Dạy trẻ vài chiêu đối phó với phụ huynh nghiện rượu

05/12/2017 - 12:05
Đối phó với một phụ huynh nghiện rượu thế nào để đảm bảo an toàn cho con?
nếu sống với một người bố hoặc mẹ nghiện rượu, trẻ có thể cảm thấy xấu hổ, sợ hãi, buồn bã, bị tổn thương, lo âu - Ảnh minh họa

Phụ huynh nghiện rượu ảnh hưởng thế nào tới trẻ

Theo chuyên trang cung cấp kiến thức sức khỏe trẻ em Kidshealth, nếu sống với một người bố hoặc mẹ nghiện rượu, trẻ có thể cảm thấy xấu hổ, sợ hãi, buồn bã, bị tổn thương, lo âu, vô vọng và rất nhiều vấn đề cảm xúc khác.

Chẳng hạn như, trẻ cảm thấy bất lực khi phụ huynh luôn hứa hẹn sẽ bỏ rượu và cuối cùng vô cùng thất vọng khi cha mẹ không giữ lời hứa.

Không chỉ ảnh hưởng đến người uống, nghiện rượu còn tác động cả đến những thành viên khác trong gia đình. Nghiện rượu có thể thay đổi vai trò vốn có của gia đình. Phụ huynh có thể gặp khó khăn với công việc và gặp vấn đề trong chi trả hóa đơn.

Những đứa con lớn trong nhà có thể phải thay cha mẹ chăm sóc em út. Một số phụ huynh nghiện rượu còn ngược đãi và hành hạ con cả về thể chất lẫn tinh thần. Một số khác thì bỏ bê con cái khi không dành cho trẻ đủ sự chăm sóc và hướng dẫn. Ngoài ra, một số người nghiện rượu còn sử dụng cả chất kích thích.

Khi trong nhà có người nghiện rượu, cần trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết - Ảnh minh họa

Những điều trẻ cần làm

Để hạn chế tối đa những hậu quả của vấn đề này, giúp trẻ hiểu được những điều sau là việc vô cùng cần thiết:

- Tìm hiểu về nguyên nhân gây ra nghiện rượu và thử trò chuyện với phụ huynh: Hiểu rõ những nguyên nhân gây ra chứng nghiện rượu vô cùng quan trọng. Hãy tìm một thời điểm thích hợp khi bạn bình tĩnh và phụ huynh đang tỉnh táo, ngồi cạnh cha/mẹ mình và nói về việc bạn cảm thấy thế nào với vấn đề nghiện rượu của cha/mẹ.

Bạn có thể không thuyết phục được cha/mẹ bỏ rượu hoàn toàn, nhưng ít nhất, bạn có thể khuyến khích họ uống một cách có trách nhiệm hơn và hiểu rõ về những tác động tiêu cực mà chứng nghiện rượu gây ra.

-  Nhận thức rõ vấn đề và tìm kiếm sự hỗ trợ: Nhiều trẻ em có phụ huynh nghiện rượu vẫn cố gắng bảo vệ cha mẹ mình hoặc che giấu vấn đề.

Trẻ cần hiểu rõ rằng: Thừa nhận việc cha mẹ mình có vấn đề là bước đầu tiên để có thể kiểm soát tình hình. Hãy bắt đầu bằng việc nói chuyện với một người bạn, thầy cô giáo, tư vấn viên... Nếu bạn không thể nói với người quen, hãy gọi điện đến các đường dây nóng hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên. Đừng đối mặt với vấn đề một mình!

- Tuyệt đối không tranh cãi khi phụ huynh đang say xỉn: Tranh cãi với một người đang say xỉn không có ích gì. Điều này còn gia tăng nguy cơ bị tổn thương thể chất bởi người say thường khó kiểm soát hành vi của mình.

- Ý thức về cảm xúc của bản thân: Khi cảm thấy tức giận hoặc hận thù, hãy cố gắng xác định những cảm xúc như thế này. Nói chuyện với một người bạn thân hoặc viết ra những gì bạn đang cảm thấy.

Cần nhận thức được những ảnh hưởng từ việc nghiện rượu của phụ huynh, đừng bao giờ chôn vùi đi những cảm xúc đó và vờ rằng mọi việc đều ổn bởi nó sẽ gây ra tác động tiêu cực lâu dài về sau.

- Tìm một môi trường an toàn: Rất nhiều trẻ có cha mẹ nghiện rượu luôn muốn tránh về nhà nhất có thể, hoặc chỉ muốn bỏ trốn. Trong những trường hợp cảm thấy nhà mình là một nơi nguy hiểm, bạn có thể gọi các đường dây nóng của địa phương để được hỗ trợ.

Đừng e dè nếu bạn thấy mình hoặc các thành viên khác đang trong tình trạng nguy hiểm bởi im lặng hoặc không hành động kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Hãy luôn chuẩn bị một số điện thoại hỗ trợ để sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.

- Hãy ngừng “vòng lặp luẩn quẩn”: Chính trẻ em và thanh thiếu niên có cha mẹ nghiện rượu sẽ có nguy cơ nghiện rượu cao hơn. Các nhà khoa học cho rằng điều này là do di truyền và môi trường phát triển của trẻ.

Chẳng hạn như, một số trẻ học được từ cha mẹ mình, coi uống rượu bia là cách để tránh sự sợ hãi, chán nản, lo âu, buồn bã và những cảm xúc khó chịu khác. Hiểu rõ rằng, đây có thể là một vấn đề và tìm đến những người có khả năng giúp đỡ là điều quan trọng nhất bạn cần làm để giảm thiểu rủi ro trở thành một người nghiện rượu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm