pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đạo sư Osho hướng dẫn cách “Hiểu” để tự do, được là chính mình
Trong cuốn sách Hiểu (tựa gốc: The Book of Understanding), triết lý về tự do của Osho có thể tạm tóm gọn trong một hình ảnh ẩn dụ: Lạc đà băng qua sa mạc. Lạc đà luôn dự trữ trong cơ thể một lượng thức ăn và nước uống khổng lồ cho hành trình. Tình huống của con người cũng tương tự: Họ phải đi qua một chặng đường đời đầy gian khổ, với quá khứ, kiến thức, áp đặt của xã hội, cha mẹ… trên lưng.
"Đừng dừng lại ở đó. Nếu mắc kẹt trong giai đoạn đó và luôn là lạc đà, bạn sẽ không biết được vẻ đẹp và phúc lạc của cuộc sống. Bạn sẽ vẫn quanh quẩn với quá khứ", Osho nói.
Tư tưởng tự do tinh thần vốn dĩ bao trùm cả thảy triết lý Osho, được ông lặp đi lặp lại trong nhiều chủ đề khác nhau: Tình yêu, cảm xúc, hạnh phúc, trưởng thành… Riêng cuốn Hiểu tập hợp các bài thuyết giảng mà Osho chỉ xoáy sâu vào ý niệm tự do và những "tảng đá cản đường" tự do - vốn được dự trữ trên lưng "lạc đà".
Bạn đang mang vác trong mình những gì từ-người-khác? Osho liệt kê đầy đủ qua các chương sách: Những tiêu chuẩn, hệ tư tưởng, cách đánh giá đúng và sai, khuôn mẫu giải quyết vấn đề; những niềm tin được người khác và xã hội trao truyền chứ bạn chưa hề trải nghiệm; ước mong phải trở thành một ai đấy thật giàu có, thật quyền lực, thật xuất chúng, đều rất có thể phát sinh từ kỳ vọng của cha mẹ khi bạn còn thơ bé…
Tâm trí của chúng ta, giống như lưng "lạc đà", chính là kho dự trữ của những điều đó. Tâm trí, theo Osho, giống như một tấm gương phản chiếu những gì quanh bạn.
Xuyên suốt cuốn sách, Osho nói về sự trống rỗng bên trong, sự bất hạnh tột cùng khi một người "chưa biết chính mình", "chưa gặp được con người thật của mình", "chưa đạt được cá tính đích thực", và chỉ mãi theo đuổi những "cái bóng" chứ chẳng phải điều bản thân mong muốn.
Với Hiểu, Osho đề cập đến nỗi đau và sự trống rỗng khi phải liên tục sống trong kỳ vọng, áp đặt của người khác. Đồng thời, sách mở ra hy vọng về một cuộc sống tự do, được là chính mình. Theo đạo sư, khi được sống chân thật với mình, con người có hạnh phúc thật sự, tình yêu thật sự và tràn đầy phúc lành để chia sẻ.
Osho (1931-1990) là một trong những đạo sư có ảnh hưởng nhất thế giới. Tờ Sunday Times của London mô tả Osho là một trong 1.000 người kiến tạo của thế kỷ 20. Còn tờ Sunday Mid-day của Ấn Độ bình chọn Osho là 1 trong 10 người, cùng với Gandhi, Nehru và Đức Phật, thay đổi vận mệnh của Ấn Độ. Sách của ông đã được dịch ra hơn 60 ngôn ngữ trên thế giới.
Osho được biết đến với những đóng góp mang tính cách mạng trong lĩnh vực chuyển hoá nội tâm thông qua thiền định. Phương pháp thiền động của Osho giúp giải tỏa căng thẳng cho thân và tâm, giúp mọi người dễ dàng trải nghiệm sự an nhiên, tĩnh tại.