Để an toàn, không nhẽ nhốt trẻ trong lớp cả ngày

24/03/2017 - 11:17
Những vụ việc đau lòng, đáng tiếc xảy ra cho các con ở trường học thời gian gần đây đang khiến nhiều cha mẹ lo lắng, bất an. Các giáo viên cũng than trời vì "không lẽ phải cấm chơi để giữ an toàn cho trẻ"?
Trẻ chơi ngoài sân trường dễ gặp tai nạn. Ảnh minh họa

Vụ bé 3 tuổi ở Ninh Bình bị tử vong nghi bị ngã ở lớp học, học sinh lớp 1 ở Hà Tĩnh bị ngã qua lan can lớp học khiến tụ máu não… Sự mất an toàn trong trường học đang là mối lo lớn với các cha mẹ có con nhỏ. Thực tế, một số cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các nhóm, lớp mầm non tư thục có điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng chưa đảm bảo đúng quy định như phòng học nhỏ, không đảm bảo thông khí, nhà vệ sinh chật, thiết kế không phù hợp với trẻ… nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn đối với trẻ.

Tuy nhiên, tai nạn không chỉ xảy ra với các trường không đảm bảo cơ sở vật chất. Cô giáo Nguyễn Thị Thúy (giáo viên một trường mầm non quận Hà Đông) cho biết, trẻ té ngã do chạy đùa, nghịch ngợm khá nhiều. “Chỉ cần trẻ không để ý thì chỉ chạy ở trong lớp thôi trẻ cũng có thể bị ngã. Với trẻ 3, 4 tuổi, chỉ cần ngã đã rất dễ xảy ra chấn thương như gãy chân, rạn xương, rách trán... Trong khi đó, chỉ tiêu một lớp với 2 cô giáo chỉ quản lý 25-30 học sinh thì hiện tại ở các trường công lập, số học sinh thường gấp đôi, 50-60 học sinh. Chúng tôi lúc nào cũng phải bao quát cả lớp, nhưng dù có “nghìn mắt, nghìn tay” cũng không thể kiểm soát hết được số học sinh đông như vậy”.

Việc học sinh bị tai nạn do ngã ở sân trường cũng không hiếm bởi đó là nơi có nhiều nguy cơ mất an toàn như trẻ có thể trượt chân do đẩy nhau, do chơi đùa, do có những vật cản… Cô Nguyễn Thị Thúy than thở: “Cho các con ra sân chơi cũng là cách để các con được vận động, vui chơi. Dù cố gắng sát sao, nhưng không tránh khỏi những tai nạn bất ngờ. Không lẽ lại cấm trẻ chơi, “nhốt” trẻ trong lớp để giữ an toàn cho trẻ? Việc các con bị tai nạn trong những trường hợp này chúng tôi rất mong sự thông cảm của các phụ huynh bởi thật khó để có thể sát sao mấy chục cháu một lúc. Chỉ có thêm giáo viên, bớt học sinh thì mới hạn chế được tai nạn, tuy nhiên, đây lại là điều không thể”.

Giáo viên cần được học kỹ năng sơ cứu, xử lý tình huống. Ảnh minh họa

Cô giáo Nguyễn Thị Chúc (Trường Tiểu học Kiến Xương, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, để đảm bảo an toàn cho học trò, trường đã thuê thợ về làm lưới bảo vệ lan can cao 1,5 m rất chắc chắn. Bởi, đây là nơi trẻ dễ gặp nguy hiểm nhất. 

Ngoài ra, giáo viên thường xuyên nhắc nhở, dặn dò học trò tránh những trò chơi nguy hiểm, không mang vật dụng sắc nhọn, dao, bật lửa đến trường. “Ở trường học, để đảm bảo an toàn cho trẻ, phải tránh được các nguy cơ có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Muốn làm được điều đó, cơ sở vật chất phải đảm bảo. Ngoài ra, sân trường phải thông thoáng, cấm phương tiện đi lại. Giáo viên phải được trang bị các kỹ năng xử lý tình huống, sơ cấp cứu...”, cô Chúc chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm