ĐBQH đề xuất lấy Ngày Gia đình Việt Nam làm ngày nghỉ lễ

29/05/2019 - 17:34
Thay vì nghỉ lễ thêm 1 ngày vào ngày 27/7, có đại biểu Quốc hội đề nghị nên lấy ngày nghỉ lễ là Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) để đảm bảo đúng ý nghĩa của dịp nghỉ lễ. Việc nghỉ lễ vào ngày Thương binh Liệt sĩ nhằm tri ân người có công với cách mạng được cho là thiếu khả thi.

Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) được trình Quốc hội ngày 29/5, ban soạn thảo đề xuất bổ sung ngày nghỉ lễ 27/7 (ngày Thương binh Liệt sĩ) để thực hiện những hoạt động thiết thực tri ân người có công với cách mạng, với đất nước. Lý giải của cơ quan soạn thảo cho thấy, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành biểu tượng văn hóa dân tộc, biểu thị lòng biết ơn và thể hiện truyền thống cao đẹp của dân tộc, nên lựa chọn như vậy là hoàn toàn phù hợp.

Bên cạnh đó, việc bổ sung ngày nghỉ lễ thực chất là điều chỉnh các ngày nghỉ trong một năm cho hợp lý hơn, đặc biệt trong suốt 4 tháng, từ ngày 2/5 đến ngày 1/9 đang không có ngày nghỉ lễ nào.

 

nh.jpg
Ngày 28/6 được đề xuất làm ngày nghỉ lễ. Ảnh minh họa

Vấn đề này khi đưa ra góp ý thảo luận tổ vào chiều 29/5, đã nhận được một số ý kiến băn khoăn. Một số đại biểu cho rằng, so sánh thì đúng là ngày nghỉ lễ của chúng ta ít hơn so với thế giới, nhưng chúng ta có so sánh năng suất lao động hay giữa mình và họ hay không? Đặc biệt, nhiều đại biểu cho rằng, việc đề xuất có thêm ngày nghỉ lễ 27/7 là không hợp lý.

Theo đại biểu Nguyễn Đức Sáu (TP.HCM), ngày 27/7 cần có hoạt động thiết thực để chăm sóc tốt hơn với người có công cả về vật chất và tinh thần chứ không phải… tất cả mọi người cùng được nghỉ lễ.

Trong trường hợp tăng thêm một ngày nghỉ trong năm như phân tích của ban soạn thảo, đại biểu Trần Diệu Thúy (TP.HCM) đề xuất chọn ngày Gia đình Việt Nam (28/6). Đây cũng là ý kiến được cơ quan thẩm tra Quốc hội ghi nhận trong quá trình thẩm tra dự án luật này.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan lại cho rằng, việc có quá nhiều ngày nghỉ lễ khiến bà cảm thấy “mệt mỏi”. Bởi theo đại biểu này, người lao động “nghỉ quen rồi thì đi làm không quen”.

“Bao nhiêu phần trăm dân số của chúng ta là lao động tự do, là các bà nội trợ thì ai giải quyết cho nghỉ? Nên cần xem xét có đưa vào thêm hay không? So sánh thì đúng là ngày nghỉ lễ của chúng ta ít hơn so với thế giới, nhưng chúng ta có so sánh năng suất lao động hay không? Nếu nghỉ thêm, sẽ kéo giãn năng suất lao động xuống” - bà Phạm Khánh Phong Lan nêu quan điểm.

Liên quan đến ngày nghỉ Tết âm lịch, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất điều chỉnh ngày nghỉ Tết âm lịch trong năm theo hai hướng. Trong đó, có phương án người lao động được nghỉ 5 ngày Tết âm lịch, nếu trùng với ngày nghỉ hằng tuần thì không được nghỉ bù.

Về điều này, đại biểu Nguyễn Đức Sáu đề nghị, nên giữ quy định nghỉ lễ như hiện nay, tức theo phương án nếu trùng ngày nghỉ hằng tuần thì có thể nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

Trước đó, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trong đánh giá thẩm tra cũng khẳng định, việc nghỉ Tết đang được thực hiện ổn định, không phát sinh vướng mắc trên thực tiễn, do đó, đề nghị kế thừa quy định hiện hành.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm