pnvnonline@phunuvietnam.vn
ĐBQH đề nghị tập trung giải quyết sinh kế cho "làn sóng" lao động về quê tránh dịch
Trước chất vấn của các ĐBQH chiều 10/11, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, lực lượng lao động về quê tương đối lớn, dù số liệu khác nhau, sau khi xem tổng kết của 63 địa phương thì con số chính thức là 1,3 triệu người, chiếm 60% là người dân di chuyển từ TPHCM và các tỉnh phía Nam về quê.
"Trong phạm vi của mình, những gì chúng tôi làm được thì triển khai như đề xuất chính sách hỗ trợ 1,3 triệu người, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em, người yếu thế ... đều thực hiện rồi" – ông Dung cho hay.
Tư lệnh ngành LĐTB&XH thông tin, khi làm việc với các tỉnh phía Nam, khảo sát cho biết, khoảng 30% người có nhu cầu quay trở lại TPHCM và các tỉnh phía Nam, 30% muốn chuyển địa bàn khác, còn lại phần đông muốn ở lại quê và tìm công ăn việc làm.
Ông đề nghị các địa phương có kết nối để vận động, thuyết phục người lao động trở lại, hoặc các địa phương phối hợp với nhau để giới thiệu việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, theo ông Đào Ngọc Dung, cần chú trọng tạo việc làm sinh kế tại chỗ cho người dân, triển khai các chính sách giảm nghèo và hỗ trợ cho người lao động ở địa phương.
Về việc triển khai gói hỗ trợ lao động tự do, ông Đào Ngọc Dung cho hay, theo Nghị quyết 68 thì Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo tạo ra sự linh hoạt cho địa phương. Chính phủ chỉ quy định mức sàn, còn đối tượng và mức trên sàn thì do địa phương quy định. Trong khi năm 2020 chỉ hỗ trợ khoảng 1 triệu người, nhưng với Nghị quyết 68 đã hỗ trợ hơn 12.000 người tự do, Bộ trưởng đánh giá như vậy là thành công.
"Nhưng vì sao nơi được nơi không? Điều này phụ thuộc vào chính sách của từng địa phương nên dẫn đến tình trạng như đại biểu nêu. Có địa phương do ngân sách dự phòng không còn nên không thể hỗ trợ, tới đây sẽ có điều chỉnh chính sách cho phù hợp"- ông nói.
Liên quan đến "làn sóng" lao động về quê, sau phần trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị từ nay đến lúc kết thúc phiên chất vấn, các thành viên Chính phủ báo cáo, giải trình làm rõ thêm vấn đề này trước Quốc hội.
Theo ông Vương Đình Huệ, không chỉ là xác định nguyên nhân, trách nhiệm của nhà nước với dân, mà quan trọng là giải pháp giải quyết việc thiếu hụt lao động, giải quyết sinh kế và việc làm cho người lao động đang về các tỉnh.
"Chú ý hơn là qua đây chúng ta rút ra bài học gì trong phân tích đánh giá dự báo, có cam kết không để xảy ra tình trạng này trong tương lai được hay không khi dịch bệnh vẫn khó lường. Trách nhiệm của các địa phương ra sao, cách thức tổ chức nhận về, nhận lại lao động như thế nào là vấn đề lớn mà cử tri quan tâm" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh
Về việc hỗ trợ các đối tượng chính sách, người già, người tàn tật, lao động đường phố… tiếp tục bị ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết với hàng loạt chính sách được ban hành trong thời gian qua như Nghị định 20, Nghị định 36 và Nghị định 75…, cơ bản đã bao phủ việc hỗ trợ các đối tượng yếu thế.
"Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, các địa phương hầu hết mở rộng việc hỗ trợ các nhóm này. Thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục rà soát các chính sách đã có, chính sách nào không còn phù hợp sẽ trình Chính phủ cho sửa đổi, đối tượng nào còn thiếu sẽ bổ sung" – tư lệnh ngành LĐTB&XH quả quyết.