Đầu tư vào phụ nữ trong kỷ nguyên số vì bình đẳng và phát triển bền vững

TS. Vương Thị Hanh (nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt nam)
19/10/2024 - 09:00
Đầu tư vào phụ nữ trong kỷ nguyên số vì bình đẳng và phát triển bền vững

Kỷ nguyên số mang đến cả cơ hội và thách thức đối với phụ nữ.

Đầu tư vào phụ nữ trong kỷ nguyên số không chỉ thúc đẩy bình đẳng giới mà còn là biện pháp hiệu quả để phát huy tối đa tiềm năng của họ; đồng thời đóng góp vào nền kinh tế số và sự phát triển toàn diện, bền vững của xã hội.

Công nghệ số đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực của xã hội mở ra một cuộc kỷ nguyên số đối với loài người. Kỷ nguyên số không chỉ xoay quanh công nghệ mà còn tập trung vào con người bởi chính họ tạo ra và thúc đẩy sự phát triển cũng như tương lai của kỷ nguyên số.

Tầm quan trọng của việc đầu tư vào phụ nữ trong kỷ nguyên số

Phụ nữ Việt nam hiện nay chiếm 46,7% lực lượng lao động xã hội. Cùng nam giới, phụ nữ là một động lực phát triển đất nước. Vì vậy, việc đầu tư vào phụ nữ trong kỷ nguyên số có ý nghĩa vô cùng quan trọng, có thể nêu một số điểm chính dưới đây:

Thúc đẩy bình đẳng giới trong công nghệ: Đầu tư vào phụ nữ, giúp xóa bỏ rào cản giới tính, tạo điều kiện để họ có thể tham gia và đóng góp trong lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, lập trình, dữ liệu lớn, và nhiều ngành công nghiệp kỹ thuật số khác.

Tăng cường sự tham gia kinh tế của phụ nữ: Được trang bị các kỹ năng số, phụ nữ có thể tham gia vào các lĩnh vực kinh tế có thu nhập cao. Điều đó không chỉ giúp cải thiện đời sống mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP quốc gia.

Giảm khoảng cách số: Đầu tư vào hạ tầng số và đào tạo kỹ năng cho phụ nữ giúp giảm bớt sự chênh lệch số, tạo cơ hội cho họ tiếp cận thông tin và dịch vụ trực tuyến để phát triển bản thân và cộng đồng.

Thúc đẩy sáng tạo và đổi mới: Sự đa dạng giới tính trong các đội ngũ công nghệ mang lại những góc nhìn và cách tiếp cận khác biệt, giúp tạo ra những sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu của tất cả mọi người, không chỉ của một giới.

Hỗ trợ phụ nữ trong khởi nghiệp và đổi mới: Đầu tư vào các chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, giúp doanh nghiêp có thể mang lại những giải pháp kinh doanh mới lạ, tăng cường sự cạnh tranh trong thị trường toàn cầu.

Đóng góp vào phát triển xã hội và cộng đồng: Phụ nữ thường là những người đi đầu trong việc phát triển cộng đồng, và khi họ có cơ hội tham gia vào quá trình chuyển đổi số, họ có thể đóng góp tích cực vào sự phát triển của cộng đồng và xã hội

Đầu tư vào phụ nữ trong kỷ nguyên số vì bình đẳng và phát triển bền vững- Ảnh 1.

Phụ nữ Việt Nam hiện chiếm 47% lực lượng lao động xã hội. Đầu tư cho phụ nữ trong kỷ nguyên số là đầu tư cho sự phát triển bền vững.

 

Kỷ nguyên số: Cơ hội và thách thức đối với phụ nữ

Trong kỷ nguyên số, sự phát triển của công nghệ mang lại nhiều cơ hội đồng thời cũng đặt ra những thách thức đối với phụ nữ.

Công nghệ số mở ra nhiều cơ hội để phụ nữ phát huy năng lực, phát triển sự nghiệp, đó là:

Tiếp cận kiến thức và phát triển kỹ năng số: Công nghệ số tạo cơ hội cho phụ nữ tiếp cận thông tin, kiến thức và phát triển kỹ năng mới, từ việc học trực tuyến đến tham gia các khóa đào tạo, kỹ năng số, khởi nghiệp để phát triển sự nghiệp.

Thúc đẩy sự nghiệp: Nền tảng số mở ra các cơ hội nghề nghiệp mới trong các lĩnh vực công nghệ, tiếp thị kỹ thuật số, thương mại điện tử và quản lý dữ liệu. Điều này giúp phụ nữ tham gia vào thị trường lao động rộng lớn hơn và tiếp cận những việc làm có thu nhập cao.

Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh: Kinh tế số và thương mại điện tử tạo cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp và tiếp cận thị trường mà không cần quá nhiều vốn. Họ có thể xây dựng các doanh nghiệp nhỏ trên nền tảng trực tuyến và tiếp cận thị trường toàn cầu.

Cân bằng công việc và cuộc sống: Công nghệ số tạo cơ hội làm việc từ xa và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến về y tế, giáo dục, hành chính, thương mại điện tử, giúp phụ nữ quản lý thời gian hiệu quả, tạo điều kiện để phụ nữ dễ dàng cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình.

Phát triển mạng lưới kết nối: Sử dụng mạng xã hội và nền tảng trực tuyến phụ nữ có thể kết nối bạn bè, đồng nghiệp, chuyên gia để chia sẻ thông tin, tìm sự hỗ trợ.

Tuy nhiên, sự phát triển của công nghê số cũng đặt ra không ít thách thức đối với phụ nữ, như:

Khoảng cách giới tính trong tiếp cận công nghệ: Dù có những tiến bộ, nhưng không phải phụ nữ nào cũng có cơ hội tiếp cận công nghệ, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, khu vực khó khăn hoặc những nơi thiếu điều kiện hạ tầng số.

Thiếu kỹ năng số: Nhiều phụ nữ chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng số cần thiết để nắm bắt cơ hội từ chuyển đổi số. Điều này làm giảm cơ hội cạnh tranh của phụ nữ trên thị trường lao động, nhất là trong các ngành nghề liên quan đến công nghệ.

Định kiến giới trong ngành công nghệ: Phụ nữ vẫn phải đối mặt với định kiến giới trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), điều đó gây khó khăn trong việc thăng tiến, khẳng định vai trò trong các cơ hội nghề nghiệp liên quan đến công nghệ và doanh nghiệp số.

Hạn chế về tài chính: Phụ nữ thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính cần thiết để đầu tư cho việc học tập hoặc khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Điều này là do bất bình đẳng kinh tế và sự hạn chế trong quyền tiếp cận nguồn vốn.

An ninh mạng và quyền riêng tư: Phụ nữ dễ trở thành nạn nhân của bạo lực trên không gian mạng, với các hành vi quấy rối trực tuyến, tấn công danh dự hoặc xâm phạm quyền riêng tư.

Đầu tư vào phụ nữ trong kỷ nguyên số vì bình đẳng và phát triển bền vững- Ảnh 2.

Đầu tư cho phụ nữ trong kỷ nguyên số cần đến từ nhiều phía.

 

Một số giải pháp đầu tư cho phụ nữ trong kỷ nguyên số

Giáo dục và đào tạo kỹ năng số: Cần triển khai các chương trình giáo dục và đào tạo kỹ năng số chuyên biệt cho phụ nữ, đặc biệt cho các nhóm yếu thế. Đảm bảo phụ nữ nông thôn và các vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận công nghệ và mạng internet để tham gia thị trường lao động.

Khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực STEM: Chính phủ và các tổ chức nên có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực liên quan đến khoa học và công nghệ, như cấp học bổng, tạo cơ hội thực tập và các chương trình hướng nghiệp.

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho phụ nữ: Tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ khởi nghiệp thông qua việc cung cấp vốn, tư vấn và hỗ trợ trong việc phát triển kinh doanh trực tuyến. Các chương trình như mạng lưới hỗ trợ nữ doanh nhân, hội thảo về kinh doanh số có thể đóng vai trò quan trọng.

Đào tạo kỹ năng mềm và quản lý thời gian: Hỗ trợ phụ nữ phát triển kỹ năng mềm như giao tiếp, lãnh đạo, và quản lý thời gian hiệu quả để họ có thể điều hành công việc và gia đình trong bối cảnh làm việc từ xa và môi trường số.

Khả năng thích ứng và học tập suốt đời: Khuyến khích văn hóa học tập liên tục để theo kịp những tiến bộ công nghệ và thay đổi trong ngành nghề; Tạo điều kiện cho người lao động có thể chuyển đổi nghề nghiệp thông qua các khóa học ngắn hạn hoặc chương trình tái đào tạo.

Xóa định kiến giới trong công nghệ: Tăng cường giáo dục và tuyên truyền để thay đổi nhận thức xã hội về vai trò của phụ nữ trong công nghệ, từ đó khuyến khích họ tham gia sâu hơn vào các lĩnh vực số; Xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, khuyến khích phụ nữ đảm nhận các vị trí lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ và kinh tế số.

Tăng cường bảo vệ phụ nữ trên không gian số: Chính phủ và các tổ chức cần ban hành và thực thi các quy định bảo vệ phụ nữ trước các hành vi xâm phạm quyền riêng tư và quấy rối trên không gian mạng, nhằm đảm bảo một môi trường an toàn cho họ hoạt động trực tuyến và tiếng nói của họ được lắng nghe, để đảm bảo các quyền lợi của phụ nữ trong kỷ nguyên số.

Phụ nữ nỗ lực bản thân, tự tin, tự đầu tư cho mình: Phụ nữ tận dụng mọi cơ hội, nỗ lực vượt qua những thách thức nâng cao kiến thức và kỹ năng số, mạnh dạn, tự tin tham gia các khóa đào tạo kỹ năng số và làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Phát huy tinh thần tự học, học suốt đời, thông qua nền tảng trực tuyến, bạn bè, đồng nghiêp và sự hỗ trợ của những người có kinh nghiệm. Tự học là một biện pháp đầu tư hiệu quả để phát triển, hòa nhập và thành công trong môi trường số.

Có thể hiểu, "kỷ nguyên số" là một giai đoạn phát triển của lịch sử nhân loại. Đó là kỷ nguyên mà máy móc xử lý nhanh, chính xác hơn bộ não con người, rất nhiều công việc con người làm trước đây được thay thế bởi trí tuệ nhân tạo. Khái niệm "kỷ nguyên số" đề cập đến một giai đoạn phát triển lên tầm cao mới của xã hội loài người, bắt đầu với sự xuất hiện của máy tính cá nhân từ cuối những năm 1970, internet vào đầu những năm 1990, và điện thoại thông minh vào những năm 2010. Với khả năng lưu trữ khối lượng thông tin khổng lồ dưới dạng số hóa mà không cần đến không gian vật chất quy mô lớn, công nghệ số giúp con người có thể tiếp cận và trao đổi thông tin một cách tự do, cởi mở, nhanh chóng và thuận tiện hơn.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm