Sáng ngày 30/5, tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã diễn ra Hội thảo “Công bố kết quả nghiên cứu và góp ý báo cáo công việc chăm sóc không lương: Thực trạng và lượng hóa giá trị”.
Nghiên cứu do Oxfam tài trợ Học viện Phụ nữ phối hợp với trường ĐH Kinh tế Quốc dân thực hiện, khảo sát gần 550 người ở 3 tỉnh thành phố là Thái Bình, Thừa Thiên - Huế và TP Hồ Chí Minh trong độ tuổi từ 18 đến 60.
Theo đó, 16 đầu công việc nội trợ hàng ngày trong gia đình như nấu cơm, rửa bát, đi chợ, giặt quần áo, lau dọn nhà cửa, chăm sóc con nhỏ, người già, người ốm… được gọi là công việc chăm sóc không lương. Nghiên cứu cho thấy, người vợ vẫn chịu trách nhiệm chính trong phần lớn các công việc chăm sóc gia đình không được trả lương. Sự bất bình đẳng vẫn thể hiện trong quan niệm của mọi người tham gia khảo sát về người thực hiện các công việc đó.
TS Nguyễn Huy Trung, trường ĐH Kinh tế Quốc dân, thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày phương pháp lượng hoá giá trị công việc chăm sóc không lương. Nó được sắp xếp theo thời gian hao phí cho các công việc chăm sóc không lương, so sánh với chi phí thực tế chi trả cho các lao động đó. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, sự bất bình đẳng thể hiện ngay cả khi nam giới tham gia việc nhà. Các việc nhà người chồng hay làm như sửa chữa đồ gia dụng, dạy con học, đi thăm họ hàng, mua sắm, đưa con đi học, chủ yếu là những công việc hướng ngoại, thường quy đổi giá trị cao hơn những công việc đi chợ, giặt giũ, nấu ăn, rửa bát, lau dọn nhà cửa… mà người vợ làm, vừa mất sức, vừa mất nhiều thời gian.
Công việc chăm sóc gia đình vẫn là yêu cầu khách quan và tiếp tục tồn tại trong điều kiện nước ta. Công việc này thực sự có giá trị lớn so với thu nhập của gia đình. Hiện nay, các thành viên trong gia đình đều tham gia làm việc nhà nhưng đa phần là phụ nữ. Điều đó đặt ra nhiều vấn đề trong chính sách sử dụng phụ nữ.
Nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp góp phần thúc đẩy thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững. Trước hết là bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách đối với gia đình nói chung và lao động gia đình nói riêng. Từ đó tuyên truyền thay đổi nhận thức và hành vi thực hiện công việc chăm sóc gia đình.
Nghiên cứu đã nhận được nhiều phát biểu đóng góp tâm huyết của các đại biểu tham dự hội thảo.
Bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Chính sách Luật pháp (TƯ Hội LHPN Việt Nam), đánh giá cao tính thiết thực của nội dung nghiên cứu, gắn với việc thực hiện chức năng đại diện của Hội LHPNVN, giúp TƯ Hội có các bằng chứng thực tế để đề xuất các chính sách cho phụ nữ. Bà Cầm rất mong được chia sẻ các kết quả quý của nghiên cứu này sau khi bổ sung, hoàn thiện để làm một cơ sở tham mưu các chính sách cho phụ nữ và có thể áp dụng các khuyến nghị, đề xuất của nghiên cứu trong thực tế.
Bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐTBXH, nhìn nhận kết quả nghiên cứu này có thể bổ sung những thiếu hụt cho các nghiên cứu để xây dựng Bộ chỉ tiêu phát triển quốc gia về bình đẳng giới. Bà cũng bổ sung thêm một thực trạng, phụ nữ ở độ tuổi nghỉ hưu dường như việc nhà lại tăng lên vì thêm các phần công việc chăm sóc cháu. Đồng thời mong muốn nghiên cứu chỉ ra những điểm khác biệt giữa thành thị và nông thôn bởi vì tính chất giữa thành thị và nông thôn rất khác nhau, như vậy kết quả thuyết phục và kỹ lưỡng hơn.
TS Nguyễn Minh Phong - Phó Vụ trưởng, Phó ban Tuyên truyền lý luận Báo Nhân dân, đánh giá đây là một công trình nghiên cứu nghiêm túc và đồ sộ, rất độc lập. Theo ông, tên gọi chăm sóc không lương nghe có vẻ từ thiện, khó hình dung, nên điều chỉnh tên gọi khu vực kinh tế gia đình. Nên phân biệt rõ, biện luận chặt chẽ việc chăm sóc người khác để không bị lẫn với việc tự chăm sóc. Tiêu chí đánh giá cần mang tính bao quát, phân nhóm lớn, đại chúng, phổ biến để có thể so sánh vùng, quốc gia. Đề nghị nhà nước đầu tư nghiên cứu, phối hợp Tổng cục Thống kê chủ trì để xây dựng hệ tiêu chí lượng hoá để đưa vào quản lý nhà nước khu vực kinh tế gia đình
PGSTS Mai Quốc Chánh đến từ trường ĐH KTQD nhận thấy kết quả đạt được theo mục tiêu về nghiên cứu sự bất bình đẳng giới, không chỉ ở cá nhân của vợ chồng mà còn liên quan đến cả bên nội, bên ngoại. Ông mong muốn, sự thay đổi nhận thức phải được thể hiện qua các văn bản nhà nước, coi công việc chăm sóc gia đình là một nghề, phải có chuẩn mực về nghề, có sự đào tạo kỹ năng chăm sóc, cấp chứng chỉ, từ đó sẽ có một hệ thống chính sách đi theo nghề này.
Bà Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ, thay mặt nhóm nghiên cứu cám ơn những ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, đưa ra nhiều gợi ý, gợi mở để nhóm có thể nâng cao chất lượng báo cáo của mình để khi công bố báo cáo sẽ có chất lượng tốt, tin cậy và thuyết phục.
Oxfam là một liên minh quốc tế bao gồm mạng lưới 17 tổ chức thành viên cùng liên kết hoạt động tại hơn 90 quốc gia, góp phần vào nỗ lực toàn cầu trong việc tạo ra thay đổi, xây dựng một tương lai không còn nghèo đói và bất công. Tại Việt Nam, Oxfam hoạt động từ năm 1955, hoạt động tại các lĩnh vực: phát triển xã hội dân sự, phát triển nông thôn, giảm nhẹ rủi ro và thảm họa thiên tai, hỗ trợ người dân tộc thiểu số và bình đẳng giới. Trao quyền cho phụ nữ và đấu tranh chống lại bất bình đẳng giới là một nhiệm vụ quan trọng của Oxfam. |
Theo Báo cáo của Oxfam tháng 1/2009, nếu tất cả công việc chăm sóc gia đình do phụ nữ đang thực hiện không lương trên toàn cầu được chuyển cho một công ty đảm nhận thì công ty này sẽ có doanh thu hàng năm là 10 ngàn tỉ đô la - gấp 43 lần doanh thu của Apple. |