Đang duy trì chế độ tiền lương 'bất hợp lý'

02/11/2016 - 12:10
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng việc cải cách chính sách tiền lương công chức, viên chức hiện nay là chưa đúng bản chất.

 Phát biểu tại hội trường chiều 1/11, ông Bùi Sỹ Lợi, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa chia sẻ thực tế “miếng bánh” ngân sách bé lại, nhưng phải đầu tư phát triển và nhu cầu xã hội ngày càng nhiều.

Trong dự thảo Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm 2016 - 2020, tại Khoản 2 về chi ngân sách Nhà nước, ông Lợi hoan nghênh Chính phủ dành một nguồn lực để điều chỉnh mức tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức với mức điều chỉnh bình quân khoảng 7% - 8%. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định: " đây chỉ là giải pháp tình thế, chưa phải bản chất của cải cách tiền lương”. Hiện tại, tiền lương đang tồn tại sự bất hợp lý, cùng là công chức mà người có phụ cấp thâm niên người không; phụ cấp ngành này cao hơn ngành khác với 18 loại phụ cấp.

Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội lo lắng từ nay đến năm 2020 “không biết ngân sách ở đâu” để điều chỉnh tăng lương. Đồng thời khẳng định “không thể điều chỉnh tăng tiền lương như cách này”.

ong-bui-sy-loi.jpg
 Đại biểu Bùi Sỹ Lợi

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng: Lương cơ sở trong khu vực Nhà nước thực chất là tiền lương tối thiểu, được xác định với 4 vùng. Đến ngày 1/1 hằng năm điều chỉnh tiền lương để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Khẳng định cải cách chính sách tiền lương công chức, viên chức hiện nay chưa đúng bản chất, ông Lợi cho biết: Nhóm người nghỉ hưu được điều chỉnh để nhóm này có mức lương không thấp hơn mức cơ sở. Năm vừa qua đã điều chỉnh lương hưu tăng 8%, với nguyên tắc điều chỉnh là khi chỉ số giá tiêu dùng tăng lên và điều kiện kinh tế - xã hội tăng thì cần thiết phải điều chỉnh, nhưng điều này “không nằm trong cải cách tiền lương”.

Ông Lợi đề nghị Chính phủ nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương một cách toàn diện theo nguyên tắc phân phối theo lao động. Nhằm đảm bảo tiền lương thực sự là đòn bẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác và coi đầu tư cho tiền lương như là đầu tư cho sự phát triển.

Để cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ phải quyết tâm cao, giải quyết sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, đặc biệt là tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và áp lực của thị trường.

Nhà nước phải thực hiện khoán chi dịch vụ công theo kết quả đầu ra. “Chúng ta không nên phân biệt đơn vị nhà nước hay đơn vị tư nhân, phải lấy hiệu quả làm thước đo”, ông Lợi nói. Theo đó, trong 2,8 triệu cán bộ, công chức viên chức hiện nay chỉ có 500 ngàn công chức, viên chức thuộc đối tượng cải cách chính sách tiền lương. Còn 2,2 triệu người phải tính đúng tính đủ chi phí theo kết quả đầu ra, thì mới thực hiện được chính sách cải cách tiền lương.

tien-luong.jpg

Còn đại biểu Hoàng Quang Hàm, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, cho rằng: Chính phủ cần quyết tâm tăng lương để đảm bảo lộ trình đã bị chậm trễ nhiều năm. Tuy nhiên, nếu “làm theo cách cũ, phải bố trí thêm kinh phí”, thì “tăng lương vẫn chỉ nằm trong nghị quyết”. Theo đại biểu Hàm, việc bố trí nguồn là hơn 8,5 nghìn tỷ đồng thì chỉ đủ tăng lương hưu cho người có công, chứ “không tăng lương được cho công chức”.

Đại biểu Hàm cho rằng cần có cơ chế điều chuyển kinh phí cải cách tiền lương còn thừa từ đơn vị hành chính nhà nước có nguồn thu cao, dư thừa sang đơn vị khác không có nguồn thu, hoặc nguồn thu thấp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm