Đại lễ Phật đản Vesak 2019: Kiến lập nếp sống lành mạnh, xây dựng nhân gian hạnh phúc

13/05/2019 - 17:35
Trong thông điệp của Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ được tuyên đọc tại Đại lễ Phật đản - Vesak 2019, Pháp chủ kêu gọi tăng ni, phật tử noi gương bậc Giác ngộ - Đức Thích Ca Mâu Ni vĩ đại, ứng dụng giáo lý của Ngài để kiến lập một nếp sống lành mạnh, xây dựng nhân gian hạnh phúc và thế giới hòa bình.

Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak lần thứ 16 năm 2019 diễn ra từ 12 đến 14/5/2019 tại Trung tâm văn háo Phật giáo Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam). Đây là sự kiện văn hóa chính trị quan trọng của Liên hợp quốc được tổ chức hàng năm và là lần thứ 3 Việt Nam vinh dự đăng cai tổ chức. Tham dự Đại lễ lần này có trên 1.650 đại biểu thuộc hơn 570 đoàn khách quốc tế đến từ 112 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng trên 20.000 tăng ni, phật tử và người dân trong nước.

 

thu-tuong1.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự lễ Khai mạc Đại lễ Phật đản LHQ Vesak 2019

 

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 trao đổi các vấn đề, trong đó có cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững, sự lãnh đạo có chính niệm vì hòa bình bền vững; đặc biệt là các vấn đề Phật giáo trong đời sống như cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững, cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu, cách mạng công nghiệp 4.0 và Phật giáo, cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững.

 

vesak_8.jpg
Các tăng ni, phật tử tỏ lòng thành kính cầu nguyện tại Đại lễ Vesak 2019 Ảnh: Lê Phú

 

 “Việt Nam mình rất đẹp!” 

Từ sáng sớm ngày 12/5, tất cả các nẻo đường dẫn đến Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam) đều ken dày xe và người. Họ đến để tham dự một Đại lễ được coi là hoành tráng, quy mô nhất về nhiều phương diện trong các kỳ Đại lễ do Liên hợp quốc tổ chức tại ngôi chùa lớn nhất Việt Nam vừa được xây dựng.

 

hoa-hu-nhn-i-doanh-nhn-quc-t-2018-korean-l-th-tuyt-nhung.jpg
Hoa hậu nhân ái, Doanh nhân quốc tế 2018 Korean Lê Thị Tuyết Nhung

 

Có mặt từ sớm, Hoa hậu nhân ái, Doanh nhân quốc tế 2018 Korean Lê Thị Tuyết Nhung, chia sẻ: Mặc dù mới đăng quang tháng 12/2018 nhưng cô rất may mắn và vinh dự được tham dự Đại lễ Vesak 2019. Tuyết Nhung là một trong 9.000 cô dâu Việt Nam đang sinh sống tại Hàn Quốc. Cô kể, khi nhận biết được giấy mời, nhiều chị em đã thốt lên và bày tỏ mong muốn được một lần về tham dự Đại lễ quy mô lớn như thế này. Xa quê 12 năm, lần đầu tới Tam Chúc, Tuyết Nhung cảm thấy thật ngạc nhiên và ngỡ ngàng trước quần thể danh thắng - trung tâm văn hóa tâm linh lớn nhất cả nước. Qua Đại lễ, cô muốn nói với anh chị em người Việt ở nước ngoài rằng Việt Nam mình rất đẹp và còn nhiều danh thắng chưa được phát hiện, khai phá.

 

“Nói thực là đêm trước lễ khai mạc, tôi trằn trọc, chỉ ngủ được 2 tiếng thôi. Nhưng khi đi dự Lễ khai mạc, tôi cảm thấy thanh thản, khỏe mạnh và rất vui. Tôi rất xúc động vì Hà Nam cũng là quê nội của tôi. Năm nay, tôi về Việt Nam để hợp tác, kết nối kinh doanh. Hy vọng, tôi sẽ làm được điều gì đó cho quê hương và tôi cũng mong người Việt Nam mình ở nước ngoài cùng hướng về quê hương, làm nhiều việc ý nghĩa hơn nữa cho quê hương. Tôi cũng mong mình có thể kết nối các cô dâu, tập hợp họ lại để nếu có vinh dự tổ chức Đại lễ lần sau thì các cô dâu ưu tú cũng có dịp trở về với cội nguồn như tôi, để cùng làm việc gì đó hữu ích xây dựng quê hương, đất nước”, Tuyết Nhung cho biết.

 

Áp dụng Phật pháp trong cuộc sống là bớt tham, sân, si 

Đến với Vesak 2019 là lần thứ 3, nhưng phật tử Từ Tâm Nghiêm, phật tử chùa Sùng Phúc, Gia Lâm, Hà Nội, vẫn thấy hoan hỉ như đi dự lần đầu. Bà chia sẻ: “Tôi cảm thấy Việt Nam mình rất vinh dự được tổ chức Đại lễ Phật Đản của Liên hợp quốc. Đại lễ được trang hoàng rất đẹp, phật tử đến rất đông, hoan hỉ”.

 

pht-t-t-tm-nghim-pht-t-cha-sng-phc-gia-lm-h-ni.jpg
Phật tử Từ Tâm Nghiêm

 

Bà cũng cho biết, bà đi chùa đã 20 năm. Từ khi đến với đạo Phật, bà cảm thấy mình có duyên lành. Khi áp dụng Phật pháp vào đời sống thì bà thấy bản thân bớt tham sân si, chấp nhận, hài lòng với nghiệp và phước của mình. “Từ khi đi chùa, tôi cảm thấy cuộc sống nhẹ hơn. Khi gặp những điều gì đó không hài lòng, tôi không dễ nổi xung lên mà xử lý mọi việc hài hòa hơn. Các con cháu làm điều gì không đúng thì giảng giải nhẹ nhàng hơn”, bà cho biết.

 

Từ quận Bình Thạnh, TPHCM, phật tử Trần Gia Ly (pháp danh Chân Bảo), chùa Bá Khánh ra trước lễ khai mạc 2 ngày. Bà tham gia bất kỳ công việc tình nguyện nào khi được phân công, sẵn sàng cho một Đại lễ của LHQ được diễn ra thành công. “Đến với nơi này, tôi chỉ mong muốn quốc thái dân an, bản thân thì tâm an lạc”, bà chia sẻ.

 

pht-t-trn-gia-ly-php-danh-chn-bo-cha-b-khnh.jpg
Phật tử Trần Gia Ly

 

Bà cho biết, từ khi theo đạo Phật, bà luôn áp dụng Phật pháp trong cuộc sống gia đình. Mặc dù gia đình bà, bố bà và 2 em trai theo  đạo thiên chúa nhưng bà vẫn quyết định theo đạo Phật bởi theo bà, đạo Phật hay đạo thiên chúa đều nhằm mục đích hướng thiện.

 

Từng tham gia tu tập một khóa đạo Phật, Lê Chuyên, SV trường ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội, ngộ ra nhiều điều. Cô bảo, từ khi theo đạo Phật, cô cảm thấy rõ sự thay đổi của mình. Tâm trí hoàn toàn sảng khoái mà không phải gò bó điều gì. Mỗi khi gặp khó khăn trong học tập hay trong cuộc sống, đến với Phật giáo, cô dường như được giải đáp tất cả. Cô cũng bảo, điều cô cảm nhận rõ nhất là Luật nhân quả, từ đó những việc làm của mình hướng đến những điều thiện hơn. Đến đại lễ Vesak lần này với vai trò một tình nguyện viên, cô chia sẻ: Cô muốn được gặp gỡ, nhìn thấy các hàng phật tử khác trên thế giới, để được gieo duyên.

 

l-chuyn-sv-trng-h-vn-ha-ngh-thut-qun-i-gia.jpg
Lê Chuyên (giữa) cùng các tình nguyện viên
 

Dự khai mạc Đại lễ Vesak 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng tại Đại lễ. Thủ tướng nêu rõ, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc đã vượt trên một lễ hội văn hóa tôn giáo thông thường nhằm phát huy tinh hoa của đạo Phật và trao truyền cho tất cả chúng ta thông điệp lâu đời của đức Phật Thích ca về hòa bình, hòa hợp, khoan dung và nhân ái mà đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Đó cũng là nền tảng cho việc thiết lập mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia, các dân tộc, tôn giáo và là chất liệu góp phần xây dựng cuộc sống văn minh, chân lý hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững vì lợi ích tốt đẹp của nhân loại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm