Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 5 đến ngày 8/9/2018.
Ngày 6/9 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang (LB) Nga, tại thành phố Sochi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga V.Putin.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống LB Nga V.Putin đã tập trung trao đổi ý kiến sâu rộng về các phương hướng và biện pháp lớn nhằm tạo xung lực mới thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực, nhất trí nỗ lực cao nhất đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - LB Nga ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả. Hai nhà lãnh đạo nhất trí duy trì thường xuyên gặp gỡ, trao đổi đoàn cấp cao, tham vấn chính trị, đối thoại chiến lược trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan, bộ, ngành, chính quyền các địa phương của hai nước; nhất trí không ngừng củng cố sự tin cậy chính trị, làm nền tảng để thúc đẩy và mở rộng hợp tác toàn diện…
Hai bên nhất trí đẩy mạnh các biện pháp nhằm khai thác tối đa hiệu quả của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật trong việc đôn đốc, giám sát, thực hiện các thỏa thuận hợp tác, khuyến khích tìm kiếm các dự án trên các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, nông nghiệp, hạ tầng giao thông đô thị, thông tin và viễn thông…
Hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, thể hiện sự tin cậy giữa hai nước và phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Về khoa học - công nghệ, lãnh đạo hai nước nhất trí triển khai dự án Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam, coi đây là dự án trọng điểm về hợp tác khoa học - công nghệ giữa hai nước trong việc nghiên cứu sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng khác, như giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch, hợp tác giữa các địa phương hai nước...
Hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm về một số vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Hai bên chia sẻ quan điểm chung về sự cần thiết giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc. Việt Nam ủng hộ Nga tăng cường vai trò trong bảo đảm an ninh, hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Đông - Nam Á và trên thế giới.
Hai nhà lãnh đạo cũng đánh giá cao những đóng góp quan trọng của cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga, là cầu nối quan trọng cho quan hệ giữa hai nước. Ngay sau khi kết thúc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga V.Putin đã chứng kiến lễ ký kết nhiều văn kiện hợp tác giữa hai nước.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngoài cuộc hội đàm với Tổng thống Nga V.Putin, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã có các cuộc hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Medvedev, Chủ tịch Đuma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Volodin, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc hội Liên bang Nga Andrey Turchak. Tổng Bí thư đã tới đặt vòng hoa tại Mộ Liệt sỹ vô danh, Lăng Vladimir Ilyich Lenin và Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh; nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, gặp gỡ các cựu chiến binh, chuyên gia Nga từng làm việc tại Việt Nam, dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Hữu nghị Nga-Việt; thăm tỉnh Kaluga…
Chiều ngày 7/9, hai bên đã ra ra tuyên bố chung về kết quả chuyến thăm.
Trong tuyên bố chung, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Liên bang Nga Putin khẳng định tiếp tục củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga đáp ứng lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước. Hai bên khẳng định tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam và Nga trong lĩnh vực dầu khí trên lãnh thổ hai nước; nhất trí phát triển hợp tác trong các lĩnh vực: lọc hóa dầu, xây dựng các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu từ khí, sản xuất nhiên liệu cho động cơ chạy bằng khí đốt, mở rộng khu vực thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế.