Đầu tư vào TPHCM: Doanh nghiệp cần những cam kết gì?
08/05/2019 - 13:52
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào TPHCM, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho rằng TPHCM còn nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực thì cần những cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo Thành phố với những bước đi tích cực.
Sáng ngày 8/5, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP.HCM năm 2019 đã diễn ra với sự góp mặt của hơn 600 đại biểu.
Bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG cho biết, du lịch, khách sạn và vui chơi giải trí là lĩnh vực mà TP.HCM có tiềm năng phát triển mạnh mẽ và cần được khai thác đa dạng hơn nữa.
Bà Nga hoan nghênh việc thành phố áp dụng công nghệ để chia sẻ thông tin cho các nhà đầu tư, có thể kể đến như các ứng dụng tìm kiếm thông tin quy hoạch hay ứng dựng tra cứu các dự án mời gọi đầu tư trực tuyến được giới thiệu ngay tại hội nghị. Nữ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG cho rằng, đây là bước đi tích cực trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa thông tin của TP.HCM.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG mong muốn TP.HCM sẽ có những chính sách cởi mở và những cam kết mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh hơn nữa tốc độ phát triển. Bà Nga cũng tin tưởng thành phố sẽ có nhiều nhà đầu tư có năng lực thực sự để phát triển những dự án trong điểm, xây dựng TP.HCM trở thành một trong những thành phố phát triển ở châu Á.
Trong khi đó, ông Harld Chen, Phó Chủ tịch Tập đoàn Alpha King bày tỏ mong muốn hợp tác góp phần xây dựng TP.HCM trở thành cửa ngõ hiện đại của Đông Nam Á và hy vọng có được sự chấp thuận của lãnh đạo thành phố cho phép Alpha King và Công ty TNHH Build Your Dream (BYD) nghiên cứu đầu tư xây dựng đường trên cao tuyến số 1 và số 2.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.
Cũng theo ông Phong, mặc dù thành phố đã đạt được những thành tựu quan trọng thu hút đầu tư. Tuy nhiên, cũng như nhiều thành phố trên thế giới, TP.HCM đang chuyển mình trở thành một siêu đô thị và hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức của quá trình phát triển như ô nhiễm môi trường, ngập nước, kẹt xe… Đây không chỉ là trở ngại mà còn là rào cản tác động đến tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh.
Chủ tịch UBND TP.HCM kêu gọi các nhà đầu tư đến với TP.HCM và cho biết thành phố nhận thức sâu sắc rằng, một môi trường đầu tư tốt đối với các doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở các chính sách ưu đãi, khuyến khích mà quan trọng hơn đó là sự đồng hành và hỗ trợ kịp thời của chính quyền.
Lãnh đạo thành phố trân trọng sự đóng góp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cam kết sẽ làm hết sức mình để bảo đảm môi trường chính trị - xã hội ổn định, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả tại TP.HCM.
Phát biểu trước hơn 600 đại biểu tham dự hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã nêu ra 8 lý mà các nhà đầu tư nên đến TP.HCM để đầu tư. Trong đó, ông Nhân nhấn mạnh đến những ưu thế của thành phố như đông dân; lực lượng lao động đông đảo, có trình độ ngày càng cao; có ngôn ngữ, văn hóa và ẩm thực đa dạng. Đặc biệt, các nhà đầu tư sẽ có một lượng khách hàng rất lớn để tiêu thụ sản phẩm của mình.
Bí thư Nhân cho hay, thành phố đang thảo luận xây dựng một quá trình để người dân phối hợp với các nhà đầu tư, nhà nước để tạo nên những khu đất trong đô thị để phát triển dịch vụ. Bên cạnh đó, TP.HCM đang thực hiện chiến lược phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, xây dựng khu đô thị sáng tạo ở phía đông thành phố. Thành phố đang và sẽ là địa phương có hạ tầng tốt nhất và sẽ đi đầu trong việc số hóa toàn bộ tài nguyên của mình.
Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định, thành phố sẽ duy trì đối thoại hằng năm với các doanh nghiệp, công dân. Ngoài đối thoại trực tiếp thì còn tiếp nhận thông tin qua mạng.
Tại hội nghị, TP.HCM đã giới thiệu mời gọi đầu tư tổng cộng 210 dự án với tổng nhu cầu vốn đầu tư là 1.183.610 tỷ đồng, tương đương 53.804 triệu USD, gồm các lĩnh vực hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, thương mại – dịch vụ, chỉnh trang đô thi, giáo dục, y tế, văn hóa – thể thao và du lịch – giải trí.