Theo truyền thuyết thì thủy tổ của dân tộc ta là Kinh Dương Vương, hiện còn mộ ở An Lữ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Kinh Dương Vương vốn có tên là Lộc Tục, là con của Đế Minh cháu ba đời của vua Thần Nông. Lộc Tục được phong làm vua phương Nam vào năm Nhâm Tuất (năm 2879 trước Công nguyên) xưng là Kinh Dương Vương và lấy con gái Thần Long sinh được con trai đặt tên là Sùng Lãm, nối ngôi làm vua xưng là Lạc Long Quân, sau lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh một cái bọc có trăm trứng nở thành trăm con trai. 50 con theo mẹ lên núi; 50 con theo cha về biển. Người con trưởng trong số các con theo mẹ lên Phong Sơn, được tôn làm vua được gọi là Hùng Vương.
Mùa xuân năm Nhâm Tuất (542), Lí Bí khởi binh đánh tan giặc Lương xâm lược, chiếm Long Biên. Vua Lương cho quân phản công chiếm lại, nhưng Lí Bí đã cho quân mai phục đánh tan.
Năm Nhâm Tuất (722), Mai Thúc Loan dựng cờ khởi nghĩa. Nghĩa quân chiếm được thành Tống Bình (Hà Nội), lấy lại giang sơn. Thật là: "Bốn phương Mai Đế lừng uy đức/ Muôn trận Lý Đường phục võ công".
Mùa đông năm Mậu Tuất (938), Ngô Quyền giết tên nội phản Kiều Công Tiễn và đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Ngô Quyền xưng vương và đóng đô ở Cổ Loa (Hà Nội).
Năm Giáp Tuất (974) là năm sinh của người khởi dựng triều Lý và khởi sự dời đô từ Hoa Lư về đất Thăng Long - Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ).
Năm Canh Tuất (1010), vua Lý Thái Tổ dời đô, khai sinh ra đất Thăng Long là nơi "trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi …", "là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước", "là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời" (Chiếu dời đô).
Năm Canh Tuất (1070), nhà Lý dựng Văn miếu và mở Quốc tử giám ở kinh thành làm nơi học tập cho con em tầng lớp quí tộc, quan lại. Nền đại học Việt Nam bắt đầu hình thành từ đó.
Năm Bính Tuất (1226), Lý Chiêu Hoàng tuyên bố nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Trần Cảnh lên ngôi (Trần Thái Tông) lập ra triều Trần. Chế độ trung ương tập quyền được khôi phục, cuộc nội chiến giữa các thế lực phong kiến chấm dứt.
Năm Bính Tuất (1286), lần thứ 3 quân Nguyên huy động 50 vạn quân, 300 chiếc thuyền chuẩn bị xâm lược nước ta. Nhà Trần tổ chức kháng chiến.
Năm Bính Tuất (1406), nhà Minh mượn tiếng "diệt Hồ phục Trần" đem hơn 10 vạn quân xâm lược Đại Việt. Nhà Hồ tổ chức kháng chiến, thắng trận, quân Minh phải rút về nước.
Năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Long.
Năm Bính Tuất (1946), mùa Xuân độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến.