Đánh cược khi sinh con ở tuổi ‘lên lão’

24/08/2016 - 12:34
Nhờ sự phát triển của y học, ngày càng có nhiều phụ nữ dù ngoại ngũ tuần, thậm chí đã mãn kinh hoặc bước qua tuổi ‘xưa nay hiếm’ vẫn có thể mang thai và sinh con. Song theo các chuyên gia y tế, điều này là không nên.
Mới đây, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc, kiêm Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, BV Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, lần đầu tiên có một sản phụ 58 tuổi, mãn kinh, nhờ thụ tinh ống nghiệm đã sinh con thành công tại BV này. Đây là sản phụ lớn tuổi nhất Việt Nam đã mãn kinh được hỗ trợ sinh sản thành công và là ca thứ hai trên cả nước. Trước đó, BV Bưu Điện Hà Nội đã hỗ trợ sinh sản cho một phụ nữ 53 tuổi, đã mãn kinh, sinh được một bé gái.

Vào cuối tháng 6/2016, tờ China Daily (Trung Quốc) cũng đưa tin, bà Zhang (61 tuổi), sống ở TP Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, sinh con trai khỏe mạnh ở tuần thai thứ 36. Cậu bé nặng gần 3kg và được trở về nhà bên người mẹ đáng tuổi bà và người cha 66 tuổi hôm 5/7. 

Bà Zhang bắt đầu mang thai vào tháng 11 năm ngoái. Lúc biết Zhang đang ấp ủ dự định sinh một đứa con ở cái tuổi đã ngoài 60, nhiều người nghĩ bà không bình thường. Song bà Zhang có lý do riêng khi quyết định sinh con ở tuổi này. Trước đây, vợ chồng bà cũng đã có một con gái và sống hạnh phúc. Tuy nhiên, hai năm trước, cô con gái 30 tuổi của bà qua đời trong khi sinh con, để lại cho cả gia đình nỗi tiếc thương và đau buồn vô hạn. 
cu-ba.jpg
Bà Daljinder Kaur (72 tuổi, ở Ấn Độ) và đứa con mới sinh 
Hồi giữa tháng 4/2016, bà Daljinder Kaur, 72 tuổi, người Ấn Độ, sau 2 năm điều trị bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo đã sinh một bé trai nặng 2kg. Chồng bà 79 tuổi. Hai vợ chồng lấy nhau được 46 năm, gần như tuyệt vọng vì không thể có con.

Trường hợp sinh con ở tuổi U80 của cụ bà Daljinder Kaur không phải duy nhất ở Ấn Độ cũng như trên thế giới. Bởi trước đó, vào năm 2008, bà Rajo Devi (Ấn Độ), sau 50 năm kết hôn, cũng đã sinh hạ một bé gái và trở thành bà mẹ cao tuổi nhất thế giới tại thời điểm lúc bấy giờ. Tại thời điểm sinh con, bà đã 69 tuổi còn chồng bà 72 tuổi.

Vài tháng sau, cụ bà Omkari Singh (sinh sống tại Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ) đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới khi lên chức mẹ ở tuổi 70 và đặc biệt hơn là bà sinh đôi.
cu-ba-2.jpg
Bà Omkari Singh (sinh sống tại Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ) cho biết, việc chăm sóc con ở tuổi U80 là không dễ dàng
Không hề dễ dàng

Tuy chuyện mang thai và sinh con ở những phụ nữ tuổi xế chiều phần nào có thể thỏa mãn nguyện vọng có được một đứa con do chính mình hoài thai và sinh nở. Song đôi khi để có được điều này, họ gần như phải đánh cược chính cuộc sống của mình. Các chuyên gia y tế cũng không khuyến khích việc sinh nở khi người mẹ đã bước vào tuổi ‘lên lão’. Bởi điều này không chỉ mang đến những rủi ro cho sức khỏe của bà mẹ và đứa trẻ mà còn đặt ra trong việc nuôi dưỡng đứa trẻ khi chúng còn quá nhỏ mà bố mẹ thì đã quá lớn tuổi, không biết còn có thể ở lại bao lâu với chúng.

Như trường hợp của bà Zhang (61 tuổi, Trung Quốc), khi biết được phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có thể giúp phụ nữ lớn tuổi sinh con, bà và chồng quyết định nhờ tới sự hỗ trợ sinh sản này. Tuy nhiên, quá trình mang thai không hề dễ dàng. Bà Zhang từng bị chảy máu hai lần, bị huyết áp cao trong suốt thời gian mang thai và phải ‘giữ’ lắm đứa bé trong bụng mới có thể an toàn cho tới khi bé được 36 tuần tuổi. Bé phải chào đời bằng phương pháp mổ. Trong ca sinh nở, các bác sĩ đã phải cắt bỏ tử cung của bà Zhang để tránh trường hợp mất máu quá nhiều. 
cu-ba-1.jpg
Bà Rajo Devi cùng chồng và con
Còn cụ bà Rajo Devi (69 tuổi, Ấn Độ) đã suýt chết do biến chứng sau khi sinh con bằng phương pháp IVF. May mắn sức khỏe bà đã dần phục hồi nhưng để nuôi nấng con gái và sống khỏe mạnh cho đến khi được nhìn con khôn lớn có phần khó khăn đối với cụ. Bởi ngay trong hiện tại, ở tuổi U80 bà đôi khi không thể tắm được cho con, chơi với con, chạy theo con và thậm chí cho con ăn...

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, phụ nữ càng lớn tuổi càng có nguy cơ cao bị biến chứng khi mang thai hơn so với phụ nữ trẻ: Thai phụ trên 45 tuổi có nguy cơ phát triển đái tháo đường thai kỳ và tăng huyết áp trong thai kỳ cao hơn 3 lần so với thai phụ trẻ. Hơn nữa, người mẹ mang thai khi lớn tuổi còn mắc nhiều nguy cơ: Sảy thai, đẻ non, tiền sản giật, thai chết lưu, đẻ khó, sinh mổ, đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp, nhau tiền đạo (trũng nhau thai), nhau bong non…

Bản thân đứa trẻ nếu sinh ra may mắn khỏe mạnh thì chúng sẽ phải đối mặt với không ít vấn đề về tâm sinh lý và xã hội khi có cha mẹ quá lớn tuổi.

Mặc dù hiện nay khoa học đã có thể trợ giúp phụ nữ mãn kinh sinh con. Tuy nhiên, trước những rủi ro nêu trên, phụ nữ nên cân nhắc khi quyết định mang thai, nếu tuổi đã lớn.

Trao đổi về vấn đề mang thai khi tuổi đã cao, bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP. HCM cho biết, có rất nhiều lý do về mặt kỹ thuật, y khoa và xã hội khi thực hiện xin noãn ở phụ nữ quá lớn tuổi nhưng nói chung là không nên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm