“Đánh bay” cơn đau đầu trong những ngày nắng

Hiền Lương (Dịch)
17/04/2022 - 10:18
“Đánh bay” cơn đau đầu trong những ngày nắng

Ảnh minh họa

Thời tiết nắng nóng khiến nhiệt độ tăng lên và theo nghiên cứu, khi nhiệt độ tăng lên khoảng 90C sẽ làm tăng nguy cơ bị đau đầu hay đau nửa đầu thêm 7,5%.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến đau đầu vào mùa hè là do cơ thể bị mất nước và không bổ sung nước kịp thời dẫn đến mất nước gây ra cảm giác đau đầu. Thứ hai, khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, ánh nắng gắt, các mao mạch ở trên đầu bị giãn nở quá mức để chống lại thời tiết. Việc cơ thể không kịp thích nghi sẽ dẫn đến bạn có cảm giác đau và đau đầu càng nghiêm trọng hơn khi bạn thường xuyên di chuyển giữa phòng có điều hòa với không gian bên ngoài.

Thời tiết nắng nóng cũng có thể làm cho mức độ serotonin trong cơ thể của bạn có sự thay đổi. Sự dao động thất thường nội tiết tố này cũng có thể gây nên tình trạng đau nửa đầu hay đau đầu. Thời tiết nóng bức cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ làm não bộ bị thiếu dưỡng khí dễ gây đau đầu, tinh thần mệt mỏi, thậm chí đau nhức toàn thân.

Một số cách khắc phục

Bạn nên hạn chế tiếp xúc ngoài trời khi thời tiết nắng nóng. Nguyên nhân là do ánh nắng không chỉ khiến làn da sạm màu, dễ kích ứng mà còn khiến tình trạng đau đầu khởi phát và thêm trầm trọng.

Trong những ngày nắng nóng cần tránh ra ngoài vào thời điểm nắng gay gắt. Khi bắt buộc phải ra ngoài, bạn nên đội mũ rộng vành và sử dụng áo chống nắng, bôi kem chống nắng, nhất là trong thời điểm từ 11h-15h. Ngoài ra, bạn nên đeo kính mát để làm giảm sự tác động của ánh nắng mặt trời lên dây thần kinh thị giác. Điều này giúp hạn chế cơn đau đầu và làm giảm tình trạng chóng mặt hay say nắng. Mặt khác, cũng cần chú ý không để cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột như di chuyển ngay từ nơi có nhiệt độ cao sang nơi có nhiệt độ thấp và ngược lại.

Nhiệt độ tăng cao khiến mồ hôi ra nhiều dẫn đến cơ thể bị mất nước, kèm theo đó là lượng muối, đường, chất khoáng trong cơ thể cũng bị giảm đi. Mất nước làm cho cơ thể có cảm giác mệt mỏi, choáng, khó thở, đau nhức đầu. Việc uống đủ nước giúp bù vào lượng mồ hôi đã thoát ra nhằm cân bằng nhiệt độ cơ thể, tránh cảm giác mệt mỏi căng thẳng không đáng có. Do đó, người bị đau đầu nên uống nhiều nước hơn người bình thường, trung bình 8-14 cốc nước mỗi ngày (tùy vào cân nặng, giới tính, cường độ hoạt động của cơ thể). Nếu bạn làm việc trong môi trường nhiệt độ cao thời gian dài, bạn cần bổ sung nước khoảng 1/2 - 1 cốc nước mỗi giờ.

Lưu ý, bạn không nên uống nước đá lạnh, thay vào đó, các loại nước ép trái cây tự nhiên hoặc nước chanh muối sẽ cung cấp vitamin C, muối và chất khoáng giảm các cơn đau đầu do nắng nóng gây ra một cách hiệu quả.

Một chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường thực phẩm giàu magiê như rau xanh đậm, cá, trái bơ, chuối... cũng góp phần giảm các thụ thể đau trong não và ngăn thu hẹp các mạch máu trong não. Ngoài ra, bổ sung vitamin B thông qua món ăn từ hàu, cá hồi, thịt bò, trứng... giúp giảm bớt tác động của căng thẳng, hỗ trợ cải thiện đau đầu do nắng nóng gây ra rất hiệu quả.

Nếu ngủ quá nhiều hoặc quá ít sẽ khiến cơ thể nhạy cảm hơn với thời tiết, làm tăng nguy cơ khởi phát chứng đau đầu. Do vậy, để tránh gặp phải các cơn đau đầu khi trời nắng nóng, bạn nên đảm bảo ngủ đúng giờ, trước 23 giờ tối và ngủ đủ giấc (trung bình 7-8 tiếng/ngày).

Bên cạnh đó, hằng ngày bạn nên dành khoảng 30 phút đến 1 tiếng để tập thể dục, chạy bộ, yoga, đạp xe... vừa có thể làm giảm mức độ đau, vừa giảm tần suất tái phát cơn đau đầu nhờ tác dụng điều hòa căng thẳng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm