Dân ở nhà cổ Đường Lâm than trời vì trùng tu... quá ẩu!

28/05/2018 - 18:53
Trong những năm gần đây, nhiều bất cập xung quanh việc trùng tu nhà cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) khiến người dân vô cùng bức xúc.
20180525_151241.jpg
Ông Trương Văn Bản (81 tuổi, xóm Đình, thôn Cam Thịnh, xã Đường Lâm) trong gian nhà cổ tự bỏ tiền ra sửa chữa.

 

Dân tự bỏ tiền túi sửa nhà

Là hộ dân tự bỏ tiền túi ra sửa nhà cổ đã 270 năm tuổi, ông Trương Văn Bản (81 tuổi, xóm Đình, thôn Cam Thịnh, xã Đường Lâm) chia sẻ: Đến tôi là đời thứ năm sống ở nhà này, không biết chờ đến bao giờ mới được trùng tu, tôi đã xin rút để tự sửa nhà vì tuổi đã cao, đông con (4 trai, 4 gái). Cứ nghĩ nếu không chia được nhà cho các con trước khi nhắm mắt xuôi tay lại thấy áy náy, tôi lo sau này các con đánh nhau vì nhà vì đất.

Tuy nhiên, vẫn còn một lý do khác khiến ông quyết định tự sửa nhà. “Nhà ông cậu tôi trong diện được trùng tu vào năm 2013. Họ sửa theo kiểu chắp vá, rất nghịch mắt. Ví như, chân cột nổi mặt hương rất đẹp, vậy mà họ bỏ khoảng 40 đến 70cm, nối thêm cột mới, phía trên cũng chắp vá như vậy, trông không còn tí nghệ thuật nào. Nguyên tắc là cái nào hỏng quá thì bỏ làm củi, không ai sửa tùy tiện như vậy cả. Nhà mới sửa mấy năm nay đã hỏng hết, mái ngói thì xộc xệch”, ông Bản nói.

Nhà ông Bản vẫn giữ nguyên gian thờ trên nền nhà cổ cũ, tuy nhiên, nhìn không còn bóng dáng của nhà cổ vì toàn bộ cột, mái, tường đều xây mới. Chưa kể còn ghép luôn với công trình mới ở ngay bên cạnh. Ông Bản nói, sửa nhà xong thấy nhẹ nhõm vì đã hoàn thành được tâm niệm cuối đời, và cũng không còn nơm nớp nỗi lo sống trong ngôi nhà cổ đã xuống cấp, chờ không biết đến ngày nào mới đến lượt nhà ông được nhà nước đầu tư sửa.

20180525_154352.jpg
Nhà bà Trương Thị Nụ: Cửa cũ vẫn dùng tốt, mà cánh cửa mới thay này đã cong vênh, mối mọt.

 

Cửa mới thay đã cong vênh, mối mọt

Năm 2009, nhà bà Trương Thị Nụ (thôn Cam Thịnh) được nhà nước “đổ tiền” vào sửa nhà. Hồi đó cũng thấy phấn khởi, nhưng giờ đây lại trở thành nỗi bức xúc của các thành viên trong gia đình.

Vợ chồng con trai bà than: “Nếu biết sửa chỉ một thời gian ngắn đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng như vậy, gia đình tôi đã xin tự sửa. Hồi đó có cánh cửa phải thay, nhưng giờ cửa cũ vẫn dùng tốt, mà cửa mới thay đã cong vênh, mối mọt hết rồi!”, con trai bà Nụ bức xúc đưa tay bóc những lớp gỗ trên cánh cửa được thay cách đây vài năm.

20180525_154449.jpg
Nhà cổ sửa theo kiểu chắp vá, vài năm đã hỏng khiến gia đình con trai bà Nụ vô cùng bức xúc.

 

Vợ anh kể thêm: Dạo này, về đêm chúng tôi không thể nào ngủ nổi vì tiếng mọt kêu, bụi mù cũng vì mọt. Ban ngày thì không sao, nhưng cứ đêm đến là nhức hết cả đầu. Mái ngói thì trồi sụt, mưa là dột, nền cũng xô lệch. Cứ mưa là vợ chồng tôi phải cầm gậy chọc cho nước khỏi xối thẳng vào nhà. Nếu tự sửa ít nhất cũng phải hai chục năm không phải bận tâm, đằng này mới vài năm đã xuống cấp rồi.

20180525_154330.jpg
Mái ngói trồi sụt, mưa là dột.

 

“Hồi họ sửa, thợ cứ đến rồi đi, không nói năng gì với chủ nhà, vật liệu thế nào, chúng tôi cũng không được quyền có ý kiến. Tôi nghe nói mỗi căn nhà thế này được đầu tư gần 1 tỉ đồng để sửa, vậy mà chất lượng thì không tương xứng với số tiền họ bỏ ra”, con trai bà Nụ phàn nàn.

Nguyên tắc chữa nhà không thể vá víu

Ông Hà Nguyên Huyến, Trưởng ban Văn xuôi, Tuần báo Văn nghệ, là đời thứ 13 sống trong nhà cổ ở thôn Mông Phụ, Đường Lâm, vợ chồng ông không nhận sự hỗ trợ từ nhà nước để trùng tu nhà cổ. Ông chia sẻ: Mẹ tôi từng nói, không tàn tật mà đói là tại mày nên phải đứng dậy mà làm. Lời dạy của mẹ đã theo tôi đến tận bây giờ. Tôi quan niệm, đây là nhà của cha ông để lại, ai ở người đó có trách nhiệm phải sửa chữa.

Xương thịt, cốt huyết gắn với mảnh đất này nên khi sửa nhà ông cũng đầu tư nhiều tâm huyết. “Xoan phải đủ 8 đến 12 tuổi, trồng ở đất đồi, tự tay tôi khai thác để nửa tháng trên mặt đất cho nhựa rút vào trong. Sau đó ngâm trong nước, lúc nào thấy vỏ xoan nát thì thuê người xuống vớt lên bóc vỏ. Để từ 3 ngày đến 1 tuần cho trắng, kéo vào nhà kho, kê cao kích bổng để trong 2 năm. Sau đó mới dùng để chữa nhà!”, ông Huyến chia sẻ về quá trình chọn vật liệu chữa nhà rất kỳ công.

“Nguyên tắc chữa nhà là không thể vá víu, cái gì hỏng là bỏ. Nhà tôi dùng gần 7 khối gỗ trên mái nhà, nhưng phải nhìn rất lâu mới biết cái nào mới, cái nào cũ. Nếu tôi bàn giao nhà này cho con thì 50 năm sau mới được chữa. Cái nhà không phải chỗ bỗng chốc lại mở ra để chữa!”, ông Huyến chia sẻ quan điểm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm