pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đau đầu liên tục ở thái dương là bệnh gì?
Đau đầu liên tục ở thái dương có thể khiến bạn mệt mỏi, khó chịu, không thể tập trung vào công việc cũng như ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đau đầu ở thái dương thường không nguy hiểm và có thể giảm đau bằng các biện pháp tại nhà.
1. Đau đầu liên tục ở thái dương là bệnh gì?
Đau đầu ở thái dương, đặc biệt là chỉ ở một bên đầu, là triệu chứng phổ biến của chứng đau nửa đầu. Nhưng khi cơn đau nhói chuyển thành đau đầu liên tục và kèm theo cảm giác đau khi chạm vào thái dương thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh viêm động mạch thái dương.
- Đau đầu do căng cơ
Đau đầu do căng cơ là loại đau đầu phổ biến nhất và thường do căng cơ và căng thẳng gây ra. Đau đầu do căng cơ cơn đặc trưng bởi những cơ đau âm ỉ, không đau nhói, thường ở cả hai bên đầu. Cơn đau có thể kéo dài từ 30 phút đến một tuần.
Nếu cơn đau đầu xảy ra từ 15 ngày trở lên trong một tháng thì đó được coi là chứng rối loạn đau đầu mãn tính. Chứng đau nửa đầu, đau đầu từng cơn và đau đầu do căng cơ đều có thể trở thành mãn tính, cũng như tình trạng gọi là "đau đầu mãn tính hàng ngày".
- Đau nửa đầu
Chứng đau nửa đầu là nguyên nhân phổ biến gây đau và áp lực ở thái dương, thường gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và suy nhược. Các cơn tái phát và kéo dài từ 4 đến 72 giờ và thường chỉ ảnh hưởng đến một bên đầu. Các triệu chứng phổ biến nhất của chứng rối loạn thần kinh này bao gồm:
+ Đau đầu từ mức độ trung bình đến nặng một bên đầu, như dao đâm hoặc theo mạch đập.
+ Nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh
+ Mệt mỏi
+ Rối loạn thị giác, chẳng hạn nhìn thấy đèn nhấp nháy, ngoằn ngoèo hoặc mất thị lực
+ Sự bồn chồn, choáng váng
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra chứng đau nửa đầu như thay đổi nội tiết, các loại thực phẩm và đồ uống nhất định (ví dụ, caffeine, rượu, sô cô la), các yếu tố môi trường (ví dụ, ánh sáng chói, mùi hôi nồng), căng thẳng và yếu tố tình cảm.
- Viêm động mạch thái dương
Viêm động mạch thái dương là tình trạng viêm xảy ra ở một hoặc nhiều động mạch lớn. Nó thường tấn công một hoặc cả hai động mạch thái dương lớn nằm ở một bên đầu. Tình trạng này có thể dẫn đến cơn đau thái dương nghiêm trọng và có thể trở thành trường hợp khẩn cấp y tế nếu không được điều trị. Các triệu chứng thường gặp của viêm động mạch thái dương bao gồm:
+ Nhức đầu và nhói ở thái dương, một bên hoặc phía sau đầu, thường chỉ ở một bên
+ Đau hàm khi nói chuyện hoặc nhai
+ Vấn đề về thị lực
+ Đau khi chạm vào da đầu
+ Đau nhức cơ bắp ở cánh tay
+ Cứng và đau ở cổ, vai và hông
+ Mệt mỏi
+ Sốt
- Đau nửa đầu sau (Đau đầu Cervicogenic)
Đau nửa đầu sau là tình trạng chèn ép dây thần kinh ở cổ do chấn thương, dị tật hoặc viêm khớp cột sống trên. Cùng với tình trạng đau thái dương, đau nửa đầu sau có thể gây ra các triệu chứng khác như:
+ Đau ở mặt hoặc một bên đầu
+ Đau quanh mắt, cổ, vai và cánh tay
+ Buồn nôn và ói mửa
+ Mờ mắt
+ Nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh
Nếu đau nửa đầu sau không được điều trị, chúng có thể trở nên trầm trọng hơn và khiến bạn suy nhược.
- Rối Loạn Khớp Thái Dương Hàm (TMJ)
Rối loạn khớp thái dương hàm - TMJ có thể gây đau thái dương do các vấn đề với khớp hàm. Những cơn đau đầu này thường đi kèm với các triệu chứng khác như:
+ Đau và cứng ở hàm
+ Đau lan lên mặt, thái dương và cổ
+ Tiếng kêu lạo xạo
+ Khả năng vận động của hàm hạn chế và khó nhai
+ Ù tai hoặc mất thính lực; chóng mặt
+ Những thay đổi về độ thẳng hàng của răng
- Nhiễm trùng hoặc khối u
Nhiễm trùng như viêm xoang, viêm màng não hoặc viêm tai, có thể gây đau thái dương do viêm và áp lực ở các khu vực xung quanh.
Mặc dù hiếm, nhưng khối u ở vùng đầu hoặc cổ có thể gây đau thái dương. Nếu bạn đang trải qua cơn đau đầu dai dẳng hoặc nghiêm trọng, điều quan trọng là phải thăm khám bác sĩ để loại trừ bất kỳ tình trạng nền nghiêm trọng nào.
2. Cách điều trị đau đầu liên tục ở thái dương
Việc điều trị và giảm bớt cơn đau đầu ở thái dương sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
- Điều trị chứng đau đầu do căng cơ
Có một số chiến lược để kiểm soát cơn đau và sự khó chịu của hầu hết các cơn đau đầu do căng cơ:
+ Thuốc giảm đau không cần toa (OTC): Cơn đau căng cơ nhẹ thường có thể được giảm nhẹ bằng các loại thuốc giảm đau không cần toa như acetaminophen, aspirin, hoặc ibuprofen.
+ Thuốc theo toa: Trong trường hợp nghiêm trọng hoặc đau căng cơ mạn tính, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc như thuốc giãn cơ hoặc tricyclic antidepressants để quản lý cơn đau.
+ Phương pháp thay thế: Một số người tìm thấy sự giảm nhẹ từ cơn đau căng cơ thông qua các liệu pháp thay thế như châm cứu, massage.
- Điều trị chứng đau nửa đầu
Chứng đau nửa đầu có thể khó kiểm soát và không có cách chữa trị dứt điểm cho tình trạng này. Ngoài các phương pháp kỹ thuật thư giãn và thay đổi lối sống, một số biện pháp khác có thể giúp kiểm soát chứng đau nửa đầu:
+ Sử dụng thuốc ngăn chặn cơn đau: Thuốc dùng để ngăn chặn chứng đau nửa đầu có tác dụng tốt nhất khi dùng khi có dấu hiệu đầu tiên của cơn đau nửa đầu sắp xảy ra - ngay khi các triệu chứng đau nửa đầu bắt đầu.
Các loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị bao gồm: thuốc giảm đau không kê đơn hoặc kê đơn bao gồm aspirin hoặc ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác). Thuốc triptan, lasmiditan, Gepants (rimegepant và ubrogepant ), Dihydroergotamine (prochlorperazine) và thuốc chống nôn (metoclopramide ).
+ Sử dụng thuốc phòng ngừa: Thuốc phòng ngừa nhằm mục đích giảm tần suất bạn bị đau nửa đầu, mức độ nghiêm trọng của các cơn đau và thời gian chúng kéo dài. Các loại thuốc có thể bao gồm: thuốc hạ huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh,...
Lưu ý: Việc sử dụng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ. Đối với các trường hợp bị đau nửa đầu nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Điều trị viêm động mạch thái dương
Ngoài việc kiểm soát triệu chứng, điều trị viêm động mạch thái dương còn tập trung vào việc giảm viêm xung quanh động mạch thái dương. Corticosteroid đường uống như prednisone được kê đơn đầu tiên, sau đó thêm vào một loại thuốc khác là Actemra (tocilizumab).
Nhìn chung, người bị viêm động mạch thái dương cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị sớm theo chỉ định của bác sĩ để ngăn chặn các biến chứng xảy ra.
3. Một số biện pháp tại nhà giúp giảm đau đầu ở thái dương
Bên cạnh việc điều trị từ thuốc, một số biện pháp tại nhà có thể giúp giảm các cơn đau đầu ở thái dương một cách hiệu quả:
- Nghỉ ngơi đúng mức: Khi bị đau đầu, bạn nên nghỉ ngơi bằng cách ngủ, ngồi nhâm nhi một vài tách trà như trà gừng. Gừng có chứa chất chống oxy hóa và chất chống viêm cũng như hữu ích trong việc giảm đau đầu.
Tuy nhiên ngủ quá nhiều có thể là nguyên nhân gây ra các cơn đau nửa đầu, do vậy bạn vẫn nên duy trì thói quen ngủ như bình thường. Ví dụ, duy trì việc ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm, nếu có thói quen ngủ trưa bạn có thể ngủ 30 phút.
- Thư giãn: Các kỹ thuật quản lý stress, như bài tập thở sâu, thiền, hoặc yoga, có thể giúp giảm cơ bắp căng thẳng và giảm tần suất của cơn đau căng cơ.
- Bổ sung các thực phẩm giàu magie: Những thực phẩm giàu khoáng chất magie có thể giúp giảm đau đầu như quả hạnh, đậu đen, hạt chia và hạt bí ngô, rau chân vịt,...
- Chườm lạnh: Chườm lạnh lên cổ hoặc vùng đầu sẽ làm giảm viêm, làm chậm dẫn truyền thần kinh và co thắt mạch máu, tất cả đều có thể giúp giảm đau đầu. Bạn có thể sử dụng khăn lạnh chườm vào sau gáy, đầu hoặc thái dương để giảm đau.
- Uống đủ nước: Mất nước là một trong những nguyên nhân gây đau đầu. Vì vậy, bạn nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày, trong đó bao gồm nước lọc, nước ép trái cây, canh,...
- Tránh thực phẩm chứa nhiều histamine: Vì những thực phẩm này có thể gây ra chứng đau nửa đầu ở những người nhạy cảm. Pho mát, thực phẩm lên men, bia, rượu vang, cá hun khói và thịt ướp muối là những thực phẩm có chứa histamine.
- Khuếch tán tinh dầu: Tinh dầu bạc hà, hoa oải hương và bạch đàn đặc biệt hữu ích khi bạn bị đau đầu. Vì vậy, bạn có thể khuếch tán tinh dầu này trong nhà hoặc phòng.
- Massage da đầu: Massage da đầu sẽ giúp giảm đau bằng cách giúp giảm căng thẳng và thúc đẩy quá trình tuần hoàn mạnh mẽ hơn. Bạn có thể lấy tay day và xoa ở các vùng thái dương, đỉnh đầu, sau gáy.
4. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Mặc dù hầu hết các cơn đau đầu đều không cần nhập viện nhưng nếu gặp các triệu chứng sau, bạn nên gọi cấp cứu ngay:
+ Cơn đau đầu của bạn khởi phát rất nhanh.
+ Cơn đau trở nên nghiêm trọng mà bạn chưa từng bị bao giờ
+ Cơn đau ngày càng nặng hơn trong khoảng thời gian 24 giờ.
+ Sốt và cứng cổ
+ Mất khả năng phối hợp cơ và chân tay
+ Mất thăng bằng
+ Khó nhai, nuốt hoặc nói
Tóm lại, đau đầu liên tục ở thái dương hầu hết do các cơn đau nửa đầu hoặc đau đầu do căng cơ. Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn nhưng việc duy trì lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp tăng cường sức khoẻ và giảm thiểu nguy cơ đau nhức đầu.