Dân FA nơi công sở khốn khổ vì những câu hỏi ác ý

Hải Giang
21/08/2023 - 22:47
Dân FA nơi công sở khốn khổ vì những câu hỏi ác ý

Ảnh minh hoạ: Getty Images

Cùng là phụ nữ với nhau, đề cập đến chuyện độc thân, dù vô tình hay cố ý, đều không nên. Xã hội càng hiện đại càng nên tôn trọng sự lựa chọn cá nhân của mỗi người.

Cơ quan tôi làm việc có gần chục chị em F.A (từ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "forever alone", ý chỉ những người độc thân), người nhiều tuổi cũng U50, khẳng định họ sẽ theo sự lựa chọn này đến cùng.

Có thể vì đó là phương châm sống của họ nên dù ai nói ngả nói nghiêng, nhóm chị em này vẫn nhoẻn cười mỗi khi có ai đó hỏi: "Bao giờ cho ăn kẹo?", "Mùa thu đến rồi đấy, bao giờ cho ăn cỗ?"...

Song, có cứng rắn đến mấy thì gần đây, tôi nhận thấy những cô nàng F.A ở cơ quan tôi phải chịu không ít tổn thương bởi các đồng nghiệp của mình. Không chỉ cánh đàn ông thi thoảng tìm cách moi móc chuyện các chị em chưa chồng ra để đùa quá trớn.

Cá nhân tôi là người ngoài cuộc, đôi lúc thấy sự quá đáng của các nam đồng nghiệp nên đã góp ý với họ. Thay vì hiểu ra vấn đề, họ quay sang "mắng" tôi vì cho rằng tôi lo chuyện bao đồng, không ai động chạm gì đến mình cũng biến thành "nhím xù lông".

Dạo gần đây, tôi lại thấy chính các chị em khác đang làm tổn thương sự "lựa chọn một mình" của người khác.

Nỗi khổ của dân FA nơi công sở - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Getty Images

Sáng ra, gặp nhóm F.A ở nhà xe, thế nào mấy chị trong cơ quan cũng đon đả khen: "Hôm nay, em tôi xinh quá!". Chưa kịp vui vì câu trước, chị đã "bồi" thêm câu sau: "Xinh thế này chắc đang yêu hử?", "Bao giờ thì cưới?"... Hàng loạt câu hỏi cùng lúc tuôn ra, mặc cho người nghe dù khó chịu vẫn phải cố gắng mỉm cười, trả lời qua loa cho xong chuyện.

Đến trưa, gặp nhau ở căng-tin, vô tình ngồi cùng bàn ăn, các chị "có gia đình" lại được dịp khoe chồng, khoe con. Thà rằng các chị cứ khoe thoải mái, cả làng cùng vui. Đằng này, vừa khoe con xong, chị lại quay sang hỏi mấy nàng F.A ngồi đối diện: "Những chuyện thế này chắc chị/em không hiểu nổi đâu nhỉ?"; "Chuyện này, ai có gia đình mới hiểu"... "Hay nhỉ, nếu biết như thế, chị còn hỏi bọn tôi làm gì? Thừa cơm à?", chị Hà, vốn là người thẳng thắn trong nhóm F.A, bực bội nói thêm: "Trời đánh còn tránh miếng ăn". Nói rồi chị buông đũa và bỏ đi, dù suất cơm chị mới ăn được mấy thìa.

Chưa hết, trong nhóm chat của cơ quan, các chị có gia đình còn hồn nhiên khi ngày nào cũng gửi ảnh chế, link bài viết trên mạng đề cập đến chuyện "gái ế", "gái chưa chồng bị bố mẹ chửi mắng đuổi ra khỏi nhà"... Không màng đến cảm nhận của những người độc thân trong nhóm, các chị rôm rả cười đùa, bàn tán sôi nổi về chủ đề "ế".

Có thể các chị cho rằng, hội F.A trong cơ quan là những người đáng thương, khổ sở, lúc nào cũng lủi thủi một mình, không có ai chia sẻ buồn vui. Nhưng nếu họ chọn cuộc sống độc thân, họ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc với điều đó, sự lựa chọn của họ không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của người khác thì sao mọi người lại vô tình/hay cố ý làm tổn thương họ và biến những ngày ở công sở của họ thành chuỗi ngày không vui?

Điều quan trọng là ở công sở, nếu mối quan hệ đồng nghiệp tốt đẹp, tâm trạng mọi người đều vui vẻ thì chắc chắn hiệu quả công việc sẽ tốt hơn nhiều so với việc suy nghĩ của mọi người bị phân tán bởi những chuyện không đâu...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm