Đau gót chân là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị cần biết

QN
31/05/2021 - 13:50
Đau gót chân là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị cần biết
Đau gót chân là triệu chứng rất thường gặp do nhiều bệnh lý khác nhau, có thể phản ánh một vấn đề nhẹ nhưng đôi khi cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng nguy hiểm.

Đau gót chân là một triệu chứng bất thường khá thường gặp trong cuộc sống. Tuy rằng là một triệu chứng đơn giản, nhưng đôi khi đau gót chân có thể là dấu hiệu phản ánh cho một tình trạng bệnh lý phức tạp mà bệnh nhân đang gặp phải.

Vậy nguyên nhân gây đau gót chân là bệnh gì và cách khắc phục đau gót chân như thế nào?

1. Đau gót chân là biểu hiện của bệnh gì?

Như đã nói, đau gót chân có thể là biểu hiện triệu chứng của rất nhiều bệnh lý khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp. Sau đây là một số nguyên nhân gây đau gót chân thường thấy trên thực tế:

1.1. Viêm cân gan bàn chân

Gan bàn chân (hay còn gọi là lòng bàn chân) của con người có chứa một dải mô xơ bám từ các xương bàn chân đến xương gót. Dải cân gan bàn chân này có nhiệm vụ giúp bàn chân có độ nhún khi hoạt động, duy trì độ cong của mặt gan bàn chân và có tác dụng đệm để giảm tác dụng lực lên các xương bàn chân khi vận động.

Dưới các nguyên nhân như cân gan bàn chân bị căng quá mức, rách,... khiến cho cân gan bàn chân bị tổn thương và dẫn đến hậu quả là viêm cân gan bàn chân. Khi này, đau gót chân là một triệu chứng rất thường gặp phải.

Tuy rằng, viêm cân gan bàn chân có thể xảy ra ở tất cả các đối tượng khác nhau, nhưng các đối tượng sau đây được ghi nhận dường như có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, chẳng hạn:

- Người tiểu đường

- Phụ nữ mang thai

- Người béo phì

- Vận động viên điền kinh, bóng chuyền

- Người có lòng bàn chân bẹt (phẳng).

1.2. Gai gót chân

Cùng với sự tăng lên của tuổi tác, canxi dần lắng đọng ở các tổ chức xung quanh xương gót tạo nên các gai xương mới, gọi là gai gót chân. Vị trí thường gặp của gai gót chân là ở rìa vùng sụn tiếp giáp của xương gót chân với các xương khác. Các tình trạng căng thẳng hoặc áp lực cao ở bàn chân diễn ra liên tục như béo phì, vận động viên, viêm cân bàn chân,... có thể thúc đẩy gai gót chân xảy ra dễ dàng hơn. Các gai xương mới khi hình thành sẽ tác động và có thể gây tổn thương những cấu trúc ở cạnh nó khi bệnh nhân vận động. Hậu quả là bệnh nhân cảm thấy đau ở gót chân.

Do sự lắng dọng canxi để hình thành các gai xương mới cần trải qua thời gian dài, do đó nó thường hay xảy ra ở người cao tuổi hơn là những người trẻ tuổi. Người ta thấy rằng tình trạng căng thẳng kéo dài ở bàn chân như người béo phì, vận động viên, hoặc viêm cân gan bàn chân kéo dài,... đều có thể là yếu tố thúc đẩy gai gót chân xảy ra sớm hơn.

Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp bị gai gót chân đều bị đau gót chân. Có những trường hợp bệnh nhân dù có gai gót chân nhưng lại không hề đau gót chân, chỉ đến khi các gai xương đủ dài và chèn ép, hoặc các tổn thương mà gai xương gây ra là đáng kể thì đau gót chân mới xảy ra.

1.3. Viêm bao hoạt dịch

Bao hoạt dịch là một cấu trúc đặc biệt giữa hai diện khớp của hai xương liền kề nhau, chứa đựng dịch khớp giúp bôi trơn và làm cho các khớp trượt lên nhau dễ dàng hơn. Các tổn thương do chấn thương, bất thường cấu trúc bàn chân, di chuyển không thích hợp,... có thể là nguyên nhân gây nên viêm bao hoạt dịch trên thực tế.

Bao hoạt dịch bị viêm giải phóng ra các chất trung gian hóa học gây đau, đồng thời nó cũng là ảnh hưởng đến sự vận động của khớp khiến bệnh nhân cảm thấy đau khi tăng khi vận động.

1.4. Viêm gân gót

Gân gót (gân Achilles) là gân bám vào xương gót chân của bệnh nhân. Do đó, khi viêm gân gót chân sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy đau gót chân. Trong hầu hết các trường hợp, viêm gân gót là hậu quả của các nguyên nhân là hoạt động quá sức, chạy nhảy nhiều, mang giày với phần sau quá chật gây chèn ép liên tục gân gót,... Các nguyên nhân gây viêm gân gót ít gặp hơn ta có thể kể đến như bệnh gout, bệnh viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp,...

Đau gót chân là bệnh gì? Những điều cần biết về đau gót chân - Ảnh 1.

Viêm gân gót là một nguyên nhân gây đau gót chân khá thường gặp (Ảnh: Internet)

1.5. Gãy xương

Gãy xương gót là một chấn thương không hiếm gặp, xảy ra sau một chấn thương mạnh hoặc cũng có thể là hậu quả của một tình trạng gãy xương sau một chuỗi các tổn thương nhỏ nhưng kéo dài (gãy xương do mỏi).

Đây là một tình trạng cấp cứu, khi xảy ra bệnh nhân có biểu hiện đau gót chân dữ dội, mất khả năng chịu lực của bàn chân, kèm theo đó có các biểu hiện khác của gãy xương như gót chân biến dạng, bầm tím, sưng nề,...

1.6. Bong gân

Bong gân là tình trạng các dây chằng bị tổn thương dẫn đến giãn quá mức, bị rách một phần hoặc đứt hoàn toàn sau chấn thương. Khi này sự tổn thương các dây chằng sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy đau gót chân. Ngoài ra, còn có thể có sưng nề, bầm tím, tại vùng gót chân. Bong gân vùng gót chân chân có thể xảy ra kèm theo hoặc không xảy ra kèm theo với gãy xương gót.

1.7. Chấn thương mô mềm vùng gót chân

Các chấn thương xảy ra tại các mô mềm vùng gót chân khiến các mô này bị tổn thương và gây đau gót chân. Ngoài đau gót chân là triệu chứng chủ yếu thì các chấn thương còn có thể gây nên bầm tím, sưng nề, hoặc các vết rách ở vùng gót chân.

1.8. Chèn ép thần kinh

Chèn ép thần kinh cũng là một nguyên nhân gây đau gót chân khá phổ biến mà bạn có thể gặp, đặc biệt là khi chèn ép xảy ra trên các dây thần kinh nhận cảm giác ở vùng gót chân bị chèn ép. Các nguyên nhân gây chèn ép thần kinh dẫn đến đau gót chân chủ yếu là hội chứng ống cổ chân, các chấn thương lớn như gãy xương, bong gân, trật khớp,...

2. Đau gót chân có nguy hiểm hay không?

Đau gót chân có thể biểu hiện của rất nhiều nguyên nhân khác nhau, do đó để trả lời cho câu hỏi đau gót chân có nguy hiểm hay không thì ta cần dựa vào nguyên nhân gây đau gót chân là bệnh gì.

Nếu đau gót chân do các tình trạng bệnh lý nhẹ hoặc do các chấn thương nhẹ gây nên thì nó thường không phải là một triệu chứng quá nguy hiểm. Nhưng nếu nó gây nên bởi các nguyên nhân như gãy xương, chèn ép thần kinh,... thì lại là một vấn đề nghiêm trọng cần phải được giải quyết sớm để tránh để lại biến chứng về sau.

Ngoài ra, đau gót chân khiến bệnh nhân không cảm thấy rất khó chịu khi vận động, giảm khả năng lao động và sinh hoạt bình thường của người bệnh. Vì vậy có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Đau gót chân kéo dài khiến bệnh nhân phải thường xuyên vận động ở các tư thế không thích hợp, về lâu dài sẽ có thể gây nên các biến dạng xương (xương bàn chân, xương cột sống) hoặc tổn thương các khớp,...

3. Điều trị đau gót chân

Để quyết định phương pháp điều trị đau gót chân, bác sĩ sẽ cần dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, gồm điều trị bảo tồn và điều trị phẫu thuật. Trong đó yếu tố quyết định chủ yếu là mức độ các tổn thương nguyên nhân gây ra đau gót chân.

Đau gót chân là bệnh gì? Những điều cần biết về đau gót chân - Ảnh 2.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau gót chân là bệnh gì và mức độ tổn thương mà sẽ có các phương pháp điều trị đau gót chân khác nhau (Ảnh: Internet)

3.1. Điều trị bảo tồn

Điều trị bảo tồn bệnh nhân được áp dụng trong hầu hết các trường hợp đau gót chân. Ưu điểm của phương pháp này là rẻ tiền và dễ thực hiện, nhưng thời gian điều trị thường kéo dài khá lâu và thường ít hữu ích với các bệnh lý đau do tổn thương cấu trúc nặng như gãy xương, gai xương, bong gân độ 3,...

- Thuốc giảm đau kháng viêm không Steroid có thể được dùng để giảm đau và sưng nề ở gót chân. Nếu bệnh nhân kém đáp ứng thì có thể cho sử dụng các thuốc Corticoid nhưng cần thận trọng.

- Sử dụng băng ép có thể giúp giảm sưng nề ở gót chân, đồng thời cũng giúp giảm đau cho bệnh nhân, hỗ trợ khi bệnh nhân vận động,...

- Các bài tập vật lý trị liệu có thể được chỉ định để hồi phục lại khả năng vận động bình thường của bàn chân, giảm đau cho bệnh nhân,...

- Ngoài ra bệnh nhân còn có thể được chỉ định sử dụng các loại dụng cụ khác nhau nếu cần thiết chẳng hạn như dụng cụ tạo độ vòm cho gan bàn chân,...

- Nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế thực hiện các động tác khiến gót chân phải chịu lực tác động lớn.

- Chườm nóng, chườm lạnh có thể giúp giảm đau đáng kể trong các trường hợp đau nhẹ.

3.2. Phẫu thuật

Phẫu thuật thường là phương pháp được lựa chọn khi điều trị nội khoa không hiệu quả, hoặc trong các trường hợp có các tổn thương cấu trúc lớn tiên lượng không thể giải quyết bằng điều trị bảo tồn thông thường như gãy xương, bong gân độ 2 hoặc độ 3,...

4. Phòng tránh đau gót chân như thế nào?

Không có biện pháp nào có thể đảm bảo chắc chắn sẽ khiến bạn có thể phòng tránh hoàn toàn khả năng đau gót chân xảy ra. Nhưng bạn có thể làm giảm đang kể nguy cơ đau gót chân nếu áp dụng hợp lý các biện pháp sau đây:

- Đi giày có kích cỡ vừa với bàn chân.

- Khởi động kỹ trước khi luyện tập thể dục thể thao.

- Nên luyện tập thể dục thể thao, lao động với cường độ vừa phải, bắt đầu với cường độ nhẹ sau đó tăng dần cường độ theo thời gian.

- Có chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý.

- Nghỉ ngơi khi cảm thấy đau cơ bắp hoặc gót chân để tránh các tổn thương gây đau tiến triển nặng hơn và đau nhiều hơn.

- Điều trị tốt các bệnh lý nền có thể làm tăng nguy cơ gây đau gót chân như đái tháo đường, gout, viêm khớp dạng thấp,...

Qua đây ta thấy rằng đau gót chân là triệu chứng có thể gây nên bởi rất nhiều bệnh lý khác nhau. Nếu không được quan tâm đúng mức thì có thể gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và để lại nhiều biến chứng về sau.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm