Dạy trẻ đồng cảm ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

05/01/2017 - 18:00
Giáo viên, phụ huynh ở Đan Mạch - quốc gia được Liên hợp quốc bình chọn là nơi hạnh phúc nhất thế giới năm 2016 - coi trọng sự đồng cảm trong giáo dục trẻ mỗi ngày.

Một nghiên cứu của ĐH Michigan, Mỹ, ở gần 14.000 sinh viên đại học cho thấy, sinh viên ngày nay ít đồng cảm hơn sinh viên những năm 1980, 1990 khoảng 40%. Tình trạng này chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới gần 1/3 sinh viên đại học chán nản, có vấn đề về tâm thần và con số này đang ngày càng tăng.

Sự đồng cảm là một kỹ năng sống quan trọng. Nhiều người lo ngại rằng trẻ con ngày nay đang mất dần kỹ năng này và kết quả là trẻ sẽ ít hạnh phúc hơn khi lớn lên. Đây là lý do khiến các bậc cha mẹ ở Đan Mạch- quốc gia hạnh phúc nhất thế giới được Liên Hợp Quốc bình chọn coi trọng sự đồng cảm trong giáo dục con cái. Họ dạy trẻ về sự đồng cảm như thế nào?

4-ngoisaovn-w650-h433.jpg
 Trẻ em Đan Mạch được học kỹ năng xây dựng sự đồng cảm đầy thú vị. Ảnh minh họa internet

Mỗi tuần, học sinh ở đây đều có một giờ học về cách xây dựng kỹ năng đồng cảm và giờ học này nằm trong chương trình giảng dạy quốc gia, bắt buộc cho tất cả trẻ từ 6 tới 16 tuổi.

Học sinh sẽ bàn luận về các vấn đề của cá nhân hoặc của một nhóm. Có thể là việc ai đó đang bỏ rơi, bị bắt nạt hay có sự bất đồng không thể giải quyết được giữa một số học sinh.

“Cả lớp sẽ cùng nhau tôn trọng tất cả quan điểm và cùng nhau tìm ra hướng giải quyết. Khi bạn được công nhận, bạn sẽ trở thành một ai đó”- Iben Sandahlm, giáo viên tại đây cho biết.  

Theo cô Iben, các giờ học này luôn là điểm nhấn trong tuần của cô. Mục đích là để tạo bầu không khí an toàn và ấm cúng - nơi bọn trẻ học được cách đưa ra quan điểm của mình.

“Thậm chí còn có một chiếc bánh mà bọn trẻ tự nướng theo công thức để cùng ăn với nhau trong khi nói chuyện, và quan trọng hơn là trong khi lắng nghe người khác nói”- Iben nói về giờ học đầy thú vị của mình.

Ít ai biết rằng, giờ học về xây dựng kỹ năng đồng cảm ở Đan Mạch ra đời từ những năm 1870, nhưng đến năm 1993, nội dung này mới được hệ thống hóa trong Luật giáo dục và lan rộng sau đó.

Học sinh hào hứng đã đành, giờ học này còn khiến giáo viên có cơ hội tự hoàn thiện kỹ năng và nhân cách của bản thân. “Là giáo viên, bạn có cơ hội suy ngẫm để tạo môi trường học tập toàn diện mà học sinh muốn học tập và tham gia. Đó là cách để cộng đồng lớp học này phát triển”- bà Iben Sandahlm nói.

Hạnh phúc là một khái niệm phức tạp, vì thế có lẽ sự thành công của những lớp học đồng cảm chỉ đơn giản là nhận ra rằng, đồng cảm là một kỹ năng, không phải là một đặc tính cố hữu. Trẻ cần luyện tập nó giống như cách mà trẻ học toán hay học đá bóng.

“Nếu chúng ta muốn con trẻ là người tử tế và biết nghĩ đến người khác, chúng ta cần làm gương và nghĩ về cách dạy trẻ kỹ năng này”, Iben Sandahlm kết luận.

Đan Mạch nổi tiếng là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới nhờ nhiều yếu tố, từ bình đẳng về thu nhập cho tới mức độ hào phóng của người dân. Mạng lưới an toàn xã hội của đất nước này khó có nơi nào khiến người dân hạnh phúc hơn với chế độ chăm sóc sức khỏe, hệ thống giáo dục tốt và dịch vụ chăm sóc người già cũng tuyệt vời.  Sinh viên đi học được trợ cấp hàng tháng. Nhiều người tin chắc rằng nếu họ mất việc hoặc bị ốm, nhà nước sẽ hỗ trợ họ. Tại Đan Mạch, 43% vị trí công việc hàng đầu trong lĩnh vực công hiện do phụ nữ nắm giữ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm