Đam Rông chú trọng nâng cao quyền năng cho hội viên, phụ nữ

Tuệ Lâm (thực hiện)
30/11/2023 - 13:51
Đam Rông chú trọng nâng cao quyền năng cho hội viên, phụ nữ

Một buổi đối thoại giữa Hội LHPN Đam Rông với hội viên, phụ nữ

Nâng cao vị thế và quyền năng kinh tế cho phụ nữ, giám sát, phản biện xã hội, đề xuất chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới luôn là các vấn đề được Hội LHPN Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng đặc biệt quan tâm.

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội năm 2023, nhằm nâng cao vị thế cho phụ nữ, việc hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ và nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, đề xuất chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới luôn là vấn đề được Hội LHPN Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng đặc biệt quan tâm. Bà Nguyễn Thị Hồng Thuyên, Chủ tịch Hội LHPN Đam Rông cho biết:

Để vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững, có hiệu quả, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo cơ sở giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ đặc biệt là hội viên nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, đến nay Hội LHPN các xã đã xây dựng kế hoạch phân công giúp đỡ 24 hộ nghèo bằng các hình thức phù hợp với điều kiện của Hội. Tiếp tục duy trì hoạt động 03 tổ hợp tác với 52 thành viên.

Huyện Đam Rông có diện tích tự nhiên 87.209 ha với 08 đơn vị hành chính cấp xã và 53 thôn, dân số trên 59.744 nhân khẩu/13.188 hộ, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 65% dân số toàn huyện. Thành phần dân tộc chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên M'Nông, C'ho, Mạ và dân tộc di cư từ các địa phương phía Bắc vào sinh sống như Tày, Nùng, Thái, Dao, H' Mông....

Hội LHPN huyện Đam Rông có 08 Hội LHPN cơ sở và 03 chi hội trực thuộc với tổng số hội viên là 10.121 hội viên/12.628 phụ nữ có mặt tại địa phương, chiếm tỷ lệ 80,15%, trong đó có 5.981 hội viên dân tộc, 5.908 hội viên tôn giáo.

Phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế được các cơ sở Hội tiếp tục duy trì thực hiện có hiệu quả như: Giúp vốn, con giống, cây giống, ngày công... Hội LHPN cơ sở tiếp tục duy trì mô hình tổ đổi công tại các xã và đã giúp nhau 12.560 ngày công lao động. Hội tiếp tục tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho hội viên, phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn để phát triển kinh tế... 

Bên cạnh nguồn vốn của ngân hàng, Hội LHPN các xã còn xây dựng và duy trì các tổ tiết kiệm, tổ hùn vốn; đến nay số tiền tiết kiệm từ các mô hình là 2.821 triệu đồng/1.312 hội viên tham gia/41 tổ tại 05 xã (Đạ K’Nàng, Phi Liêng, Đạ Rsal, Liêng Srônh và Rô Men) và giúp cho 287 chị vay phát triển kinh tế gia đình. Từ phong trào này đã nâng cao được nhận thức, xây dựng cho chị em phụ nữ thói quen tiết kiệm khi chi tiêu, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.

Nhằm nâng cao kiến thức khoa học, kỹ năng chăn nuôi, sản xuất cho chị em, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Trung tâm nông nghiệp huyện và các đoàn thể tổ chức 08 hội thảo và tập huấn như: Trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi dê; trồng và chăm sóc cây sầu riêng; trồng, chăm sóc và sơ chế Macca … thu hút 400 người, trong đó có 150 hội viên, phụ nữ tham gia. Phối hợp Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện và các đoàn thể mở 21 lớp dạy nghề như: Trồng dâu nuôi tằm, trồng rau công nghệ cao, du lịch cộng đồng … thu hút 420 học viên, trong đó có 251 hội viên, phụ nữ tham gia. 

Qua các hoạt động hữu ích này đã tác động tích cực làm thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", nâng cao nhận thức, hỗ trợ phụ nữ nông thôn  phát triển kinh tế, góp phần gíúp cho gần 500 phụ nữ Đam Rông nghèo.

Đam Rông chú trọng nâng cao quyền năng cho hội viên, phụ nữ- Ảnh 1.

Phụ nữ Đam Rông tích cực làm kinh tế thoát nghèo

* Việc nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, đề xuất chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới ở Đam Rông được thực hiện như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Hồng Thuyên: Thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã tổ chức 02 cuộc giám gồm: Thực hiện các chế độ chính sách hỗ trợ cho trẻ mầm non năm học 2022-2023 và triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ từ năm 2021-2023. Các cuộc giám sát được thực hiện nghiêm túc, qua đó, nắm bắt được tình hình thực tế, có những kiến nghị, đề xuất kịp thời với cấp trên để việc triển khai, thực hiện hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, Thường trực Hội LHPN huyện còn tham gia đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân huyện, Mặt trận và các đoàn thể huyện về các chế độ chính sách trên địa bàn huyện như: Các chính sách cho hội viên Hội Cựu chiến binh huyện, chính sách đào tạo nghề cho người dân …

Hội LHPN từ huyện đến cơ sở giám sát việc hỗ trợ sinh kế cho hội viên, phụ nữ (nguồn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hỗ trợ) tại 4 xã Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’Rông và Liêng Srônh. Đồng thời, Hội LHPN các xã cũng phối hợp với mặt trận và các đoàn thể địa phương giám sát các chính sách hỗ trợ cho phụ nữ và nhân dân tại địa phương như: Hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, hỗ trợ tiền tết cho hộ nghèo và cận nghèo, cấp phát thẻ bảo hiểm y tế ....

* Bà có thể thông tin cụ thể hơn về việc thực hành dân chủ cơ sở, thực hiện hiệu quả chức năng đại diện của tổ chức Hội ở Đam Rông?

Bà Nguyễn Thị Hồng Thuyên: Ban Thường vụ Hội LHPN huyện phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể huyện góp ý vào các Nghị quyết, Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các cấp Hội LHPN Đam Rông đã tham gia góp ý 15 văn bản dự thảo kế hoạch thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, các vấn đề có liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới.

Hội LHPN từ huyện đến cơ sở phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tại địa phương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân tại địa phương về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); cấp huyện và 8/8 xã đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến có 1.020 người tham gia, trong đó 370 cán bộ, hội viên, phụ nữ có 25 lượt ý kiến. Các ý kiến đều cơ bản nhất trí về chủ trương sửa đổi Luật Đất đai và khẳng định: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu bức thiết trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

* Để thực hiện thành công nhiệm vụ và mục tiêu bình đẳng giới tại địa phương, Hội LHPN Đam Rông đã cụ thể hóa bằng các hành động như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Hồng Thuyên: Hội LHPN từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm đến công tác cán bộ nữ; đã giới thiệu cho cấp ủy từ huyện đến cơ sở quy hoạch cán bộ nữ giai đoạn 2021 - 2025 và 2025 - 2030 có 78 chị là cán bộ nữ tiêu biểu của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã; phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng cho 78 cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ quy hoạch. Hội LHPN cơ sở tích cực, chủ động phát hiện, giới thiệu hội viên, phụ nữ ưu tú, đặc biệt là các chi hội trưởng cho Đảng xem xét kết nạp, Trong năm 2023 đã giới thiệu kết nạp 32 đảng viên nữ, trong đó có 12 cán bộ, hội viên (01 chi hội trưởng phụ nữ).

Đam Rông chú trọng nâng cao quyền năng cho hội viên, phụ nữ- Ảnh 2.

Phụ nữ dân tộc thiểu số ở Đam Rông phát triển kinh tế bằng nghề nuôi tằm. Ảnh TL

Ngoài ra, các cấp Hội LHPN huyện phối hợp với Phòng Tư pháp huyện và Phòng Lao động - TBXH huyện tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt sâu rộng các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới, công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tuyên truyền nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: Luật Hôn nhân gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật đất đai … được 18 buổi có trên 2.150 hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia. Hội LHPN cơ sở tổ chức được 35 buổi với 4.145 lượt hội viên, phụ nữ tham gia. Phối hợp với Phòng Y tế huyện tuyên truyền chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng tại 8/8 xã được 8 buổi với 1.200 người tham gia.

Có thế nói, với sự quyết tâm của Hội LHPN Đam Rông, sự ủng hộ của chính quyền địa phương, các cấp, ngành, đoàn thể, vị thế của hội viên, phụ nữ Đam Rông đã có sự chuyển biến tích cực. Điều này đồng nghĩa với việc quyền năng của phụ nữ trong gia đình, xã hội đang dần có sự thay đổi, ngày càng được củng cố và nâng cao.

* Trân trọng cảm ơn bà!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm