pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đau xương ức có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh nghiêm trọng
Ảnh minh họa
Cơn đau xương ức được mô tả là cảm giác đau co thắt ở vùng xương giữa ngực và là một tình trạng không hiếm gặp, nhất là với những người sau 30 tuổi hay người phải hoạt động, mang vác nặng nhọc. Đôi khi cơn đau xương ức có thể xuất hiện đột ngột dạng một cơn đau nhẹ và trở nên nghiêm trọng hơn khi ho, hít thở sâu, khi ăn hoặc khi nằm xuống. Một số trường hợp lại mô tả đau xương ức là cảm giác đau như cứa vào xương, đau nhói hoặc đau như bị đè nặng xuống.
1. Nguyên nhân gây đau xương ức
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng đau xương ức, theo Healthline:
- Viêm sụn sườn
Viêm sụn sườn hay còn gọi là viêm khớp sụn sườn là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây ra cơn đau xương ức. Tình trạng này xảy ra khi sụn nối xương sườn với xương ức bị viêm gây ra các cơn đau nhói nhức nhối ở xương ức hoặc khó chịu ở một/nhiều xương sườn. Cơn đau có thể trở nên tồi tệ hơn khi ho hoặc hít thở sâu.
Các chấn thương ngực, căng cơ, viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp được cho là nguyên nhân của viêm sụn sườn.
- Các tình trạng chấn thương cơ xương
Các tình trạng chấn thương ở cơ và xương xung quanh xương ức cũng có thể dẫn tới những cơn đau xương ức, bao gồm: Chấn thương khớp xương ức đòn, gãy xương ức đòn, phẫu thuật xương ức (chẳng hạn như phẫu thuật tim hở).
- Thoát vị khe hoành
Thoát vị khe hoành là tình trạng một phần dạ dày chui lên lồng ngực gây ảnh hưởng tới vùng ngực và đau dưới xương ức. Các triệu chứng của thoát vị khe hoành bao gồm: Ợ hơi thường xuyên, ợ nóng, khó nuốt và cũng có thể bị nôn ra máu và cảm giác bụng lúc nào cũng no.
- Trào ngược axit
Theo cấu tạo thì xương ức nằm ngay trước một số cơ quan tiêu hóa chính. Do vậy mà những tình trạng ảnh hưởng tới các cơ quan bao gồm: Thực quản, dạ dày và ruột có thể gây ra cơn đau lan tỏa tới vùng xương ức.
Trào ngược axit dạ dày mô tả tình trạng khi axit dạ dày bị trào ngược lên thực quản dẫn tới kích ứng và đau khó chịu. Bệnh không cần điều trị mà thường tự khỏi, tuy nhiên nếu trào ngược axit dai dẳng có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực tới niêm mạc họng và niêm mạc thực quản.
- Viêm màng phổi
Màng phổi là một lớp màng mỏng bao gồm một lớp lót bên trong thành ngực và một lớp bao phủ lên lá phổi, ở giữa là lớp khoang màng phổi. Trong lớp khoang màng phổi có chứa một lớp dịch rất mỏng (còn được gọi là dịch sinh lý trong khoang màng phổi) để giúp phổi có thể di chuyển và hoạt động hô hấp dễ dàng hơn.
Viêm màng phổi xảy ra khi màng phổi bị viêm và tích tụ chất lỏng xung quanh các mô bên trong khoang ngực và trong phổi (tràn dịch màng phổi).
Các triệu chứng thường gặp bao gồm: Đau khi hít vào, hắt hơi hoặc ho; cảm giác khó thở; ho bất thường và sốt (dù hiếm khi xảy ra).
- Viêm phế phản
Viêm phế quản là tình trạng viêm của các ống phế quản đưa không khí vào phổi. Tình trạng này thường xảy ra khi bị cúm hoặc cảm lạnh. Đau do viêm phế quản cũng có thể gây đau xương ức khi hít vào và thở ra. Thường thì cơn đau này chỉ kéo dài trong vài ngày hoặc một tuần đối với tình trạng viêm phế quản cấp tính; viêm phế quản mãn tính là khi bệnh kéo dài hơn do nhiễm trùng hoặc hút thuốc.
Các triệu chứng phổ biến của bệnh viêm phế quản bao gồm: Ho dai dẳng, ho có đờm; thở khò khè; khó thở; đau và khó chịu ở vùng ngực. Những triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm có thể đi kèm với viêm phế quản có thể kể đến như: Sốt cao, mệt mỏi, sổ mũi, tiêu chảy, nôn mửa.
- Viêm phổi
Viêm phổi xảy ra khi phổi bị nhiễm virus, vi khuẩn hoặc nấm phổi. Các triệu chứng viêm phổi phổ biến gồm: Khó thở, sốt cao, ho dai dẳng. Viêm phổi có thể gây đau vùng ngực bao gồm cả đau xương ức do phổi không có các nhánh thần kinh cảm giác đau nên khi có tổn thương ở các nhu mô phổi, màng phổi sẽ phản ứng với các tổn thương này và dẫn tới cảm giác đau.
Viêm phổi do vi khuẩn hoặc do nấm thường phải sử dụng kháng sinh để điều trị.
- Cơn hoảng loạn
Những cơn hoảng loạn xảy ra một cách bất ngờ khi không có một mối đe dọa hoặc mối nguy hiểm nào rõ ràng xuất hiện gây sợ hãi đột ngột. Và các triệu chứng của một cơn hoảng loạn đang xảy ra bao gồm: Đánh trống ngực, run rẩy, khó thở, đổ mồ hôi liên tục, cảm giác đang bị đe dọa nghiêm trọng,.. và một trong những triệu chứng phổ biến thường gặp là cơn đau thắt ở các cơ ngực, bao gồm cả các cơ xung quanh xương ức.
- Đau xương ức có phải đau tim không?
Đau ngực là một triệu chứng đau tim đặc trưng. Khi cơn đau tim xảy ra, cảm giác vùng ngực bị thắt chặt và có thể bao gồm cả xương ức. Cơn đau tim có thể đe dọa tới tính mạng, chính vì thế mà nếu có bất kì triệu chứng nào bên cạnh cơn đau xương ức bao gồm: Đau ở giữa ngực hoặc đau ngực trái; đau hoặc cảm thấy khó chịu, tê ran ở phần thân trên như cánh tay trái, vai trái, hàm trái; cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng; thở khò khè; đổ mồ hôi; buồn nôn;... bạn cần nhanh chóng gọi cấp cứu để được can thiệp.
Cơn đau tim cũng thường phổ biến ở những người có thói quen hút thuốc, bị huyết áp cao, bị cholesterol cao, bị tiểu đường, thừa cân, béo phì, người trên 65 tuổi.
2. Khi nào đau xương ức cần thăm khám bác sĩ?
Khi cơn đau xương ức xảy ra mà không có nguyên nhân rõ ràng và không cải thiện khi nghỉ ngơi hoặc thậm chí cảm giác đau xương ức tệ hơn thì bạn cần thăm khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì. Ngoài ra, cần khám sớm nếu cơn đau bắt đầu do một chấn thương trực tiếp gây ra; cơn đau đi kèm các triệu chứng của cơn đau tim; đau xương ức kèm theo nôn mửa nghiêm trọng hoặc nôn ra máu.
Các biện pháp điều trị đau xương ức sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây ra cơn đau là gì. Điều trị đau xương ức có thể bao gồm thuốc giảm đau kê đơn, thuốc giảm đau không kê đơn,... Trước đó, bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng đau trực tiếp hay yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm hình ảnh như chụp MRI, chụp CT,.. nếu cần thiết.