Như báo PNVN đã thông tin, để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến KĐT mới Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội), UBND phường Ngọc Thụy đã đề xuất “cải tạo” nghĩa trang Bãi Xém để quy tập hơn 2000 ngôi mộ nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng về đây. Thế nhưng, dự án chưa được triển khai đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân.
Theo các hộ dân 6 tổ dân phố (từ tổ 33 đến tổ 38) thuộc cụm dân cư phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy, gọi là dự án “Cải tạo nghĩa trang” nhưng thực chất là một cách để chính quyền địa phương lách luật. Theo đó, nơi “cải tạo” nghĩa trang chưa từng tồn tại nghĩa trang nào.
Người dân tụ tập phản đội dự án "cải tạo" nghĩa trang Bãi Xém |
Việc dự định đưa hàng nghìn hài cốt vào gần khu dân cư đông đúc, gần trường học và gần cả trạm cấp nước cho hàng nghìn hộ dân đã không được người dân chấp thuận. Ngày 14/10, hàng trăm người dân đã bỏ cả công việc để tụ tập phản đối việc “cải tạo” nghĩa trang Bãi Xém.
Ông Nguyễn Quốc Văn, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy, cho biết: “Phần đất Bãi Xém từ xa xưa vốn là nghĩa trang rộng đến 5 ha, gọi đúng là bãi tha ma. Tuy nhiên, trước đây mộ không được xây, mộ toàn bằng đất nên theo thời gian, quá trình lũ lụt, bồi lở nên toàn bộ mộ tại nghĩa trang này đã bị cuốn trôi hoặc vùi lấp. Tôi khẳng định Bãi Xém từng là nghĩa trang”.
Tuy nhiên, ông Văn thừa nhận, việc khẳng định Bãi Xém từng là nghĩa trang chỉ là thông qua lời kể lại. Phường Ngọc Thụy không có tài liệu gì để chứng minh trước đây Bãi Xém từng là nghĩa trang.
Không tìm thấy chứng cứ gì để nói Bãi Xém từng là nghĩa trang |
Tại buổi làm việc với PV vào sáng ngày 15/11, ông Văn cho biết: Khu vực Bãi Xém rộng 8 ha nhưng dự án “cải tạo nghĩa trang” chỉ lấy 1 ha trong số đó. Số đất bị lấy là của 31 hộ dân đã được chính quyền giao đất nông nghiệp trước đó. Tất cả các hộ dân đã đồng ý “hiến” đất và chính quyền “hỗ trợ” lại cho người dân với số tiền 10 tỷ đồng. Đây là nguồn tiền xã hội hóa, các hộ dân cũng đã nhận tiền”.
Tiến hành thu hồi đất dưới dạng “hiến” và chính quyền “hỗ trợ” lại tiền. Trong khi đó phường Ngọc Thụy lại không chứng minh được Bãi Xém từng là nghĩa trang. Dư luận đặt câu hỏi, liệu đây có phải là một cách để lách luật? Việc người dân cho rằng, dự án “cải tạo” thực chất là xây mới nghĩa trang Bãi Xém không phải là không có cơ sở.
Một điều kỳ lạ nữa là trong tất cả các văn bản của Sở quy hoạch – Kiến trúc, Sở xây dựng, Sở NN&PTNT gửi UBND TP. Hà Nội, các văn bản này luôn nhắc đến cụm từ “Nghĩa trang Bãi Xém hiện có”, "Nghĩa trang hiện có tại Bãi Xém".
Thực tế theo quan sát của Pv, Bãi Xém hiện là cánh đồng hoa màu bạt ngàn, xanh tốt, không hiểu căn cứ vào đâu để các Sở khẳng định nơi đây “hiện có” nghĩa trang tại đây. Lãnh đạo phường Ngọc Thụy chủ quan khi khẳng định: “Chắc chắn dưới cánh đồng ngô Bãi Xém, còn rất nhiều ngôi mộ”. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là phỏng đoán, bởi hiện tại mới có duy nhất một hộ dân trong địa phương nói rằng có mộ người thân ở đó.
Người dân khẳng định, Bãi Xém chưa từng tồn tại nghĩa trang |
Hơn nữa, trước khi quyết định “cải tạo” nghĩa trang Bãi Xém, nếu khẳng định phía dưới đất có nhiều mộ vậy tại sao các cơ quan chức năng không tiến hành khảo sát? Từ sự suy đoán thiếu căn cứ đã vội vàng cho ra đời dự án “cải tạo" nghĩa trang là rất khó hiểu.
Vì sao việc “cải tạo” nghĩa trang bãi Xém, nghĩa là đã có nghĩa trang cũ mà lại phải “hỗ trợ” để có mặt bằng lên đến con số 10 tỷ đồng? Những ai đã nhận được tiền hỗ trợ, số tiền đó từ ngân sách Nhà nước hay xã hội hóa?
Báo PNVN sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.