Dấu hiệu và cách phòng ngừa bệnh viêm mao mạch dị ứng

Mai Nhung
11/03/2020 - 14:28
Dấu hiệu và cách phòng ngừa bệnh viêm mao mạch dị ứng
Viêm mao mạch dị ứng là bệnh lý liên quan đến mạch máu, chủ yếu ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em và biến mất mà không gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nguyên nhân gây viêm mao mạch vẫn chưa được hiểu rõ ràng, nhưng các nhà khoa học nghi ngờ nó liên quan đến hệ thống miễn dịch.

1. Bệnh viêm mao mạch dị ứng là gì?

Bệnh viêm mao mạch còn được gọi là Viêm mạch IgA, hội chứng ban xuất huyết Henoch-Schonlein (HSP). Đây là một rối loạn tự miễn dịch gây viêm và rò rỉ máu trong các mạch máu nhỏ.

Bệnh được đặc trưng bởi sự lắng đọng bất thường của iimmunoglobulin A (IgA) trong mạch máu. IgA là một dạng kháng thể mà cơ thể tạo ra để bảo vệ niêm mạc đường thở, cổ họng và ruột. Nếu IgA bị kẹt trong các mạch máu nhỏ, nó sẽ gây viêm.

Viêm mao mạch được coi là bệnh hệ thống vì các tổn thương có tính lan tỏa ra nhiều cơ quan trong cơ thể như các mạch máu nhỏ dưới da, mạch máu ở ruột, thận và khớp của bệnh nhân.

2. Triệu chứng bệnh viêm mao mạch dị ứng

Các dấu hiệu thường bắt đầu đột ngột và tiến triển sau nhiều ngày. Tùy vào vị trí mạch máu bị viêm mà các triệu chứng có thể xuất hiện ở một vài khu vực, hoặc toàn thân.

2.1. Triệu chứng ở da

Các mạch máu nhỏ bị viêm mà xuất huyết sẽ dẫn đến triệu chứng phát ban ở da. Các nốt ban có thể màu hồng, đỏ hoặc tím. Vị trí phát ban thường gặp là chân, tay, đùi, mông. Ít gặp ở vùng thân mình, hiếm khi gặp ở mũi, tai, bộ phận sinh dục ngoài.

Ảnh 2.

Viêm mao mạch dị ứng ở tay (Ảnh: Internet)

Các vết phát ban này có dạng chấm, nốt, dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường. Khi sờ vào nốt ban có thể cảm nhận được nốt ban nổi gờ cao hơn mặt da. Các nốt phát ban không gây ngứa.

2.2. Triệu chứng ở khớp

Bệnh nhân có thể cảm thấy bị đau khớp, hạn chế cử động, phù quanh khớp, đôi khi là đau gân. Nếu kiểm tra y tế có thể phát hiện ra viêm khớp mức độ trung bình. Các tổn thương khớp thường đối xứng.

2.3. Triệu chứng đường tiêu hóa

Bệnh nhân thường bị đau bụng quanh rốn, có thể đau thượng vị lan tỏa hoặc khu trú. Các cơn đau thường âm ỉ, liên tục, đau hơn khi dùng tay ấn vào bụng. Đau bụng có thể đi kèm với buồn nôn và nôn.

Các mạch máu bị viêm và rò rỉ còn gây các dấu hiệu như nôn ra máu, đi ngoài ra phân đen hoặc phân có máu đỏ tươi. Xuất huyết tiêu hóa sẽ kèm theo các cơn đau bụng dữ dội.

2.4. Triệu chứng thận

Nếu các mạch máu ở thận bị viêm và xuất huyết thì có thể gây ra các triệu chứng ở thận như nước tiểu có màu đỏ hoặc nâu, thậm chí thấy cục máu đông trong nước tiểu. Chức năng thận suy giảm có thể gây ra các dấu hiệu như phù chân tay, phù mặt.

Trong kiểm tra y tế, các triệu chứng thận là protein niệu và đái máu vi thể, viêm thận cấp, viêm cầu thận tiến triển nhanh,...

2.5. Các triệu chứng hiếm gặp khác

- Tinh hoàn sưng và đau, có các triệu chứng của viêm tinh hoàn.

- Mắt đỏ, xuất huyết đáy mắt, viêm mạch võng mạc.

lieu-mat-do-co-phai-chi-la-dau-hieu-của-benh-viem-ket-mac-3

Mắt đỏ và xuất huyết là triệu chứng hiếm gặp của viêm mao mạch dị ứng (Ảnh: Internet)

- Bệnh nhân có thể bị đau đầu, khó tập trung, rối loạn hành vi.

3. Nguyên nhân

3.1. Nguyên nhân gây bệnh viêm mao mạch dị ứng là gì?

Nguyên nhân gây viêm mao mạch dị ứng có liên quan đến các rối loạn tự miễn. Mặc dù nguyên nhân sâu xa của bệnh chưa được biết đến rõ ràng, nhưng các nhà khoa học cho rằng, các yếu tố môi trường như virus, vi khuẩn, dị ứng thực phẩm, phản ứng với thuốc,... có thể là yếu tố làm tình trạng viêm mao mạch khởi phát:

- Viêm mao mạch dị ứng có thể được kích hoạt bởi một phản ứng với thuốc. Các loại thuốc phổ biến liên quan đến viêm mao mạch dị ứng bao gồm: thuốc kháng sinh như penicillin và sulfa, thuốc huyết áp, thuốc chống động kinh như phenytoin, thuốc điều trị bệnh gut như allopurinol,....

- Nhiễm vi khuẩn mãn tính hoặc virus cũng có thể gây ra viêm mao mạch dị ứng. Các loại virus có thể kể đến là virus HIV, viêm gan B, và viêm gan C. Viêm mao mạch dị ứng là bệnh thứ phát cấp tính sau nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng cổ họng, ngực hoặc viêm dạ dày ruột.

- Các tác nhân gây dị ứng như thức ăn, thuốc, hóa chất,... khi tiếp xúc với cơ thể khiến cơ thể phản ứng và gây viêm.

3.2. Những đối tượng có nguy cơ cao bị viêm mao mạch dị ứng

- Viêm mao mạch dị ứng có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao nhất. Nó ảnh hưởng đến cả hai giới như nhau. Có đến 50% bệnh nhân viêm mao mạch dị ứng là dưới 5 tuổi. Tuổi trung bình của bệnh nhân mắc viêm mao mạch dị ứng là 5,9 tuổi.

- Những người mắc các bệnh rối loạn miễn dịch khác như lupus, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjogren, bệnh viêm ruột,...

- Bệnh nhân ung thư có hệ miễn dịch bị suy giảm trầm trọng cũng có nguy cơ bị viêm mao mạch dị ứng.

4. Chẩn đoán

Chẩn đoán viêm mao mạch dị ứng không có xét nghiệm cụ thể nào mà chủ yếu dựa và các triệu chứng lâm sàng như phát ban, đau khớp, dấu hiệu tiêu hóa, triệu chứng thận,...

Đôi khi bác sĩ cũng có thể thực hiện xét nghiệm máu và nước tiểu, thậm chí sinh thiết da hoặc thận để kết luận vấn đề chính xác hơn. Xét nghiệm máu và nước tiểu có thể cho thấy bằng chứng viêm. Sinh thiết da hoặc thận có thể giúp tìm kháng thể IgA trong mô.

Điều quan trọng là viêm mao mạch dị ứng có triệu chứng phát ban rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác như bệnh giảm tiểu cầu, bệnh tan máu, bệnh truyền nhiễm, bệnh u hạt Wegener, hội chứng Churg-Strauss, viêm đa giác mạc vi thể, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, bệnh huyết sắc tố hỗn hợp và bệnh Buerger - một loại viêm mạch khác. Chính vì vậy, các bác sĩ cần thực hiện nhiều xét nghiệm chẩn đoán phân biệt.

5. Phương pháp điều trị

Hầu hết các trường hợp biến mất trong vòng vài tuần mà không cần điều trị. Khi cần thiết, các phương pháp điều trị nhằm mục đích giảm triệu chứng.

- Chăm sóc hỗ trợ: Bác sĩ thường yêu cầu bạn nghỉ ngơi và chú ý sinh hoạt trong 1 - 2 tháng. Trong thời gian này bệnh nhân cần ăn nhẹ, chia nhiều bữa, uống đủ nước.

Ảnh 4.

Hãy nhớ uống đủ nước khi bị viêm mao mạch dị ứng (Ảnh: Internet)

- Thuốc: Thuốc điều trị viêm mao mạch dị ứng thường bao gồm thuốc giảm đau và kháng viêm. Không nên sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) ở những người có triệu chứng thận. Những bệnh nhân có triệu chứng thận có thể cần dùng đến thuốc ức chế miễn dịch. Đôi khi bác sĩ có thể chỉ định thêm một số loại thuốc bổ trợ như thuốc chống co thắt đường tiêu hóa, thuốc kháng histamin.

- Nhập viện theo dõi: Cần nhập viện cho những người bị mất nước, suy nhược, đau khớp nặng làm hạn chế khả năng di chuyển, xuất huyết tiêu hóa đáng kể. Thận bị ảnh hưởng nặng nề thì bệnh nhân có thể phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

Trong một số trường hợp, bệnh tái phát, đôi khi nhiều hơn một lần. Do đó, người bệnh vẫn cần quan sát và duy trì lối sống khoa học để tránh bệnh quay lại.

6. Biến chứng của bệnh viêm mao mạch dị ứng là gì?

Hầu hết các trường hợp viêm mao mạch dị ứng xảy ra ở trẻ em sẽ biến mất mà không gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hoặc lâu dài. Bệnh tuy ít phổ biến hơn ở người lớn nhưng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn, điển hình là bệnh thận mãn tính và suy thận.

- Nếu không kiêng cữ kỹ, các nốt phát ban có thể bị hoại tử, bầm máu và bọng nước, gây đau rát, nhiễm trùng, hình thành nốt thâm sẹo.

- Nếu viêm mạch máu nhỏ ở cơ tim có thể dẫn đến loạn nhịp tim, suy tim sung huyết, viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim,...

- Nếu viêm mạch máu não cơ thể dẫn đến chảy máu màng não, co giật hoặc hôn mê.

- Có đến 5% bệnh nhân viêm mao mạch dị ứng bị biến chứng lồng ruột cấp. Đây là biến chứng trầm trọng nhất của tổn thương đường tiêu hoá. Ngoài ra bệnh nhân còn có thể bị tắc ruột, nhồi máu, hoặc thủng đại tràng, giãn đại tràng.

- Viêm mao mạch dị ứng cũng có thể gây viêm tụy cấp.

- Xuất huyết trong các phế nang phổi là biến chứng rất hiếm gặp, nhưng nó thường mang lại hậu quả rất nặng nề như tràn dịch màng phổi.

7. Phòng tránh

Nguyên nhân chính xác của viêm mao mạch dị ứng vẫn chưa được biết, nên các biện pháp phòng tránh chủ yếu là cách ly khỏi các tác nhân gây khởi phát bệnh. Cụ thể:

- Vệ sinh nơi ở và vệ sinh thân thể sạch sẽ để tránh bị lây nhiễm virus, vi khuẩn, đặc biệt là tránh nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Ảnh 5.

Vệ sinh thân thể sạch sẽ tránh lây nhiễm virus hay vi khuẩn (Ảnh: Internet)

- Nếu bị dị ứng, bệnh nhân cần chủ động cách ly bản thân khỏi các tác nhân gây dị ứng. Bạn cũng có thể hỏi bác sĩ về các phương pháp khắc phục phản ứng dị ứng.

- Tất cả các loại thuốc chỉ nên sử dụng khi có sự chỉ định và giám sát của bác sĩ.

- Tập thể dục thể thao và duy trì lối sống lành mạnh để nâng cao hệ miễn dịch, nhất là đối tượng trẻ em.

8. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm mao mạch dị ứng

8.1. Nên ăn gì?

- Thực phẩm kháng viêm: trà xanh, tỏi, nghệ, các loại gia vị,....

- Thực phẩm giúp lưu thông mạch máu: cá nước lạnh như cá hồi và cá thu, cam, sô cô la đen,...

- Thực phẩm giàu chất xơ hòa tan đặc biệt thích hợp cho những bệnh nhân bị viêm mao mạch dị ứng đường tiêu hóa: yến mạch, lúa mạch, các loại ngũ cốc, hoa quả và rau củ tươi.

8.2. Kiêng ăn gì?

- Thực phẩm gây viêm: đồ ăn chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt, món ăn nhiều dầu mỡ,...

- Những bệnh nhân bị viêm mao mạch tại thận không nên ăn đồ có nhiều gia vị, thức ăn mặn có nhiều muối,...

- Hạn chế thực phẩm nhiều đạm như hải sản, bò, gà, trứng,...

- Tránh thực phẩm có chứa chất kích thích như cà phê, rượu bia, nước ngọt có ga,...

- Kiêng các loại thức ăn có thể gây dị ứng.

- Không ăn đồ ăn lạ. Nếu muốn thử một món ăn mới thì chỉ nên ăn một lượng nhỏ, theo dõi phản ứng của cơ thể mới tăng dần lượng lên.

9. Các câu hỏi thường gặp

9.1. Bệnh viêm mao mạch dị ứng có lây không?

Đây là bệnh lý tự dị ứng, là kết quả của tình trạng rối loạn tự miễn dịch nên bệnh không có nguy cơ lây lan qua tiếp xúc.

9.2. Viêm mao mạch dị ứng có di truyền không?

Đã có nhiều nghiên cứu về nguyên nhân gây bệnh viêm mao mạch dị ứng. Mặc dù các nguyên nhân vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng kết quả của các nghiên cứu đã cho thấy bệnh viêm mao mạch dị ứng có liên quan đến một số biến thể gen nhất định trong họ gen kháng nguyên bạch cầu của người (HLA).

Đây là nhóm gen mà hệ thống miễn dịch sử dụng để chống lại sự xâm nhập của các tác nhân bên ngoài, cũng như giúp thành lập sự khác biệt giữa các cơ thể. Do vậy, bệnh viêm mao mạch dị ứng có khuynh hướng di truyền.

9.3. Bệnh viêm mao mạch dị ứng có nguy hiểm không?

Viêm mao mạch dị ứng được coi là bệnh lành tính, không nguy hiểm, có thể tự hết trong vài tuần mà không để lại hậu quả gì.

Tuy nhiên nếu không được quan tâm đúng cách, bệnh viêm mao mạch dị ứng có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng như thâm sẹo trên da, tổn thương khớp, tổn thương đường tiêu hóa, bị tổn thương thận vĩnh viễn, chức năng tim phổi bị ảnh hưởng,....

10. Một số hình ảnh về bệnh viêm mao mạch

benh viem mao mach di ung 1

Các mạch máu nhỏ bị viêm mà xuất huyết sẽ dẫn đến triệu chứng phát ban ở da (Ảnh: Internet)

benh viem mao mach di ung 2

Viêm mao mạch dị ứng đôi khi chỉ gây ra vào nốt phát ban khiến bệnh nhân dễ dàng bị bỏ qua (Ảnh: Internet)

benh viem mao mach di ung 4

Viêm mao mạch dị ứng xảy ra ở đường tiêu hóa (Ảnh: Internet)

benh viem mao mach di ung 3

Biến chứng bệnh viêm mao phổ biến nhất là gây mụn mủ, phồng rộp và thâm sẹo trên da (Ảnh: Internet)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm