Băn khoăn về chỉ số hạnh phúc của học sinh
Đồng ý với chủ trương đổi mới giáo dục là cần thiết, nhưng theo đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ), không phải điều gì mới mẻ cũng là ưu việt. Những nội dung mới về giáo dục trước đây chưa có mà bây giờ mới có là sự đổi mới, nhưng theo đại biểu Thưởng, quay lại những nội dung cũ mà thấy nó tốt thì cũng là đổi mới.
Theo ông, đầu tư giáo dục là đúng đắn, nhưng thực sự giáo dục có đang là quốc sách hàng đầu hay chưa thì vẫn có nhiều vấn đề chưa thể hiện điều này. “Chế độ giáo dục của ta ưu việt ở chỗ hướng đến con người, vì con người, nhưng thực tiễn cho thấy chỉ số hạnh phúc của học sinh không cao, sự hài lòng của phụ huynh cũng theo đó mà thấp theo” – ông Thưởng cho hay.
Một trong những lý do khiến học sinh cảm thấy mệt mỏi, theo ông Cao Đình Thưởng, chính SGK hiện hành với nhiều kiến thức quá hàn lâm. Ông phân tích, làm thế nào để học sinh học ít thôi nhưng phải học để hiểu chứ không phải học để thuộc.
“Hơn chục môn nhồi nhét vào đầu non trẻ của học sinh, nhiều cha mẹ còn e ngại về việc một chương trình mà có nhiều SGK, liệu có ổn hay không, hay chỉ làm cho các em thêm áp lực? Điều mà học sinh không hạnh phúc là bắt các em ấy phải giỏi. Phụ huynh bắt con giỏi, thầy cô bắt trò giỏi. Nhưng rất khó, em giỏi môn này, giỏi môn kia, đòi hỏi cao quá với học sinh là điều rất vô lý” – đại biểu cho hay.
Để giảm tải cho học sinh, ngoài việc thiết kế lại SGK, ông Thưởng còn cho rằng cần tổ chức thi cử nhẹ nhàng, nhưng vào được đại học phải thực chất.
“Luật cần nghiên cứu kỹ việc không bỏ kỳ thi nhưng tổ chức như thế nào thì phải thay đổi. Thi mà mỗi trường một kiểu thì rất khó, vì sau này nếu một chương trình mà nhiều SGK thì phụ huynh họ lo lắng thi không đúng chương trình trong SGK của họ thì làm thế nào? Giảm áp lực thi cũng sẽ giảm áp lực học thêm dạy thêm và nhiều tiêu cực khác nữa” – ông cho hay.
Nhiều bộ SGK có gây “rối”?
Cũng bàn về SGK, nhà báo Thuận Hữu (đại biểu đoàn Hải Phòng) – Tổng biên tập báo Nhân Dân băn khoăn về việc có nhiều bộ SGK sẽ được ban hành để nhà trường lựa chọn. Theo ông, nếu quản lý không chặt thì dễ gây tình trạng rối rắm, thậm chí lãng phí.
“Nhiều bộ SGK quá thì liệu suốt ngày ta cứ chạy theo một thứ không ổn định? Tôi đề nghị có một chương trình và bộ SGK phải tương đối ổn định, nếu không là cứ lựa chọn hoài và lãng phí hoài! SGK đang trong quá trình xã hội hóa về biên soạn, nên ta cứ làm hoài, cứ thẩm định hoài thì lúc nào mới ổn định bộ SGK đây?” – ông nhấn mạnh.
Cũng theo nhà báo Thuận Hữu, việc tiến hành thực nghiệm chương trình mới, SGK mới trước khi ban hành cũng là điều cần xem xét. Có một số chính sách, đưa ra thiếu sự thực nghiệm trước nên mới gây ra sự xáo trộn, hoài nghi, mặc dù bản thân chính sách đó là tốt. Vì thế phải đảm bảo tính ổn định của SGK” – ông nói.
Đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) cũng cho rằng, việc ban hành nhiều bộ SGK liệu có đảm bảo ổn định như điều luật đưa ra hay không, là điều cần cân nhắc kỹ, cũng bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện chủ trương này.