pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đạo diễn Trần Minh Ngân: Tôi làm phim thường chú ý các tình tiết thu hút khán giả nữ
Đạo diễn Trần Minh Ngân (bìa trái) đang chỉ đạo diễn xuất. Ảnh: Minh Pro cung cấp
Bộ phim sitcom "Em trai bố dượng" có độ dài 150 tập, hiện chiếu trên Truyền hình Vĩnh Long 1 vào lúc 17h mỗi ngày từ thứ 2 tới thứ 5. Phim đã quay được khoảng ½ và đã chiếu tới tập 53, với hình thức vừa quay vừa phát sóng.
Đây là bộ phim tâm lý xã hội, lấy bối cảnh trong một gia đình ở đô thị hiện đại, có truyền thống 2 đời về kinh doanh các loại nông sản xuất khẩu. Cùng đó là việc kinh doanh homestay của các bạn trẻ cùng những sản phẩm organic, phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh hiện nay.
Phim xoay quanh câu chuyện tình yêu của con gái riêng của chị dâu tên Ngân (diễn viên Phương Hằng thủ vai) và người em trai của bố dượng tên Khôi (diễn viên Thanh Duy thủ vai). Mối quan hệ này, dù không có phạm vào các quy chuẩn về huyết thống nhưng lại khó cho việc xưng hô của tất cả các thành viên trong gia đình.
Người ngăn cản mạnh mẽ nhất là bà nội, mẹ của người em trai. Từ việc ngăn cản này, đã dẫn tới nhiều sóng gió, bi kịch, ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân của người mẹ và bố dượng của Ngân. Người mẹ đã bị hư thai vì sự căng thẳng trong gia đình.
Bộ phim đã đi tới tình tiết là Ngân đành phải đi du học nước ngoài, tạm cắt đứt mối quan hệ tình yêu khá ngang trái để không làm ảnh hưởng tới mọi người.
Đạo diễn Trần Minh Ngân cho biết, anh hiện đang tập trung toàn bộ thời gian và công sức cho bộ phim đang trở thành 1 trong các phim sitcom ăn khách nhất dành cho khán giả Nam bộ.
-Khi nhận được kịch bản này, anh thấy ấn tượng nhất về điều gì để cảm xúc chạy xuyên suốt được 150 tập phim?
Tôi có ấn tượng mạnh về tình yêu của 2 nhân vật chính. Tình yêu của họ không được suôn sẻ như các cặp đôi khác, bắt nguồn đầu tiên từ cách xưng hô chú - cháu và sự liên kết các mối quan hệ ruột thịt của các thành viên trong gia đình. Mối quan hệ yêu đương của nhân vật chính đã chịu toàn bộ sự phản ứng của tất cả những người quen biết và thân thuộc. Thời gian đầu yêu đương, họ đã cố gắng vượt qua, dù khá mệt mỏi. Nhưng càng về sau thì càng đuối dần và bất lực, không bảo vệ được tình yêu của mình.
-Xây dựng bộ phim sitcom dài hơi, và được đặt hàng phát sóng trên kênh truyền hình quen thuộc nhất của khán giả Nam bộ, anh thấy bản thân có thuận lợi và khó khăn gì?
Tôi thấy rất thuận tay cho việc làm đạo diễn của phim tâm lý tình cảm dài tập này vì bản thân rặt Nam bộ (đạo diễn Trần Minh Ngân sinh ra tại Vĩnh Long - PV), nhưng vì phim được phát sóng trên Đài thu hút nhiều khán giả coi nhất tại miền Tây Nam bộ, nên cũng khá áp lực. Hiện rating của bộ phim được đánh giá trên 6.0, trong khi các chương trình của Đài dao động từ 2.0 - 3.0. Nghĩa là bộ phim đang có rất nhiều khán giả quan tâm, theo dõi.
Tôi may mắn được cộng tác với rất nhiều biên kịch giỏi, các diễn viên thể hiện tâm lý nhân vật tốt. Về phía công ty đầu tư phim cũng rất hiểu và chia sẻ với ekip thực hiện nên chúng tôi đã tập trung được toàn bộ năng lực cho nghệ thuật. Nhưng trong thời gian đầu quay phim, có một số diễn viên đã quen với cách làm sitcom "công nghiệp" nên khi làm việc cùng tôi, với cách chỉn chu về âm thanh, hình ảnh hơn, thì họ phản ứng, muốn đẩy nhanh tiến độ.
Tuy nhiên, ngay cả Giám đốc sản xuất cũng đồng ý với tôi về việc "chậm mà chắc" này để tăng chất lượng nghệ thuật nên dần dần, các diễn viên cũng chấp nhận và hợp tác suôn sẻ.
-Trong khi các bộ phim sitcom khác về gia đình thường khai thác yếu tố hài hước, chọc cười khán giả,"Em trai bố dượng" lại đi sâu vào hướng tâm lý tình cảm. Với phim bộ Hàn Quốc, việc này đã quá thành công và quen thuộc với khán giả. Anh có bị ảnh hưởng không, và vì sao?
Khán giả Việt hiện đã "khó tính" hơn trong việc lựa chọn phim, ngoài yếu tố giải trí thì họ còn yêu thích sự sâu sắc của các phim tâm lý, đặc biệt là các phim xoay quanh các mối quan hệ gia đình.
Tôi cũng có ảnh hưởng bởi các khung hình đẹp khi quay của các bộ phim Hàn Quốc, nên đã áp dụng lúc thực hiện. Và thường thì kịch bản của phim Hàn Quốc rất chặt chẽ và logic nên đây cũng là yếu tố để chúng tôi học theo.
- Anh đã có kinh nghiệm khi làm đạo diễn phim sitcom 36 tập "Gia đình hòa thuận" về tâm lý tình cảm được phát sóng trên VTV9. Anh có nghĩ sức hút của dòng phim này đến từ những người phụ nữ hay không?
Tôi nghĩ không chỉ riêng phụ nữ, mà tất cả mọi người đều có thể bị cuốn hút vào câu chuyện hay, mà muốn có câu chuyện hay thì kịch bản phải tốt, diễn viên phải thể hiện xuất sắc.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng số lượng khán giả nữ theo dõi các bộ phim sitcom mang yếu tố tâm lý, tình cảm gia đình rất lớn và đây chính là các khán giả trung thành ngồi trước màn hình TV. Vì vậy mà tôi thường chú trọng khai thác các tình tiết gay cấn về tâm lý 1 cách tinh tế và hấp dẫn nhất, để thu hút sự quan tâm của các chị em phụ nữ.