pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đại sứ Nga tại Việt Nam: "Việt Nam có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga"
Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko - Ảnh: Đại sứ quán Nga tại Việt Nam
Sáng 15/5, tại buổi chia sẻ thông tin về tình hình nước Nga và hợp tác với Việt Nam, Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetko cho biết hiện tại chưa thể thông báo về thời điểm chính xác Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ sang thăm Việt Nam, tuy nhiên chuyến thăm sẽ diễn ra "trong tương lai gần".
Tổng thống Putin từng 4 lần đến Việt Nam, trong đó có 3 lần trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức vào các năm 2001, 2006, 2013. Lần còn lại là vào năm 2017, khi ông đến Đà Nẵng để dự APEC do Việt Nam làm chủ nhà.
Đề cập đến sự kiện Tổng thống Putin chính thức nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga vào ngày 7/5 vừa qua, bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ 5 của ông, Đại sứ Gennady Bezdetko cho biết ngay sau lễ nhậm chức, người đứng đầu nhà nước Nga đã xác nhận các mục tiêu phát triển chính của Nga cho giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2036.
Trong đó, những mục tiêu quan trọng nhất là bảo đảm tỉ lệ sinh, cải thiện sức khỏe, nâng cao phúc lợi, hỗ trợ gia đình, phát huy tiềm năng của mỗi người dân, cải thiện tình hình môi trường, động lực phát triển kinh tế cao; đảm bảo vị thế dẫn đầu về công nghệ, tăng tỉ lệ hộ gia đình có thể truy cập Internet lên 99% vào năm 2036; đảm bảo cung cấp các máy bay được sản xuất trong nước cho các hãng hàng không Nga. Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ đặt ra là gia tăng số lượng sinh viên nước ngoài tại các trường đại học trong nước lên 500 ngàn người và hơn thế vào năm 2030.
Ngoài ra, buổi chia sẻ thông tin còn tập trung vào 3 nội dung: Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nước Nga hiện nay; hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga; những tiềm năng hợp tác trong tương lai.
Đại sứ Stepanovich khẳng định, Việt Nam có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga. Ông cho biết, Nga hài lòng với hoạt động đối thoại chính trị giữa hai nước và đang nỗ lực để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật, quân sự, kỹ thuật - quân sự, và nhân đạo trong tình hình mới.
Trả lời câu hỏi về việc Việt Nam có thể tham gia nhóm Các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Đại sứ Stepanovich cho biết, với vai trò chủ tịch BRICS năm nay, Nga hoan nghênh và đang hỗ trợ Việt Nam để trở thành thành viên tiếp theo của khối này.
Ông Stepanovich khẳng định, BRICS ngày càng khẳng định vai trò trong nền kinh tế tài chính của thế giới và còn nhiều động lực để phát triển trong thời gian tới. Điều quan trọng là BRICS không quá ràng buộc và khắt khe với các quốc gia trên thế giới, mà có cơ chế mở để các quốc gia khác có thể tham gia, trong đó có Việt Nam. Nhiều quốc gia khác cũng đang muốn tham gia.