh, bổ sung khái niệm "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo" vì quy định về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có hoạt động "trên mạng xã hội" là phạm vi còn nhỏ hẹp, chưa đầy đủ. Trên thực tế có thể thấy, quảng cáo hiện nay nổi bật 2 xu hướng là quảng cáo trên truyền hình và quảng cáo trên internet.

Dại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, thảo luận
Đại biểu Thu Hằng cho rằng, sử dụng khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có hoạt động "trên internet" sẽ khái quát hơn. Việc mở rộng phạm vi "trên mạng xã hội" thành "trên internet" cũng phù hợp với định nghĩa tại khoản 1 Điều 23 dự thảo Luật: "Hoạt động quảng cáo trên mạng bao gồm: Quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, thiết bị quảng cáo, sử dụng phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối, các thiết bị viễn thông khác có kết nối mạng viễn thông, mạng internet"…
Vấn đề sử dụng tiếng Việt trong quảng cáo, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, cho rằng: Tiếng Việt không chỉ giữ vai trò là công cụ giao tiếp chính mà còn là phương tiện lưu giữ trao truyền văn hóa của bao thế hệ. Do vậy, những trường hợp không sử dụng tiếng Việt trong quảng cáo cần được điều chỉnh rõ trong Luật sửa đổi lần này.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, nội dung này được quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật hiện hành, trong đó quy định: Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài. Trên thực tế, tại những nơi có khách nước ngoài lưu trú, một số nơi có thực đơn viết tiếng Việt cỡ nhỏ hơn tiếng nước ngoài; một số nơi để tiếng Việt sau/dưới tiếng nước ngoài; có nơi không viết luôn tiếng Việt mà chỉ có tiếng nước ngoài…