pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đang yên đang lành phát hiện mặt mình trong ảnh nóng trên mạng
Martin trở thành mục tiêu của những kẻ lạm dụng tình dục trực tuyến từ khi 18 tuổi
Lạm dụng tình dục trực tuyến? Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng đây là tình cảnh thực sự đang xảy ra với cô gái trẻ tên Noelle Martin. Một loại hình tội phạm "mới" mà thậm chí người ta chưa biết đặt tên cho nó là gì.
Giờ đây, loại tội ác này ngày càng đa dạng, nâng cao, bao gồm các video giả mạo có thể được tạo chỉ bằng một cú click chuột. Các chuyên gia đang cảnh báo rằng chúng ta đang đối mặt với một “đại dịch”.
Đang yên đang lành thì tai họa ập đến
Martin mới 18 tuổi khi cô phát hiện ra những hình ảnh cá nhân của mình đã bị đánh cắp từ tài khoản mạng xã hội và lồng ghép vào cơ thể của các diễn viên phim người lớn.
Martin khẳng định những bức ảnh này đã mô tả sai sự thật về cô với những hành vi tình dục "hoàn toàn kinh khủng, mất nhân tính, hèn hạ". Điều xảy ra sau đó là một cuộc chiến kéo dài để loại bỏ những bức ảnh đáng lo ngại khỏi Internet.
Nhưng trong khi các luật sư ở Perth nỗ lực cải cách luật pháp vào năm 2018 nhằm hình sự hóa việc phát tán hình ảnh không có sự đồng thuận ở Úc, Martin vẫn bất lực trong việc ngăn chặn phát tán những hình ảnh khiêu dâm có khuôn mặt mình.
Thủ phạm không ngừng ra tay, và khi công nghệ phát triển, tội ác của chúng cũng nguy hiểm hơn. Khuôn mặt của Martin bị cắt ghép, chèn vào các video khiêu dâm, một hiện tượng được gọi là "deepfake" (quét video và ảnh chân dung của một người sau đó hợp nhất với video riêng biệt nhờ AI và thay thế các chi tiết trên gương mặt như mắt, miệng, mũi với chuyển động gương mặt, giọng nói như thật).
Do công nghệ trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển, các video chân thực đến mức đáng kinh ngạc, mô phỏng chân dung và chuyển động của một người.
Nỗi đau dai dẳng
Martin (hiện 28 tuổi) nói với hãng tin News.com.au rằng nhiều người vẫn không thể hiểu hết được “cái giá phải trả” khi ai đó bị tấn công dưới hình thức lạm dụng tình dục kỹ thuật số này.
“Đây là điều mà bạn không thể thoát khỏi vì nó là một hình thức lạm dụng lâu dài, suốt đời”, cô nói. “Họ thực sự đang cướp quyền tự quyết của bạn bởi vì họ đang chiếm đoạt danh tính, tên tuổi và hình ảnh của bạn. Bạn không có quyền kiểm soát cách mà bạn được đại diện, và cách mà bạn thể hiện với phần còn lại của thế giới. Điều đó tác động đến mọi thứ, từ tự do kinh tế, khả năng có việc làm, đến các mối quan hệ cá nhân, yêu đương, đến sức khỏe thể chất và cả tinh thần".
Sắp tới đây, Martin sẽ xuất hiện trong loạt phim tài liệu mới của đài SBS mang tên "Asking For It", nhằm nêu cao tầm quan trọng của việc giáo dục sự đồng thuận trong bối cảnh số vụ cưỡng hiếp và bạo lực tình dục ngày càng phổ biến.
Cục Thống kê Úc cho biết mỗi ngày có trung bình 85 vụ tấn công tình dục được báo cáo ở quốc gia này. Con số được ước tính là một phần nhỏ trong tổng số vụ tấn công tình dục xảy ra, với khoảng 90% các vụ tấn công tình dục không được báo cáo, theo dữ liệu từ một khảo sát năm 2020 do Viện Y tế và Phúc lợi Úc thực hiện.
Theo một báo cáo gần đây, cứ 10 người Úc thì có một người từng bị lạm dụng bởi deepfake, một con số mà Martin tin rằng có thể giảm xuống nếu nhiều người hiểu hơn về sự chấp thuận.
Cô nói: “Có một sự phân biệt sai lầm rằng những gì xảy ra trên mạng hoàn toàn tách biệt với những gì xảy ra trong thế giới thực. Cuộc sống của chúng ta hoàn toàn hợp nhất trong thời đại kỹ thuật số, giữa những gì xảy ra trên Internet và những gì xảy ra trong đời thực. Những gì mọi người đăng tải và hình ảnh của họ, chân dung và cơ thể của họ, ngay cả ở dạng kỹ thuật số, tôi muốn nói rằng chúng là một phần mở rộng của cơ thể họ”.
Martin giải thích rằng việc “lấy hình ảnh của người khác mà không xin phép” là một vấn đề nghiêm trọng vì nó gây ra tác hại rất lớn.
“Nếu bạn cố gắng lấy hình ảnh và chân dung của người khác và làm những điều khủng khiếp với nó và chiếm đoạt nó mà không xin phép hoặc không được sự đồng ý, thì đó là vấn đề. Mọi người có quyền kiểm soát những gì xảy ra với cơ thể của họ, với cuộc sống và giới tính của họ cũng như nhân cách của họ. Và nếu chúng ta được giáo dục đến nơi đến chốn, thì mọi người sẽ nhận ra ranh giới, điều gì được chấp nhận và điều gì không".
Trong series phim "Asking For It", do nhà báo điều tra Jess Hill dẫn dắt, Martin xuất hiện cùng với một số nạn nhân từng bị tấn công tình dục, bao gồm Saxon Mullins, Grace Tame và Adele (delsi) Moleta, để chia sẻ kinh nghiệm của họ trong việc đấu tranh sửa đổi luật pháp và đối phó với chấn thương.
Hy vọng của Martin rất đơn giản: “Tôi rất muốn thấy loại lạm dụng tình dục trực tuyến này được xử lý nghiêm túc như những gì xảy ra trong thế giới thực.
Và tôi rất muốn được nhìn thấy và sống trong một thế giới mà phụ nữ nói riêng, được tự do thực hiện quyền tự quyết của mình để sống hết mình, phát huy hết tiềm năng, không bị lạm dụng và cũng không sợ bị lạm dụng. Ranh giới cũng như phẩm giá của họ và nhân loại cần được tôn trọng. Đó là một thế giới mà tôi yêu thích, nơi các cháu gái của tôi và các thế hệ tương lai được sống bình yên".