Đắk Lắk: Chuyển đổi số là động lực mới, tâm thế mới trong sự phát triển giai đoạn đến năm 2025

Nhật An
01/10/2023 - 08:25
Đắk Lắk: Chuyển đổi số là động lực mới, tâm thế mới trong sự phát triển giai đoạn đến năm 2025

Người dân xã Phú Lộc, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Lắk giải quyết thủ tục hành chính điện tử thay thế giấy tờ. Ảnh: Bình Yên

Đắk Lắk hướng đến mục tiêu phát triển mạng di động công nghệ 4G/5G tại khu vực thành phố, trung tâm huyện, khu vực đông dân cư, tốc độ băng rộng di động đạt trong nhóm 30 tỉnh/thành dẫn đầu cả nước.

Phấn đấu đến năm 2025, 100% thôn, buôn được phủ sóng di động băng rộng

Theo kế hoạch số 148/KH-UBND về việc Phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023-2025, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh/tổng thuê bao điện thoại di động đạt 80%; tốc độ băng thông di động 40Mbps; tỷ lệ thôn, buôn được phủ sóng di động băng rộng (tính theo vùng phủ có dân cư sinh sống) đạt 100%; tỷ lệ UBND cấp xã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) đạt 100%. Phát triển mạng di động công nghệ 4G/5G tại khu vực thành phố, trung tâm huyện, khu vực đông dân cư, tốc độ băng rộng di động đạt trong nhóm 30 tỉnh/thành dẫn đầu cả nước.

Số thuê bao băng rộng cố định/100 dân đạt 2,05%; tỷ lệ phần trăm hộ gia đình có truy nhập Internet băng rộng cáp quang đạt 90%; tỷ lệ thôn, buôn được phủ băng rộng cố định (cáp quang FTTH) đạt 85%; tỷ lệ hệ thống thông tin dùng chung cấp tỉnh có sử dụng dịch vụ điện toán đám mây đạt 40%. Trung bình, mỗi người dân có 1 tài khoản dịch vụ điện toán đám mây hoặc dịch vụ được triển khai trên hạ tầng điện toán đám mây.

Đắk Lắk: Chuyển đổi số là động lực mới, tâm thế mới trong sự phát triển giai đoạn đến năm 2025 - Ảnh 1.

UBND tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số giai đoạn 2021-2023. Ảnh TTXVN

Bên cạnh đó, triển khai công nghệ AI, Blockchain, IoT hỗ trợ hiệu quả cho chương trình chuyển đổi số tỉnh, phát triển kinh tế số, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hệ thống quản trị số địa phương và năng lực quản trị…

Tại Hội nghị sơ kết các hoạt động chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức ngày 21/9, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk Ra Lan Trương Thanh Hà cho biết, qua 2 năm thực hiện công tác chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, Đắk Lắk đã có những bước phát triển. Tuy nhiên, chuyển đổi số vẫn là vấn đề mới, nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức, người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình còn hạn chế. Lực lượng lao động được đào tạo chiếm tỷ lệ thấp, đặc biệt là nông dân và cán bộ quản lý hợp tác xã chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay. Nguồn nhân lực số, năng lực số cho chuyển đổi số chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng, chất lượng. Trình độ sử dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế nên việc tiếp cận, cài đặt sử dụng nền tảng số còn gặp khó khăn…

Tổ công nghệ số cộng đồng đã phủ sóng 15/15 huyện, thị xã, thành phố

Theo kế hoạch đề ra, đến năm 2025, Đắk Lắk phấn đấu tiếp tục xây dựng các nền tảng số, phát triển hạ tầng số hiện đại, đồng bộ; ứng dụng công nghệ số trong cơ quan nhà nước hướng tới chính quyền số phải thúc đẩy, gắn liền tiến trình cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển theo hướng bền vững phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tỉnh ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hướng đến nền kinh tế số, xã hội số, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn…

Đắk Lắk: Chuyển đổi số là động lực mới, tâm thế mới trong sự phát triển giai đoạn đến năm 2025 - Ảnh 2.

Nhân viên Viettel Đắk Lắk hỗ trợ Tổ công nghệ số cộng đồng tại xã Hòa Phú - TP Buôn Ma Thuột. Ảnh TL

Tính đến tháng 9/2023, tại Đắk Lắk đã có 15/15 huyện, thị xã, thành phố ban hành quyết định thành lập 1.426 Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, buôn, tổ dân phố với 9.278 thành viên. Tổ công nghệ số cộng đồng các cấp hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các nền tảng số…

Hiện trên địa bàn tỉnh có 188/188 điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối Internet; trên 1,9 triệu người (từ 15 tuổi trở lên) có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, đạt 139,5%; 1.678 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử… Các cơ sở giáo dục cũng đã ứng dụng phần mềm quản lý trường vào dạy và học; trạm y tế cấp xã triển khai ứng dụng quản lý thông tin y tế; xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa, lập hồ sơ sức khỏe điện tử.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà nhận định, chuyển đổi số là cơ hội lớn, thời cơ để địa phương bắt kịp, đi cùng và vươn lên đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào mọi mặt hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Tỉnh Đắk Lắk quyết tâm chọn chuyển đổi số là động lực mới, tâm thế mới trong sự phát triển của địa phương giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030, định hướng năm 2050.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm