Đám cưới “4 không” và những chuyện cười ra nước mắt

09/08/2017 - 20:56
Tiếng nhạc xập xình, tiếng cười nói bình phẩm rôm rả, từng cặp đôi dắt tay nhau vội vã tiến vào hôn trường. Mới hôm qua thôi, người đang tay trong tay với họ chưa hề biết mặt nhưng giờ đây đã là một phần của nhau.
Kỳ 1: “Săn” vợ qua mạng và cuộc chạm mặt chớp nhoáng

Kỳ 2: Thâm nhập thủ phủ “xuất khẩu cô dâu” đất Cảng

Kỳ 3: Tìm chồng trong "một nốt nhạc"

Cưới siêu tốc

Tranh thủ lúc Kang và phiên dịch đang phỏng vấn lựa chọn cô dâu tại chòi mà “cò” Trang sắp đặt sẵn, chúng tôi bắt đầu rảo bước một vòng trong đại khuôn viên của Trung tâm tiệc cưới Hồng Ngọc, nơi đang tổ chức những đám cưới “4 không”: Không tình yêu, không đại diện nhà trai, không họ hàng và không có tên của cô dâu, chú rể trên phông cưới…
hon-nhan-42.jpg
Một cặp cô dâu và chú rể chuẩn bị lên làm lễ cưới

Vừa bước ra khỏi chòi, đã có hàng chục cô gái trẻ đang đứng ngồi lố nhố ở hành lang cạnh hồ nước nhân tạo để chờ đến lượt phỏng vấn hoặc chờ xem kết quả của buổi thi tuyển buổi sáng. Sự chờ đợi, hồi hộp hiện rõ trên khuôn mặt của cô gái trẻ.

Còn các “cò” thì mắt đảo như chớp, chốc chốc lại điều em này, em kia vào phòng cho trai Hàn xem mặt. Sự nhanh nhảu, vội vã pha lẫn cáu bẳn của “cò” chả khác gì hình ảnh thường thấy tại các chợ quê.

Cạnh căn chòi mà Kang đang “chọn vợ” là một dãy 6-7 căn chòi khác và hầu như các chòi đều có rể Hàn đợi sẵn để tuyển. Quan sát qua các ô cửa kính nhiều chòi còn thấy cảnh rể Hàn bắt các cô dâu đi đi lại lại để họ ngắm nghía, lựa chọn.

Đi sâu vào phía trong đại bản doanh, nơi cách chòi tuyển vợ độ 100 mét là hệ thống nhà hàng rộng lớn. Khi chúng tôi có mặt, nơi đây đang diễn ra 3 đám cưới giữa rể Hàn và cô dâu Việt. Một nhân viên bàn của nhà hàng này cho biết, mỗi ngày diễn ra cả chục đám cưới, ngày cuối tuần còn đông hơn nhiều.

Đám cưới chả cần giờ giấc gì. Nói là đám cưới cho sang nhưng thực chất mỗi đám thực ra chỉ có 3 mâm cỗ, chủ yếu để người nhà cô dâu và chú rể ăn uống và…làm quen nhau.
hon-nhan-41.jpg 

Khi chúng tôi bước vào nhà hàng rộng lớn này cũng là lúc nhà hàng đang làm lễ cưới cho 1 cặp đôi Việt-Hàn. Ngay sảnh vẫn có 2 cặp cô dâu, chú rể xúng xính quần áo chờ đến lượt được xướng tên.

Ở trên MC càng hát, hò hét khỏe thì bên dưới, gia đình cô dâu ăn càng nhanh để kịp giờ kết thúc đám cưới nhường sân khấu cho cặp đôi khác. Tham dự và chứng kiến nhiều đám cưới từ thành thị đến nông thôn nhưng có lẽ chúng tôi chưa bao giờ lại chứng kiến một cuộc hôn nhân tẻ nhạt, phũ phàng đến vậy.

Có một điều lạ, mặc dù được tổ chức trong một nhà hàng sang trọng là vậy nhưng tên cô dâu, chú rể không hề được ghi tên trên tấm phông bạt trang trí. Một số nhân viên nói rằng, các cô dâu ngại không muốn treo tên mình ở đó. Với lại, đám cưới này tổ chức “siêu tốc” đến nỗi không kịp nhờ người cắt tên hai “nhân vật chính” để dán lên tấm bạt màu hồng.
hon-nhan-43.jpg 

Khoảng một lúc sau, MC công bố cô dâu, chú rể trao nhẫn cưới, họ nhà gái biết ý tự đứng dậy bước ra khỏi hội trường. Đoàn nam phụ, lão, ấu của nhà gái lục tục ra về, đa phần trong số họ vẫn chưa biết tên chàng rể vừa kết hôn với người thân của họ.

Bởi lẽ, cô dâu cũng mới chỉ gặp mặt chú rể vào chiều hôm qua mà thôi. Mọi thứ diễn ra chóng vánh đến khiếp sợ. Ít phút sau, cặp đôi Hàn – Việt lên taxi đi tìm bến đỗ cho buổi động phòng.

Nốt trầm ở Thủy Nguyên

Trong những ngày thâm nhập và “nằm vùng” ở Thủy Nguyên (Hải Phòng), những câu chuyện bi – hài kịch của cuộc hôn nhân đậm sắc kim tiền khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ. Giới cô dâu Việt và “cò” ở Thủy Nguyên vẫn thường kể về một “chuyện tình” có một không hai, cười ra nước mắt giữa rể Hàn và cô gái Việt.
hon-nhan-44.jpg
Một góc trung tâm tiệc cưới Hồng Ngọc

Chắc chẳng ai có thể ngờ được có trường hợp “cò” tự môi giới cho con mình đi lấy chồng Hàn Quốc. Đó là câu chuyện về một “cò” có tên là Quỳnh ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Vốn có thâm niên dắt mối cho đám trai Hàn sang Hải Phòng tuyển vợ nên Quỳnh biết khá rõ điều kiện kinh tế của rể Hàn ra sao. Năm ấy, có một người đàn ông Hàn đã ngoài 60 tuổi, từng trải qua 2 đời vợ nhưng vẫn còn “máu” kiếm thêm vợ nữa. Khổ nỗi, gã này bị tai nạn giao thông, không thể tự đi lại được nên phải ngồi xe lăn để sang Việt Nam tuyển vợ.

Lúc đầu, nhiều cô gái Việt thấy gã già nua, tật nguyền nên tỏ ý chê bai, không muốn tiếp cận với rể này. Tuy vậy, khi tìm hiểu thông tin sâu hơn thì được biết, ông ta dù già cả nhưng được tiếng là đại gia ở xứ sở Kim chi, có trong tay hệ thống khách sạn hạng sang tại đảo Jeju danh tiếng. Nghe đến đây, các cô gái Việt lại nườm nượp ứng tuyển.

“Cò” Quỳnh, với kinh nghiệm và thông tin nhanh nhạy đã tìm cách “cài cắm” con gái ruột của mình vào ứng tuyển. Bằng mối quan hệ và khả năng của mình, không khó để “cò” này kén chàng rể ngồi xe lăn cho cô con gái mới 18 tuổi.

Một số “cò” ở đây kể lại, khi biết tin chàng rể già nhiều tiền, lắm của, Quỳnh đã ngay lập tức gọi cô con gái đang làm công nhân của mình về để ứng tuyển. Cô bé 18 tuổi và khá xinh xắn đã không khó để lọt vào mắt xanh của chàng rể hơn mình 40 tuổi.

Đám cưới được tổ chức, chú rể bước sang tuổi “lục tuần” ngồi xe lăn trao nhẫn cưới cho cô dâu trước sự hoan hỷ của nhà gái với ánh mắt ngỡ ngàng của nhân viên nhà hàng. Trong đám cưới ấy, người ta thấy rõ nụ cười mãn nguyện của “cò” Quỳnh khi xe duyên cho con gái với chàng rể lớn hơn mẹ vợ 20 tuổi.

Những câu chuyện tai tiếng về “cò” như: Ăn chặn tiền của cô dâu thậm chí cướp luôn chồng chưa cưới của cô dâu không còn xa lạ ở mảnh đất Thủy Nguyên. Vì thế, giới cô dâu ở đây vẫn truyền tai nhau những bí kíp chọn chồng, chọn “cò”. “Nên chọn cò nhiều tuổi để tránh trường hợp bị cò nẫng tay trên, cướp trắng chồng của mình”, T, cô gái có 4 lần ứng tuyển chồng Hàn, chia sẻ.

Mời độc giả đón xem kỳ 5: Cò hôn nhân như vòi bạch tuộc len lỏi khắp miền quê

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm