pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga: Trọn đời cống hiến cho sự nghiệp ngoại giao và đất nước

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN. (Ảnh: Tuấn Anh)
Bàng hoàng, đau buồn và tiếc thương là cảm xúc chung của những người bạn, đồng nghiệp của Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga khi được tin chị đã từ giã chúng ta về cõi vĩnh hằng. Vẫn biết đời người là vô thường và chị đã kiên cường chiến đấu với nan y trong suốt mấy năm qua, tôi vẫn cảm thấy hụt hẫng và đau xót trước mất mát quá lớn này.
Ngành Ngoại giao và đất nước ta mất đi một nhà ngoại giao nữ xuất sắc, thông minh, sắc sảo, sâu sắc, tâm huyết, có tầm nhìn chiến lược và tư duy đổi mới, sáng tạo, đã có đóng góp rất lớn cho đối ngoại và công cuộc hội nhập quốc tế của đất nước, được bạn bè, đồng nghiệp trong nước và quốc tế quý mến, ngưỡng mộ. Chị ra đi, nhưng trong tâm trí những người được có dịp làm việc với chị vẫn in đậm kỷ niệm về một con người cả cuộc đời tận tụy cống hiến cho sự nghiệp đối ngoại, cho đất nước.
Trên mọi cương vị công tác, cho dù là đa phương hay song phương, từ khi là chuyên viên cho tới khi làm lãnh đạo đơn vị, chị luôn làm việc quên mình, đầy năng lượng, nhiệt huyết và rất giàu ý tưởng, sáng kiến, trăn trở để làm sao mọi việc đạt kết quả tốt nhất, bảo đảm lợi ích cao nhất cho đất nước, cho hoà bình, hợp tác và phát triển.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga trao đổi cùng các đại biểu tại Diễn đàn Việt Nam-Australia về nâng cao vai trò và đóng góp phụ nữ trong lĩnh vực đối ngoại trong kỷ nguyên số, ngày 3/10/2019. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Chị là điển hình của một nhà ngoại giao đầy bản lĩnh, kiên định, luôn nỗ lực cao nhất để vươn tới sự hoàn thiện, không chấp nhận cách làm việc hời hợt, thiếu đào sâu suy nghĩ. Chị rất nghiêm túc, luôn đặt yêu cầu cao trong công việc, song anh chị em cán bộ, nhân viên kính trọng, quý mến chị vì chị luôn đồng hành, lăn xả trong công việc cùng anh chị em. Chị là người thủ trưởng đơn vị đồng thời cũng là người chị lớn, là “cô giáo” rất quan tâm đến hoàn cảnh của từng đồng nghiệp, tận tình chỉ bảo từng ly từng tí, tỉ mỉ, chăm sóc từ việc nhỏ tới việc lớn, từ nghiên cứu đề xuất ý tưởng, sáng kiến của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương cho tới từng bữa ăn ngoài giờ cho anh chị em khi phải làm việc quá muộn ở cơ quan.
Tôi có may mắn được làm việc cùng chị khi tôi công tác ở Vụ Thông tin Báo chí và khi ấy chị là Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, cùng phục vụ Hội nghị cấp cao ASEM tổ chức tại Việt Nam năm 2004 và một số đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự các diễn đàn ASEM, APEC. Tôi nhớ trong một chuyến đi công tác cùng chị tháp tùng đoàn của Lãnh đạo ta dự Hội nghị cấp cao APEC ở Singapore, chị đã đề xuất để nhóm báo chí cùng tham gia làm việc với nhóm về nội dung do chị phụ trách để bảo đảm sự thống nhất và đáp ứng yêu cầu về thời điểm đưa tin, một việc làm chưa từng có tiền lệ trong các chuyến công tác trước đó.
Tôi ấn tượng sâu sắc về phương pháp làm việc của chị, say sưa, tâm huyết cùng trao đổi, thảo luận với cả nhóm, kỹ lưỡng chốt lại từng nội dung, câu chữ và đến gần 3 giờ sáng, khi các vấn đề về nội dung đã được chuẩn bị sẵn sàng thì nội dung thông tin cho báo chí cũng đã cơ bản hoàn tất. Chị làm việc không ngừng nghỉ, đầy đam mê, hết lòng với công việc và chúng tôi vẫn hỏi nhau chị lấy đâu ra năng lượng để có thể dẻo dai như vậy.
Với những nhà ngoại giao nữ chúng tôi, chị là người chị luôn quan tâm đào tạo, dìu dắt thế hệ trẻ. Chị rất tâm huyết và nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Chính chị đã đưa ra ý tưởng kết nối các thế hệ cán bộ ngoại giao nữ để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, để có nhiều hơn các nữ Đại sứ, nữ lãnh đạo đơn vị và là một trong những người sáng lập Mạng lưới các nữ Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và lãnh đạo các đơn vị của Bộ Ngoại giao (gần đây được đổi tên thành Mạng lưới các nhà ngoại giao nữ Việt Nam).
Nhiều cán bộ ngoại giao được chị trực tiếp đào tạo, rèn giũa nay đã trưởng thành, đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng như Lãnh đạo bộ, Đại sứ, thủ trưởng đơn vị. Đối với cá nhân tôi, chị như người chị lớn, luôn quan tâm chỉ bảo, động viên, hỗ trợ, giúp tôi tự tin hơn và hoàn thành tốt các trọng trách được phân công.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Đại sứ Nguyễn Phương Nga và các cán bộ ngoại giao nữ, tháng 8/2018. (Ảnh TGCC)
Chị là tấm gương mẫu mực về “giỏi việc nước, đảm việc nhà". Cho dù bận đến mấy, chị vẫn chăm sóc gia đình chu toàn. Mỗi lần có dịp chị em gặp nhau, chị cởi mở, vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm về tập dưỡng sinh, về thu xếp việc nhà. Trước khi tôi lên đường sang New York nhận nhiệm vụ Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, vợ chồng tôi được chị và anh Bình Minh mời đến nhà ăn tối. Trong phòng ăn nhỏ ấm cúng của gia đình, chị tự tay chuẩn bị, bài trí món ăn, ân cần, chu đáo và hết sức tình cảm làm chúng tôi rất xúc động. Kỷ niệm ấy sẽ còn mãi trong tôi.
Chị Nguyệt Nga đã đi xa, nhưng chị đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong ngành Ngoại giao và một hình ảnh rất đẹp của một nhà ngoại giao nữ, tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ ngoại giao Việt Nam.
Đại sứ Nguyễn Thị Nguyệt Nga, sinh ngày 19/9/1959, quê quán: xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (nay là xã Vạn An, tỉnh Nghệ An); thường trú tại số nhà 12, ngách 19/18 Liễu Giai, phường Ngọc Hà, thành phố Hà Nội; vào Đảng tháng 11/1985.
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á-Nam Á-Nam Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao; nguyên Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Ban Thư ký quốc gia Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 5 (ASEM V); nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao; nguyên Phó trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề kinh tế và thương mại; nguyên Trưởng quan chức cao cấp của Việt Nam tại Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM); nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC); Cố vấn cao cấp Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017, Bộ Ngoại giao; chuyên viên cao cấp bậc 3/6; Đại sứ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Được Đảng, Nhà nước Việt Nam tặng thưởng: 2 Huân chương Lao động hạng Nhì và 1 Huân chương Lao động hạng Ba; Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam; danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và nhiều bằng khen, danh hiệu cao quý khác.
Được Nhà nước Lào tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba.
Do bệnh nặng, đã từ trần hồi 9h25, thứ Năm, ngày 17/7/2025 (tức ngày 23 tháng 6 năm Ất Tỵ) tại Hà Nội, hưởng thọ 67 tuổi.
- Lễ viếng Đại sứ Nguyễn Thị Nguyệt Nga bắt đầu từ 7h30, Chủ nhật, ngày 20/7/2025; Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 9h00 cùng ngày tại Nhà Tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội (Ban Tổ chức Lễ tang đã chuẩn bị vòng hoa cho các đoàn đến viếng).
- Hỏa táng và an táng cùng ngày tại Công viên Nghĩa trang Thiên Đức, tỉnh Phú Thọ.