Đám cưới - Ngày một đời khắc ghi

Thảo Miên
21/12/2024 - 17:59
Đám cưới - Ngày một đời khắc ghi

Ảnh minh họa

Trên đời, có chàng trai, cô gái nào lớn lên, bước vào thế giới tình yêu mà không mong ước một ngày được sánh bước chung đôi, nên vợ nên chồng? Có người con gái nào không một lần mơ mặc áo cưới, trở thành cô dâu?

Khoảnh khắc trái tim đập nhịp rộn ràng

Ta có thể không mơ ước giàu sang, phú quý nhưng nhất định mơ có một mái ấm gia đình; có thể ta không mơ nhà lầu xe hơi nhưng nhất định mơ có người bạn đời đẹp, con khôn; có thể không mơ mình công thành danh toại nhưng luôn khát khao được nghe tiếng trẻ bi bô, được làm cha, làm mẹ…

Tờ giấy đăng kí kết hôn được xem là "hộ chiếu hôn nhân", được pháp luật thừa nhận mối quan hệ vợ chồng đối với cặp đôi. Còn đám cưới là "thông cáo" công khai mối quan hệ ấy trước tổ tiên ông bà, gia đình, họ hàng, bạn bè gần xa và bàn dân thiên hạ.

Với ý nghĩa quan trọng về cả mặt pháp luật, gia đình, đám cưới chính là bước ngoặt cuộc đời, đánh dấu mốc trưởng thành của đôi uyên ương. Nhìn ra năm châu bốn bể, đám cưới được diễn ra ở khắp các quốc gia, dân tộc, vùng miền. Ở nước ta, 54 dân tộc là 54 nghi lễ cưới hỏi khác nhau; mỗi một tôn giáo lại có những thực hành hôn nhân riêng biệt. Nếu coi gia đình là tế bào xã hội thì đám cưới là nền tảng để phát triển tế bào ấy khoẻ mạnh, góp phần vào sự cường thịnh của quốc gia. Sự ra đời của một gia đình mới có ý nghĩa rất quan trọng đối với dòng tộc, xã hội. Ấy là trách nhiệm của vợ chồng trong vai trò duy trì nòi giống, phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, gìn giữ nếp nhà, đắp xây hạnh phúc.

Gạt bỏ những phô trương, biến tướng trong đám cưới ở một số ít gia đình hiện này thì không thể phủ nhận, đám cưới là sự kiện hạnh phúc, thăng hoa trong đời người. Đó là ngày hội của đại gia đình nhà trai - nhà gái, là cuộc hội ngộ của tất thảy người thân yêu của cô dâu - chú rể. Sẽ chẳng có dịp nào ngoài đám cưới, ta mới có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện với những người thân; làm quen, mở rộng các mối quan hệ xã hội với người lạ…

Ngày một đời khắc ghi- Ảnh 1.

Xã hội phát triển, nhiều thủ tục, nghi lễ thực hành trong cưới hỏi của người Việt Nam xưa đã được giản tiện so với trước. Điều này thể hiện sự văn minh, tiến bộ xã hội. Tuy nhiên về cơ bản, những nghi thức thiêng liêng của một đám cưới vẫn được bảo tồn, cho thấy mạch nguồn gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của đất nước: Lễ chạm ngõ như lời kết giao giữa hai gia đình, dòng họ; lễ rước dâu - đưa dâu không chỉ là phép tắc mà còn là sự trân trọng, nâng niu người phụ nữ bước chân đi lấy chồng; lễ gia tiên, vợ chồng vái lạy gia tiên, từ đường thể hiện truyền thống đạo lý hiếu kính tổ tiên, ông bà…

Có người bảo, cưới xin chỉ là hình thức, quan trọng là sống với nhau như thế nào, vợ chồng có tròn đạo "trương kính như tân", chia ngọt sẻ bùi, yêu thương, trân quý, bình đẳng với nhau không mới là giá trị cối lõi. Hiển nhiên là vậy. Nhưng những dấu ấn của đời người, những kỉ niệm đẹp đẽ (mà đám cưới là một điển hình) sẽ luôn là lời nhắc nhở, là chất xúc tác, kết nối để trong suốt hành trình chung sống, vợ chồng soi vào đó để sống tốt với nhau hơn, trân trọng gia đình hơn, trách nhiệm với con cái hơn. Thế nên, cho dù ai đó, một đời có đến mấy lần làm đám cưới, thì trong khoảnh khắc cúi lạy gia tiên, chào bố mẹ, nhận nhau làm chồng-vợ thì lồng ngực vẫn xốn xang hồi hộp, trái tim vẫn đập nhịp rộn ràng.

Nếu hỏi mỗi người con gái, con trai, kỉ niệm nào/sự kiện nào trong đời để lại nhiều cảm xúc, ấn tượng theo suốt cuộc đời mình? Có lẽ, nhiều người sẽ nói rằng, đó là ngày cưới của họ. Cũng phải thôi, bao năm yêu nhau, mơ về ngày cưới, bao nhiêu hồi hộp, mong chờ được khoác áo cô dâu. Trong lễ ăn hỏi, ngày cưới, hình ảnh cô dâu duyên dáng trong tà áo dài truyền thống mang vẻ đẹp dịu dàng, tinh khôi, thuần khiết. Chiếc váy cưới trắng muốt khiến người con gái đẹp như thiên thần. Phút giây chàng rể đón dâu, mẹ cha dắt tay con gái trao vào tay con rể gửi gắm, dặn dò…, chính là sự trao truyền, thừa kế và tiếp nối thế hệ gia đình.

Thiêng liêng "ngàn lời chúc bình an"

Nếu ngày cưới không thiêng liêng đối với mỗi con người như thế thì sao sau bao nhiêu năm, các cặp đôi vẫn háo hức được tổ chức kỉ niệm đám cưới bạc, vàng, kim cương? Thì sao ông bà ta tóc bạc, da mồi, hàm răng móm mém, có thể quên rất nhiều điều nhưng ngày đại hỉ đã diễn ra từ hàng thế kỉ trước vẫn kể làu làu như vừa mới hôm qua.

Đám cưới được xem là khoảnh khắc đáng nhớ của đời người. Dù ngày thường, bạn không phải là cô gái sắc nước hương trời, giai nhân tuyệt thế thì trong ngày trọng đại của cuộc đời mình, bạn vẫn là cô dâu lộng lẫy, xinh đẹp, tuyệt vời nhất. Mọi ánh nhìn đều đổ dồn về phía mỗi bước chân, nụ cười của bạn. Giây phút sánh vai cùng người mình yêu tiến vào lễ đường hay chắp tay vái lạy gia tiên, bạn là người hạnh phúc nhất thế gian.

Hôn nhân thiêng liêng còn bởi đó là sự kiện đánh dấu sự trưởng thành của con người, là sự cam kết của một tình yêu đẹp chuyển sang một trạng thái mới, cuộc sống mới. Bởi "Phút giây mong chờ ngày hôm nay đến rồi/ Lúc em thức dậy lòng bỗng thấy xốn xang/ Ngày hôm nay ngày vui nhất trong cuộc đời/ Ngày em sẽ là một nửa đời anh" (Ngày cưới - Vũ Khắc Việt).

Theo quan niệm của người Việt ta, "tậu trâu - cưới vợ - làm nhà" (lo công danh sự nghiệp, lập gia đình, xây nhà) là 3 việc lớn trong đời mà người đàn ông trưởng thành phải đạt được. Thanh niên nam-nữ lớn tuổi đến đâu nhưng chưa lập gia đình vẫn bị xem là… chưa trưởng thành thực sự. Đối với mẹ cha, "trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng", chỉ khi nào con cái yên bề gia thất trong lòng mới yên. Chính vì thế, đám cưới là việc đại sự rất được mẹ cha quan tâm, gia đình trông đợi. Đó là "Ngày vui nhất đời anh, ngày vui nhất đời em/ Trong chiếc thiệp xinh xinh có tên hai đứa mình/ Ngàn lời chúc bình an đôi bàn tay siết chặt/ Hai chiếc nhẫn kết lại minh chứng cho ngày vui nhất" (Ngày cưới - Vũ Khắc Việt).

Từ người nổi tiếng đến người bình thường, đám cưới luôn là sự kiện được trông đợi nhất. Chả thế, chẳng ngẫu nhiên mà giới truyền thông luôn tốn nhiều giấy mực trước sự kiện đám cưới của những người nổi tiếng. Nhìn vào các đám cưới, nhìn vào cách ứng xử của cô dâu - chú rể dành cho nhau, ta có thể cảm nhận phần nào hạnh phúc và tình yêu họ dành cho nhau.

Ảnh minh họa


Ngược về ngày nghèo khó, đám cưới của ông bà ta xưa lấy đâu khăn nhung quần lĩnh, áo dài; bà mặc chiếc quần thâm với tấm áo bà ba, răng nhuộm đen hạt na mà nụ cười vẫn như mùa thu toả nắng. Thời mẹ ta làm cô dâu thướt tha chiếc áo dài trắng, ôm bó hoa dơn mà ánh mắt như ngàn vì sao lấp lánh…Vậy đó, đám cưới, dù xa hoa lộng lẫy hay đơn giản, bình dân thì đó vẫn là ngày mà cuộc đời mỗi người luôn khắc ghi. Chiếc váy cô dâu dù đính ngàn viên kim cương, giá thành lên đến cả triệu USD hay chỉ là chiếc áo dài truyền thống, thì đó luôn là bộ trang phục đẹp nhất, ấn tượng nhất trong đời của người con gái.

Con người ta sinh ra và lớn lên trong điều kiện khác nhau. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh nhưng mưu cầu tình yêu - hạnh phúc của mọi người đều bình đẳng. Người giàu có, nhiều điều kiện hơn để làm phong phú hạnh phúc nhưng chưa hẳn đã hạnh phúc hơn người nghèo. Một đám cưới hoành tráng nhưng chưa hẳn đã ấm áp, vui vẻ hơn một đám cưới bình dân. Tình yêu chính là thứ mang chúng ta lại với nhau nhưng không phải là thứ níu giữ chúng ta mãi mãi. Chỉ có hôn nhân, khi tình yêu có thêm tình thương, trách nhiệm mới có thể gắn bó và kết dính hai người bền chặt trong một gia đình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm