Dân nghèo lao đao gánh phí: Hộ nghèo cũng thu

04/08/2016 - 16:40
Ở thôn Quang Minh (Hải Thanh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa), các loại quỹ, phí không chừa ai, kể cả hộ nghèo, cận nghèo. Trả lời PV về các khoản đóng góp, trưởng thôn nói thẳng: “Xã chỉ đạo chúng tôi thu chứ ai dám tự tiện thu”...

Như PNVN đã phản ánh, tại thôn Quang Minh, xã Hải Thanh, chính quyền thôn đã tự ý chiếm đê biển bán lại suất phơi tôm cá cho người dân. Thôn này cũng có "sáng kiến" gộp các khoản quỹ thu chung với tiền điện. Ai không đóng sẽ bị dọa cắt điện. Với “đòn hiểm” này, các hộ dân trong thôn đều răm rắp đóng tiền. Kể cả hộ người nghèo cũng không ngoại lệ.

Tại thôn Quang Minh, ai cũng biết đến hoàn cảnh gia đình chị Đỗ Thị Nhãi (SN 1975). Chị Nhãi hiện một mình nuôi 5 đứa con và một mẹ già năm nay đã 76 tuổi. Ba năm trước, chồng chị Nhãi là anh Đào Đình Toàn bị tai nạn xe máy và qua đời.

15.jpg
Chị Nhãi và con gái

Suốt mấy năm qua, gia đình chị Nhãi luôn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Năm 2014, may mắn đã đến với mẹ con chị Nhãi khi chị được quỹ TYM thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam và một số tổ chức phúc lợi xã hội khác hỗ trợ xây cho một căn nhà tình nghĩa. Kể từ đó, mẹ con chị Nhãi không phải sống trong căn nhà dột nát. Tuy nhiên, việc mưu sinh hàng ngày của mẹ con chị Nhãi vẫn vô cùng vất vả.

Mới đây, con gái lớn của chị Nhãi đủ điểm vào đại học. Nhận được tin đó, mẹ con chị Nhãi chẳng biết buồn hay vui. Không cho con đi học thì thương con nhưng nếu con đi học, chị Nhãi chẳng lấy đâu ra tiền chu cấp.

Hoàn cảnh gia đình chị Nhãi vất vả là thế nhưng lạ kỳ là suốt mấy năm qua, các khoản quỹ phúc lợi xã hội thôn vẫn “đè” gia đình chị Nhãi ra thu đủ. “Nhà tôi chẳng được miễn giảm bất gì khoản đóng góp nào của thôn. Thậm chí, quỹ vì người nghèo, lãnh đạo thôn cũng đến vận động tôi đóng”, chị Nhãi nói.

16.jpg
Thuộc hộ nghèo nhưng gia đình chị Nhãi không đươc miễn khoản nào, kể cả quỹ vì người nghèo

Cách nhà chị Nhãi mấy bước chân là nhà bà Nguyễn Thị Tiến (61 tuổi). Bà Tiến có 6 người con. Chồng mất sớm, các con lấy vợ, gả chồng nên giờ bà Tiến sống một mình. Nguồn thu chính của bà Tiến là mấy con lợn. Bà Tiến bảo: “Nhà tôi rất khó khăn nhưng năm vừa rồi bầu hộ nghèo bà vẫn không được. “Trượt” mất hộ nghèo tôi buồn lắm”.

Bà Tiến chẳng giấu diếm khi kể rằng, nhà bà thuộc diện bị “bêu tên” nhiều nhất trên hệ thống loa phát thanh của thôn. Cũng tại vì khó khăn nên các khoản quỹ đóng góp cho thôn nhà bà hay chậm hoặc đóng không đủ. Mấy năm trước, vì “tội” chưa đóng tiền mà nhà bà bị cắt điện. Từ lần đó, bà Tiến sợ nên giờ cứ đến ngày phải đóng góp, không có bà cũng phải đi vay để hoàn thành.


Xã chỉ đạo thôn thu?

Làm việc với ông Nguyễn Văn Khẩn, Trưởng thôn Quang Minh, ông Khẩn nói: Việc chúng tôi lấy đê biển rồi cho người dân thuê để lấy tiền về mặt pháp luật là sai. Tuy nhiên, số tiền đó chúng tôi cũng mang về làm quỹ thôn chứ không tư lợi cá nhân.

Vị trưởng thôn này lấy lý do: “Trước đây người dân tranh nhau chỗ phơi dẫn đến mâu thuẫn, chửi bới, xô xát nên chúng tôi mới lấy đê và chia cho từng hộ dân. Tiền thuê cũng không đáng bao nhiêu, mỗi năm chỉ có mấy trăm ngàn”.

18.jpg
Trưởng thôn Nguyễn Văn Khẩn

Về các khoản đóng góp của thôn, ông Khẩn thẳng thắn: “Xã chỉ đạo chúng tôi thu chứ ai dám tự tiện thu của người dân. Thu bao nhiêu, chúng tôi về nộp cho xã hết. Việc gộp các khoản thu vào tiền điện là vì thôn… ít cán bộ nên gộp vào thu cho tiện. Hộ dân chỉ bị cắt điện khi không đóng tiền điện, còn các khoản đóng góp chưa nộp đủ được nợ”.

Ở thôn Quang Minh, mặc dù người dân phải đóng rất nhiều loại quỹ nhưng chưa bao giờ thôn có biên lai thu tiền. Ngoài ra, việc chi tiêu của thôn theo người dân là "có vấn đề". Ví dụ, tiền điện thắp sáng đường liên thôn thu mỗi hộ 5 nghìn nhưng thôn chi thế nào người dân không hay biết. Với 560 hộ dân, hàng tháng thôn thu về trên 5,6 triệu đồng. Số tiền đó được chi cho 120 bóng đèn, mỗi bóng 20W. Liệu với số bóng đèn đó có hết 5 triệu tiền điện/tháng?

Trả lời về vấn đề này, ông Khẩn nói: “không chỉ có tiền điện, chúng tôi phải thay bóng đèn thường xuyên vì bóng cháy suốt”. Ông Trưởng thôn cũng thừa nhận, những khoản chi tiêu đó, cán bộ thôn “tự xử lý”.

Đây chỉ là một ví dụ, thực tế thôn còn nhiều loại quỹ như: Quỹ khuyến học, quỹ người nghèo, tiền trại hè, đền ơn đáp nghĩa… thôn đều tự thu, tự chi.

Ông Đỗ Xuân Chung, Chủ tịch UBND xã Hải Thanh, nói: “Những quỹ bắt buộc như Quỹ ANQP toàn dân phải đóng. Đây là chủ trương từ cấp trên. Tuy nhiên, với các quỹ huy động, vận động sự tự nguyện tuyệt đối không được ép người dân đóng. Với hộ nghèo, cận nghèo, không được thu các quỹ vận động này. Việc thôn thu như thế là sai, chúng tôi sẽ chấn chỉnh ngay”.

14.jpg
Việc bắt cả hộ cận nghèo như nhà bà Tiến đóng góp các quỹ tự nguyện theo Chủ tịch xã Hải Thanh là sai trái.

Về việc, thôn gộp các khoản thu vào tiền điện và nếu không nộp bị dọa cắt điện, ông Chung nói: “Không được phép gộp lại như vậy. Làm thế rõ ràng là sai rồi. Hiện người dân mua điện trực tiếp từ HTX điện năng Hải Thanh nên thôn hay xã đều không có quyền cắt điện. Việc cắt điện chỉ được thực hiện khi người dân không đóng tiền điện theo quy định. Nếu có cắt điện cũng do bên HTX điện năng thực hiện”.

Vấn đề phí, quĩ trong đó có nhiều khoản tự đặt, tự thu đang đè nặng lên vai người dân ở một số nơi. Với những khoản quỹ, phí đang được thu ở thôn Quang Minh (Hải Thanh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) rất cần sự kiểm tra, giám sát của cấp trên để khoản nào thu sai phải gỡ bỏ và trả lại cho người dân; khoản nào thu dưới dạng tự nguyện thì phải chỉ đạo sao cho thực sự do dân tự nguyện đóng góp. 

 


Theo quy định tại Khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật điện lực năm 2012, sửa đổi bổ sung Khoản 6 Điều 23 Luật điện lực 2004 như sau:
6. Trong trường hợp bên mua điện không trả tiền điện và đã được bên bán điện thông báo hai lần thì sau mười lăm ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện. Bên bán điện phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho bên mua điện trước 24 giờ và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra.”

Về hình thức thông báo trước khi cắt điện: Theo khoản 1 Điều 8   Thông tư số 30/2013/TT-BCT ngày 14 tháng 11 năm 2013 quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện:

“Điều 8. Trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp:

  1. Trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện không khẩn cấp, bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện biết trước thời điểm ngừng, giảm mức cung cấp điện ít nhất 05 ngày, cụ thể như sau:
  2. a) Gửi thông báo bằng văn bản hoặc thông báo bằng hình thức khác đã được hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện cho khách hàng sử dụng điện trung bình trên 100.000kWh/tháng và khách hàng sử dụng điện quan trọng biết;
  3. b) Thông báo trong 03 ngày liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng điện còn lại.”.

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm