Đào tạo nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số: Cần có chính sách đồng bộ

B.N
25/07/2025 - 21:55
Đào tạo nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số: Cần có chính sách đồng bộ

Ảnh minh họa: Đ.D.H

Đây là nội dung được nhiều đại biểu đề cập đến tại tọa đàm lấy ý kiến Đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số (DTTS) do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 25/7, tại tỉnh Đắk Lắk.

Theo Dự thảo "Đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người DTTS trong các ngành, nhóm ngành, lĩnh vực trọng điểm giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến 2045" nhằm triển khai Quyết định 1657/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2045.

Người DTTS chiếm khoảng 14,7% dân số Việt Nam, tương đương hơn 14 triệu người, với quy mô dân số tăng nhanh và đang trong giai đoạn dân số vàng. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực DTTS vẫn còn thấp, với tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt khoảng 6,2% - chưa bằng 1/3 so với mức bình quân chung cả nước. Các chính sách hỗ trợ phát triển nhân lực DTTS còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự phát huy động lực vươn lên của đồng bào DTTS.

Theo Dự thảo, trong giai đoạn 2025-2035, Bộ GD-ĐT đặt mục tiêu hình thành đội ngũ nhân lực người DTTS có trình độ cao, tập trung vào các lĩnh vực then chốt như: Y khoa, Dược học, Công nghệ thông tin, Nông nghiệp, Tài chính - Ngân hàng và đào tạo giáo viên.

Mục tiêu của Đề án sẽ góp phần đạt mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2026-2030. Đến năm 2035, nhân lực người DTTS sẽ đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành then chốt, góp phần đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập và đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và cả nước.

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được mục tiêu đề ra, cần gắn đào tạo các ngành then chốt với giải quyết trực tiếp những vấn đề kinh tế - xã hội tại địa phương; có thêm chính sách hỗ trợ đối với sinh viên người DTTS; có học bổng dành cho người DTTS học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ để tạo ra nguồn nhân lực thực sự chất lượng; có giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực sau đào tạo; quan tâm phát triển đội ngũ giảng viên là người DTTS tại các trường đại học, cao đẳng ở địa phương…

Đề án này cũng sẽ tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức tham gia trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho học sinh, sinh viên vùng đồng bào DTTS và miền núi; xây dựng cơ sở pháp lý cần thiết để các cơ sở giáo dục đại học, các địa phương và các tổ chức liên quan tại địa phương có cơ sở pháp lý và nguồn kinh phí để cùng phối hợp tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương; nâng cao chất lượng nhân lực hướng tới tạo cơ hội việc làm cho đồng bào DTTS và miền núi góp phần giảm nghèo đa chiều bền vững tại địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Sinh viên vùng đồng bào DTTS và miền núi có trình độ cao thuận lợi hơn trong tiếp cận việc làm sau khi tốt nghiệp hoặc có tinh thần khởi nghiệp, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất kinh doanh góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, phát huy và tận dụng thế mạnh của chuyển đổi số trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Dự thảo sẽ sớm được Bộ GD-ĐT hoàn thiện để trình Chính phủ phê duyệt, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mọi người DTTS đều có cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm