Đạo diễn Hà Lệ Diễm và câu chuyện đoàn phim tài liệu 1 người

Thi Thơ
04/07/2023 - 17:05
Đạo diễn Hà Lệ Diễm và câu chuyện đoàn phim tài liệu 1 người

Đạo diễn Hà Lệ Diễm một mình thực hiện bộ phim tài liệu "Những đứa trẻ trong sương" trong vòng 3 nâm.

Phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm từng lọt vào danh sách 15 Phim tài liệu xuất sắc tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 95 và giành được nhiều giải thưởng quốc tế. Thế nhưng, ít người biết rằng, bộ phim dài đầu tay của nữ đạo diễn trẻ này lại được thực hiện bởi 1 người.

Hà Lệ Diễm là đạo diễn nhận được rất nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây vì bộ phim tài liệu độc lập "Những đứa trẻ trong sương". Ngoài việc lọt vào danh sách 15 Phim tài liệu xuất sắc tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 95, bộ phim còn đạt được nhiều thành tích khác tại các Liên Hoan Phim lớn nhỏ trên khắp thế giới.

Lý do làm phim tài liệu một mình vì thiếu kinh phí

Gặt hái nhiều thành công từ phim dài đầu tay nhưng ít ai biết hành trình làm phim của Hà Lệ Diễm vô cùng gian khổ. Chia sẻ trong chương trình Masterclass ngày 2/7 tại Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh (TPD), đạo diễn Hà Lệ Diễm cho biết lý do chủ yếu dẫn đến việc chị chọn làm phim tài liệu một mình là vì thiếu kinh phí. Bởi làm phim tài liệu suốt một thời gian dài (như "Những đứa trẻ trong sương" được quay trong hơn 3 năm) yêu cầu nguồn kinh phí rất cao để chi trả cho nguồn nhân lực tương ứng.

Đạo diễn Hà Lệ Diễm và câu chuyện đoàn phim tài liệu 1 người - Ảnh 1.

Đạo diễn Hà Lệ Diễm

Tuy nhiên, không vì làm một mình mà đạo diễn Hà Lệ Diễm bỏ cuộc. Chị dần học cách xoay sở mọi thứ từ việc làm thế nào để micro không bắt tiếng gió gây nhiễu âm thanh đến việc thích nghi với vùng núi Sa Pa có độ ẩm luôn ở ngưỡng 99%. Quan trọng phải kể đến việc đảm bảo nguồn dinh dưỡng cung cấp cho bản thân để chị có thể theo chân nhân vật Di trên hành trình trưởng thành, vì như chị nói trên bản nơi Di sống không có thịt, cá mà chỉ có trứng và các loại hạt.

Song song đó, điều đáng nói nhất của việc làm phim tài liệu một mình là người đạo diễn phải học cách cân bằng cảm xúc vì cảm xúc của họ sẽ rất dễ bị ảnh hưởng từ nhân vật do họ đã sống cùng, ăn cùng, ngủ cùng nhân vật trong thời gian dài. Đạo diễn chia sẻ, có lần chị rơi vào tình huống khiến chị rất buồn, rất giận mọi người. Khi đó chị mất lòng tin, áp lực và bắt đầu nảy sinh niềm nghi ngờ về những điều mình đang làm... Phải đến tận 6 tháng sau chị mới trở lại Sa Pa, ngồi lại rất lâu để nói chuyện cùng bố mẹ Di và Di để mọi người có thể cởi bỏ nút thắt trong lòng.

Đạo diễn Hà Lệ Diễm và câu chuyện đoàn phim tài liệu 1 người - Ảnh 2.

Đạo diễn Hà Lệ Diễm và bé Di, nhân vật chính trong phim "Những đứa trẻ trong sương". Ảnh: Báo Nhân dân


Hòa nhập cuộc sống sẽ được nhân vật và người dân yêu quý

Hà Lệ Diễm còn bộc bạch thêm về việc làm thế nào để nhận được sự đồng ý của nhân vật cũng như người dân trong khu vực để chị thực hiện công việc quay phim. Hơn hết là để chính nhân vật cảm thấy thoải mái khi đứng trước ống kính.

Chị nói rằng với người làm phim thì bộ phim là thứ quan trọng nhất nhưng với nhân vật, bộ phim không phải là thứ quan trọng, càng không phải là nỗi lo của họ. Như cha mẹ Di (nhân vật chính phim Những đứa trẻ trong sương) nói riêng và nhiều người dân miền núi khác nói chung, điều mà họ để tâm là làm thế nào để có gạo ăn, làm thế nào để con được đến trường học, làm thế nào để gia đình có áo mới mặc mỗi khi Tết đến, làm thế nào để trâu không chết cóng mỗi khi đông về... Chính vì thế, việc người đạo diễn đến nơi nào đó quay phim, chỉ cần họ không làm ảnh hưởng đến nỗi bận tâm cũng như hòa nhập vào cuộc sống của người dân thì người đó sẽ được cả nhân vật và người xung quanh yêu quý.

Như đạo diễn Hà Lệ Diễm nói: "Họ trồng lúa thì mình trồng lúa, họ ăn thì mình ăn", nhờ đó nữ đạo diễn rất được người dân tại nơi Di sống quý mến và bảo vệ, họ còn rủ chị đến nhà chơi và mời rượu. Có người còn nói vui khi nữ đạo diễn đến nhà họ mà không mang máy quay theo "Lần sau mang máy quay theo nhá!" một cách rất thân tình và cởi mở.

Đạo diễn Hà Lệ Diễm và câu chuyện đoàn phim tài liệu 1 người - Ảnh 3.

Đạo diễn Hà Lệ Diễm trao đổi với các em nhỏ.

Không tránh khỏi những "ca khó"

Trên thực tế, không phải lúc nào người đạo diễn cũng được may mắn như thế. Có những trường hợp nhân vật mà họ chọn rất quý họ tuy nhiên lại không đồng ý để họ quay, ví dụ mỗi khi người đạo diễn cầm máy thì nhân vật sẽ lấy tay che mặt. Trong tình huống này, người đạo diễn chỉ còn cách chọn một nhân vật khác, một câu chuyện khác nhưng vẫn có thể truyền tải thông điệp mà mình muốn đến cộng đồng thay vì bám víu vào một phương án duy nhất.

Tại buổi trao đổi, đạo diễn Hà Lệ Diễm còn giúp khán giả chiêm nghiệm nhiều điều trước câu trả lời cho câu hỏi về "đạo đức làm phim". Chị nói rằng có rất nhiều cảnh riêng tư về bố mẹ Di hay về Di mà chị có thể quay (hoặc đã quay) và đưa nó lên phim. Tuy nhiên, những cảnh quay đó thật sự không quan trọng trong việc thể hiện những ý tứ mà chị muốn. Nói chung người làm phim tài liệu cần phải cân nhắc để câu chuyện mà mình kể đặc sắc vì nó là chính nó chứ không phải vì cảnh quay riêng tư của bất kỳ nhân vật nào.

Qua buổi trao đổi về "Đoàn phim tài liệu một người", điều chị muốn nhất chính là để những nhà làm phim tài liệu trẻ có cái nhìn bao quát về hành trình đầy gian nan mà mình sắp dấn thân. Từ đó hiểu được bản thân cần phải chuẩn bị những gì về cả mặt thể chất lẫn tinh thần nhằm tạo ra một tác phẩm ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm