pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đại dịch làm chậm các kỹ năng xã hội của trẻ nhỏ
Ảnh minh họa: Linda Nylind/The Guardian
Cơ quan giám sát giáo dục Anh cho biết ngày càng nhiều trẻ nhỏ không thể hiểu các biểu hiện khuôn mặt do ít có cơ hội phát triển các kỹ năng xã hội và cảm xúc trong đại dịch. Amanda Spielman, thanh tra trưởng của Ofsted Anh (Văn phòng Tiêu chuẩn Giáo dục, Dịch vụ và Kỹ năng trẻ em) cho biết trẻ bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những em dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là các em sống trong nhà nhỏ không có vườn, dành nhiều thời cho màn hình máy tính trong những đợt phong tỏa. Nó cũng khiến việc học đi và bò của trẻ bị trì hoãn.
Bà Amanda Spielman đã nêu lên điều này trong bốn bản tóm tắt về khôi phục giáo dục được Ofsted xuất bản về "những thách thức kéo dài" từ đại dịch. Bà nói: "Tôi đặc biệt lo lắng về sự phát triển của trẻ nhỏ, nếu không được giải quyết, nó có thể gây ra các vấn đề cho trường tiểu học trong tương lai".
Trong bản tóm tắt về những năm tháng đầu đời của trẻ, một số cho biết trẻ em có "vốn từ vựng hạn chế" trong khi một số trẻ "gặp khó khăn trong việc phản ứng với các biểu hiện khuôn mặt cơ bản", một phần do tương tác với mọi người khi mang khẩu trang trong đại dịch. Phát biểu trên chương trình Today của BBC Radio 4, bà Spielman nói rằng đại dịch và các đợt phong tỏa khiến việc học nói và ngôn ngữ, các vấn đề về giao tiếp xã hội cũng như phát triển các kỹ năng đi và bò ở trẻ chậm lại. Ngoài ra, trẻ em cũng không đạt được mức độ mong đợi trong việc phát triển các kỹ năng tự chăm sóc bản thân như ngồi bô, buộc dây giày và cởi áo khoác.
Bà nói: "Trẻ em có ít thời gian giáo dục sớm, ít thời gian tương tác với mọi người bên ngoài gia đình. Đối với một số trẻ, chúng không có nhiều tương tác với thế giới bên ngoài nếu dành toàn bộ thời gian để nhìn vào màn hình". Để hỗ trợ sự phát triển của con trẻ, Spielman khuyên các bậc cha mẹ nên nói chuyện với con càng nhiều càng tốt và đưa con đến các cửa hàng và công viên để các em có hiểu biết thêm về thế giới cũng như vận động cơ thể.
Theo Spielman, trường học đã chuẩn bị kỹ lưỡng để tiếp nhận trẻ em ở nhiều cấp độ phát triển khác nhau, và lưu ý rằng sẽ tập trung nhiều vào các em phải trải qua những điều tồi tệ nhất trong đại dịch. Đã có rất nhiều công tác tốt trong những năm đầu ở các trường học và giáo dục nâng cao, bao gồm cả các chiến lược bắt kịp để thu hẹp khoảng cách về kiến thức và kỹ năng.
Mặc dù vậy, Place2Be, một tổ chức từ thiện sức khỏe tâm thần dành cho trẻ em, báo cáo có sự gia tăng lo lắng khi chia ly, thay đổi tâm trạng, khó tập trung, lo lắng và buồn bã. Tại các trường học, Ofsted nhận thấy đại dịch đang tiếp tục ảnh hưởng đến kiến thức và sức khỏe tâm thần của học sinh, với báo cáo khả năng phục hồi và ít tự tin hơn, cũng như gia tăng lo lắng và hành vi gây rối ở học sinh. Nhiều hiệu trưởng cũng nêu lên những lo ngại đặc biệt về những trẻ em khi tiếp nhận, trong đó có trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ, những em có hoàn cảnh khó khăn và có nhu cầu đặc biệt. Một số trường học báo cáo các vấn đề tiếp cận an toàn đã tăng lên, đặc biệt là lạm dụng trong gia đình.
Đối với học sinh trung học lớn hơn ở độ tuổi 11 và 13, giáo viên đang gặp khó khăn trong việc giúp học sinh bắt kịp kiến thức đã bỏ lỡ đồng thời chuẩn bị cho các kỳ thi. Một số hiệu trưởng quan sát thấy rằng một số Chứng chỉ giáo dục trung học phổ thông (GCSE) nhất định cũng trở nên ít phổ biến hơn.
James Bowen, giám đốc phụ trách chính sách của hiệp hội các nhà lãnh đạo trường học Hiệp hội Giáo viên Hiệu trưởng Quốc gia, cho biết: "Trường học đang làm việc cực kỳ chăm chỉ để cung cấp thêm cho học sinh những hỗ trợ mà các em cần. Tuy nhiên, họ không thể làm điều đó một mình, chính phủ cũng phải đầu tư vào dịch vụ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cũng như các dịch vụ quan trọng như âm ngữ trị liệu để những trẻ em cần hỗ trợ chuyên môn được tiếp cận càng sớm càng tốt. "
Người phát ngôn của Bộ Giáo dục cho biết: "Kế hoạch khôi phục đầy tham vọng của chúng tôi tiếp tục được triển khai trên toàn quốc, với gần 5 tỷ bảng Anh được đầu tư vào dịch vụ dạy kèm chất lượng cao, trình độ đào tạo đẳng cấp thế giới cho giáo viên và học viên mầm non tiểu học, tài trợ thêm cho các trường học và kéo dài thời gian đào tạo ở đại học thêm 40 giờ một năm".
"Chúng tôi đã đơn giản hóa chương trình dạy thêm quốc gia để tiếp cận được nhiều học sinh nhất có thể, với nguồn tài trợ sẽ đến trực tiếp các trường học từ năm sau. Chương trình can thiệp ngôn ngữ sớm của Nuffield cũng đang được đa số trường học áp dụng để cải thiện kỹ năng ngôn ngữ của trẻ trong độ tuổi tiếp nhận".