pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đâu là nguyên nhân khiến cháy rừng lan rộng ở thành phố Los Angeles?
Trực thăng phun nước để dập lửa cháy rừng tại Los Angeles, California, Mỹ
Một nghiên cứu mới về biến đổi khí hậu đã làm sáng tỏ nguyên nhân khiến các vụ cháy rừng tàn khốc hoành hành và gây ra thiệt hại nghiêm trọng tại Los Angeles, Mỹ.
Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Reviews Earth & Environment, hiện tượng ấm lên toàn cầu đã làm gia tăng cả điều kiện ẩm ướt và khô hạn cực đoan, tạo ra điều kiện lý tưởng cho các đám cháy khủng khiếp như ở Palisades và Eaton.
Nghiên cứu có tên gọi "Biến động thủy khí hậu trong môi trường Trái Đất nóng lên" cho thấy quá trình chuyển đổi nhanh chóng giữa điều kiện cực kỳ ẩm ướt và cực kỳ khô hạn đang trở nên thường xuyên và dữ dội hơn do biến đổi khí hậu.
Biến động như vậy thúc đẩy một chu kỳ nguy hiểm khi thảm thực vật phong phú phát triển mạnh trong thời kỳ ẩm ướt trở thành nhiên liệu dễ cháy cao trong những đợt khô hạn tiếp theo.
Tiến sỹ Daniel L. Swain, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết các sự kiện whiplash (thời tiết khắc nghiệt) trung bình trên toàn cầu đã tăng từ 31% lên 66% kể từ giữa thế kỷ 20.
Hiệu ứng whiplash này thể hiện rõ trong các vụ cháy rừng ở Los Angeles khi khu vực này có lượng mưa lớn vào đầu năm, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thảm thực vật. Tuy nhiên, điều kiện nóng và khô ngay sau đó đã biến thảm thực vật đó thành nhiên liệu cháy chính. Những cơn gió Santa Ana mạnh sau đó đã đẩy nhanh sự lan rộng của đám cháy.
Gió Santa Ana mạnh, nóng và cực kỳ khô, thường ảnh hưởng đến Nam California vào mùa Thu và mùa Đông. Những cơn gió này hình thành khi các hệ thống áp suất cao ở Nevada và Utah đẩy không khí lạnh, khô về phía bờ biển California.
Với tốc độ có thể vượt quá 112 km/h, những cơn gió này nhanh chóng làm khô thảm thực vật và làm tăng nguy cơ cháy rừng.
Theo Sở Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California (Cal Fire), đám cháy tại Palisades bùng phát vào ngày 7/1 đã thiêu rụi khu vực có diện tích gần 9.600ha và chỉ mới được kiểm soát 14% diện tích đám cháy. Trong khi đó, đám cháy tại Eaton đã thiêu rụi khu vực có diện tích khoảng 5.700 ha và phá hủy 7.000 công trình.
Tiến sỹ Swain cảnh báo sự biến động thời tiết gia tăng có thể dẫn đến cháy rừng thường xuyên và dữ dội hơn. Nhiệt độ tăng làm tăng khả năng giữ nước của khí quyển, dẫn đến các trận mưa lớn hơn. Đồng thời, nhiệt độ cao hơn cũng đẩy nhanh tốc độ bốc hơi, làm khô thảm thực vật nhanh hơn.
Những tác động kép này đã được thể hiện ở Nam California trong mùa mưa 2022 đến 2023 khi trung tâm thành phố Los Angeles đón lượng mưa lên tới 613mm - cao hơn 308mm so với mức trung bình theo mùa. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/10/2024 đến đầu tháng 1 năm nay, Sân bay Quốc tế Los Angeles mới chỉ ghi nhận lượng mưa 0,8mm, trái ngược hoàn toàn với mùa mưa trước đó.
Khi biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn, các cộng đồng ở những khu vực dễ xảy ra cháy rừng có thể cần phải đánh giá lại các chiến lược chuẩn bị và ứng phó.
Nhiều vòi cứu hỏa đã cạn nước trong cuộc chiến chống “giặc lửa” tại Palisades, buộc lính cứu hỏa phải rút lui và việc thiếu nước đã góp phần gây ra thiệt hại lớn về nhà cửa. Cuộc khủng hoảng này đã phơi bày lỗ hổng nghiêm trọng trong cơ sở hạ tầng và quy hoạch nước của khu vực đô thị Los Angeles.
Các tác giả nghiên cứu cảnh báo nếu không cắt giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính, tần suất và cường độ của các thảm họa do khí hậu gây ra có khả năng sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới.