Đám cưới trên “vũ trụ ảo”

Kim Ngọc
15/03/2022 - 14:06
Đám cưới trên “vũ trụ ảo”

Cặp đôi Jagananandhini và Dinesh Siva

Không sảnh cưới hoành tráng, không các đám đông, cũng không có cuộc thảo luận nào giữa hai bên gia đình về khâu tổ chức, đám cưới của cặp đôi Jagananandhini và Dinesh Siva được tổ chức trên “vũ trụ ảo” vào ngày 6/2 vừa qua ở gần quận Krishnagiri, cách thủ phủ Chennai của Tamil Nadu (Ấn Độ) khoảng 250km.

Vượt thời gian và không gian

Đám cưới với chủ đề "Harry Potter" của Jagananandhini và Dinesh Siva là đám cưới đầu tiên trên metaverse, một vũ trụ kỹ thuật số được phát triển trên công nghệ thực tế ảo (AV) và thực tế tăng cường (AR) cho phép người dùng tương tác ảo. Vì vậy, cha của cô dâu, người đã qua đời năm ngoái, cũng có thể tham dự đám cưới thông qua tạo hình đại diện 3D. Cô dâu Jagananandhini chia sẻ, cô rất biết ơn vì người cha quá cố có thể góp mặt trong ngày trọng đại của mình. "Điều đó thật xúc động, tôi vô cùng hạnh phúc. Tôi đã nhận được lời chúc phúc của ông ấy", Jagananandhini nói.

Jagananandhini thừa nhận rằng, đám cưới này khiến cô bỏ lỡ việc nhìn thấy mọi người ăn diện và mua sắm theo truyền thống đám cưới. Nếu không có dịch Covid-19, cô sẽ không tổ chức đám cưới ảo. Trong khi đó, chú rể Dinesh Siva chia sẻ: "Kết hôn là một khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời tôi và tôi muốn khiến ngày này thật đáng nhớ. Trong một không gian kỹ thuật số như metaverse, 10.000 người có thể tham dự đám cưới của tôi, bất kể họ đang sống ở đâu trên thế giới ".

Theo luật pháp Ấn Độ, cô dâu và chú rể phải hiện diện trực tiếp trong lễ cưới. Vì vậy, sau khi tham dự hôn lễ hợp pháp vào buổi sáng, Dinesh Siva và Jagananandhini làm thêm tiệc trên metaverse vào tối 6/2 vừa qua.

Đám cưới trên “vũ trụ ảo” - Ảnh 1.

Tạo hình của cặp đôi Jagananandhini và Dinesh Siva lấy cảm hứng từ trường Hogwarts của Harry Potter

Đi ngược với đám cưới truyền thống

Đám cưới của Jagananandhini và Dinesh Siva được tổ chức bởi TardiVerse, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Chennai. Vignesh Selvaraj, người đứng đầu công ty, nhận định rằng ngay cả sau đại dịch, sẽ có nhiều người thích tổ chức đám cưới trên metaverse. Tuy nhiên, theo nhà bình luận Santhosh Desai, đám cưới trên vũ trụ ảo khó có thể trở nên phổ biến ở Ấn Độ. Desai cho rằng, việc tổ chức đám cưới như thế này giống như làm một điều gì đó đặc biệt, như kết hôn trên máy bay hoặc dưới nước. Thực tế, người Ấn Độ thích sự hiện diện trực tiếp tại đám cưới hơn.

Padma Rani, phó giáo sư tại Học viện Truyền thông Manipal, nói rằng các sự kiện trên metaverse không thể thay thế đám cưới truyền thống và một lễ cưới như vậy đòi hỏi có những người biết công nghệ và có sẵn nguồn lực. Bà nói: "Chỉ những người cực kỳ am hiểu về công nghệ mới có thể thích đám cưới trên metaverse, vốn chiếm một phần rất nhỏ trong xã hội Ấn Độ. Mọi người đều có điện thoại di động nhưng như vậy không thể được coi là hiểu biết công nghệ. Nhiều người ở Ấn Độ không biết cách sử dụng các ứng dụng và nhiều thứ khác trên điện thoại thông minh".

Nhà bình luận Santhosh Desai cho rằng, ở một đất nước như Ấn Độ, hôn nhân không chỉ là chuyện của các cặp vợ chồng mà là của cả gia đình. Để các gia đình và người già cởi mở với metaverse không phải là điều dễ dàng.

Năm ngoái, Nidhi Chauhan, 29 tuổi đến từ Chennai, đã phải hủy bỏ đám cưới vì những hạn chế phòng dịch. Cô và chồng tương lai quyết định chờ đợi và cặp đôi đã tổ chức đám cưới vào tháng 1 vừa qua với số lượng khách mời hạn chế. "Khi xét đến tầm quan trọng của giãn cách xã hội, đám cưới trên metaverse có thể là một giải pháp trong đại dịch. Tuy nhiên, tôi vẫn thích đám cưới kiểu truyền thống hơn vì nó gắn kết đại gia đình. Bất kể cuộc sống của mọi người có bận rộn như thế nào, tất cả đều tụ họp trong đám cưới", Nidhi Chauhan nói.

Nidhi Chauhan chia sẻ rằng, những khoảnh khắc xúc động trong đám cưới truyền thống không gì có thể thay thế được. Sự hiện diện một cách trực tiếp tạo ra rất nhiều khác biệt, mọi người cùng nhảy múa, hát ca, vui cười hay khóc cùng nhau. Đồng tình với quan điểm này, bà Rani nói: "Có những nghi lễ trước và sau đám cưới mà nhiều người Ấn Độ không muốn bỏ qua. Mặc dù một bộ phận nhỏ coi metaverse là cách tổ chức đám cưới độc đáo nhưng một bộ phận lớn hơn trong xã hội sẽ không chấp nhận điều này. Đó là một xu hướng được tạo ra bởi một tình huống không bình thường do đại dịch".

Theo một cuộc khảo sát năm 2019, được thực hiện tại 14 quốc gia trước đại dịch, đám cưới ở Ấn Độ có số lượng khách mời đông nhất thế giới, với trung bình 524 khách. Tiếp theo là đám cưới ở Mexico và Brazil với lần lượt 185 và 159 khách.
Nguồn: The Indian Express
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm