Ngày 28/5 đã là ngày thứ 3 xe chở rác không thể vào Khu liêp hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn). Trong đêm 26/5, hàng trăm xe ô tô chở rác đã phải xếp hàng dài cả km và cuối cùng phải quay đầu vì cả 2 cửa vào nhà máy rác đều bị người dân “phong tỏa”.
Người dân "phong tỏa" cổng vào Nhà máy xử lý rác Nam Sơn. |
Anh Hoàng Văn Thành (thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn) cho biết: Việc hàng trăm người dân trong xã chặn đường không cho xe vào đổ rác tại bãi chứa của Nhà máy xử lý rác Nam Sơn xảy ra từ sáng ngày 26/5. Nguyên nhân của sự việc này là do bãi rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm, người dân đã phản ánh nhưng tình hình vẫn không hề thay đổi.
Một nguyên nhân khác, phương án bồi thường, hỗ trợ phí ảnh hưởng từ ô nhiễm bãi rác cho người dân không hợp lý, chưa rõ ràng và có sự chênh lệch rất lớn về mức đền bù hỗ trợ đối với các hộ dân trong cùng một xã. “Những hộ dân nằm trong bán kính từ 800-1000m chỉ được hỗ trợ 8.000 đồng mỗi người cho mỗi tháng. Số tiền đó chỉ đủ mua chiếc khẩu trang, trong khi không khí ở đây vô cùng hôi thối, người dân không chịu nổi”.
Xe chở rác xếp hàng cả km vì không thể vào nhà máy. |
Ngày 28/5, hàng trăm người dân vẫn tụ tập “bịt” kín cả 2 cổng vào Nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn. Dù xe chở rác chỉ chở rác về khu xử lý vào ban đêm nhưng lo sợ việc cấm đêm xe sẽ đổ ban ngày nên người dân không rời cổng nhà máy phút nào. Thậm chí, từ ngoài cánh đồng thôn Đông Hạ, người dân đã căng lều bạt dã chiến để “canh xe rác”.
Người dân căng phông bạt ngoài cánh đồng thôn để "canh" không cho xe rác vào |
Chúng tôi có mặt tại thôn Nam Sơn vào trưa ngày 28/5, trời nắng như đổ lửa nhưng cả trăm người dân vẫn “cổ thủ” trong chiếc lều tạm bợ trước cổng nhà máy. Người dân còn mang cả thức ăn, đồ uống, sinh hoạt ngay tại chỗ để tục trực 24/24. Chăn màn cũng đã chuẩn bị sẵn để đêm xuống, người dân ngủ tại chỗ. Người dân ở đây cho biết, lãnh đạo huyện Sóc Sơn cũng đã về nhưng họ vẫn tiếp tục “khống chế” không cho xe rác vào nhà máy chờ đến khi lãnh đạo thành phố Hà Nội về có phương án giải quyết mới thôi.
Ông Nguyễn Ngọc Oanh, Phó chủ tịch UBND xã Nam Sơn cho biết: Trước việc người dân tụ tập không cho xe chở rác vào Nhà máy xử lý rác Nam Sơn, Ngày 27/5, xã đã tổ chức cuộc họp gấp với sự tham gia của Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn – ông Đỗ Tuấn Minh, cùng các ban ngành của huyện, xã và chi bộ thôn Đông Hạ. Nội dung cuộc họp là vận động người dân giải tán, không chặn đường để xe rác có lối vào đổ rác trong bãi chứa của nhà máy xử lý rác Nam Sơn.
Tuy nhiên, lời khuyên của lãnh đạo địa phương không được người dân chấp thuận. Ông Oanh giải thích: “Việc người dân biểu tình, chặn xe rác chủ yếu xuất phát từ việc không đồng tình với phương án phí bồi thường ô nhiễm môi trường đang được áp dụng. Theo đó, người dân chỉ được hỗ trợ từ 8 nghìn đến 70 nghìn/người/tháng tùy theo khoảng cách so với nhà máy xử lý rác. Bà con cho rằng, việc đền bù như thế chưa hợp lý và có sự chênh lệch lớn ở các mức tiền đền bù, hỗ trợ”.
Hồ chứa nước thải của Nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn |
Nhà ông Oanh cũng ở thôn Đông Hạ và cách Nhà máy xử lý rác Nam Sơn chỉ mấy trăm mét. Ông Sơn thừa nhận: “Từ ngày 20/5 đến nay, do mưa nắng thất thường nên Nhà máy xử lý rác bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Việc người dân bức xúc là điều dễ hiểu vì thực tế có thời điểm thối kinh khủng, không thể thở nổi”.
Sáng ngày 28/5, lãnh đạo thôn Đông Hạ đã cho họp thôn nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Được biết, chiều cùng ngày, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội sẽ về xã Nam Sơn để trực tiếp đối thoại với người dân và lãnh đạo địa phương để tìm hướng giải quyết.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc.