Dễ bỏ qua 7 dấu hiệu của bệnh có nguy cơ tàn phế

28/11/2016 - 15:39
Parkinson là bệnh do thoái hóa hệ thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng vận động của cơ thể. Bệnh biểu hiện đặc trưng bằng các cử động chậm chạp, cứng đờ, run, rối loạn về thăng bằng, thậm chí có thể trầm cảm...
Theo ThS.BS Trần Ngọc Tài, Phó trưởng khoa Thần kinh, BV Đại học Y Dược TPHCM, Parkinson không phải là bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó gây trở ngại lớn cho công việc và sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh đó, bệnh có thể diễn tiến ngày càng nặng, với các dấu hiệu thường gặp là run lúc nghỉ, chậm cử động và đơ cứng, gây khó khăn cho các hoạt động sống hằng ngày. Nếu người bệnh không được điều trị đúng đắn và kịp thời, thì sau 5-7 năm sẽ có nguy cơ bị tàn phế.

“Hiện trên thế giới có khoảng 6,3 triệu người mắc bệnh Parkinson. Tại Việt Nam, chưa có số liệu thống kê dịch tễ học, nhưng riêng số liệu tại khoa Thần kinh của BV năm 2015 cho thấy, có đến 1,1 ngàn người bệnh Parkisnon đang theo dõi và điều trị”, bác sĩ Tài chia sẻ.

7 dấu hiệu dưới đây cho thấy có thể bạn bị bệnh Parkinson:

1. Run nhẹ
Khi bệnh Parkinson đã tiến triển, người bệnh bị run ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể như tay, chân, đầu... Ở giai đoạn đầu, người bệnh xuất hiện các triệu chứng run nhẹ ở các ngón tay. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể gặp co giật nhẹ và run khi cố gắng ngồi, di chuyển.
cach-kiem-tra-mat-phat-hien-som-benh-parkinson-chi-bang.jpg
 Người bệnh Parkinson bị run ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể như tay, chân, đầu...
2. Thay đổi chữ viết tay
Người bệnh gặp các triệu chứng như cứng đờ cơ bắp, khó khăn khi cử động các ngón tay. Chính vì vậy, nếu bạn cảm thấy gặp khó khăn khi viết hoặc chữ viết đột ngột thay đổi như chữ đột nhiên nhỏ đi hoặc viết sít hơn... thì có thể là dấu hiệu của bệnh Parkinson.

3. Tư thế cúi
Người mắc bệnh Parkinson sẽ thay đổi tư thế, hầu hết có tư thế cúi, gù lưng. Họ thường khom lưng khi di chuyển, thậm chí cả khi đứng.

4.Thay đổi giọng nói
Parkinson ảnh hưởng đến các chức năng của hệ thần kinh, do đó có thể ảnh hưởng đến giọng nói. Bất kỳ sự thay đổi bất ngờ trong giọng nói đều là dấu hiệu đáng lo ngại. Thay đổi trong giọng nói rất phổ biến ở bệnh nhân Parkinson, giai đoạn nặng nhiều người bị mất đi giọng nói.

5. Hoạt động chậm chạp
Bất cứ thay đổi tư thế nào như di chuyển, quay đầu, cầm nắm... người bệnh thường làm với tốc độ chậm, không rõ ràng. Nhiều người cho rằng đây là dấu hiệu của tuổi già, nhưng thực tế cũng là dấu hiệu sớm của căn bệnh thoái hóa thần kinh. Khớp trở nên cứng đờ, không linh hoạt, cơ bắp đau nhức là nguyên nhân dẫn đến hoạt động chậm chạp. Đôi khi các hoạt động bình thường như đong đưa cánh tay cũng khó khăn với người bệnh.

6. Chóng mặt hoặc ngất xỉu
Chóng mặt và ngất xỉu thường rất phổ biến. Nếu bạn gặp tình trạng này thường xuyên thì không nên bỏ qua, bởi đây cũng là những dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh Parkinson.

7. Trầm cảm
Ngoài ảnh hưởng đến khả năng di chuyển và làm việc, Parkinson tác động đến tâm lý con người. Người mắc bệnh này dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. Cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ phương pháp điều trị nào chữa lành bệnh cũng như làm chậm tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều phương pháp điều trị đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc cải thiện triệu chứng của bệnh, từ đó giúp người bệnh Parkinson có chất lượng sống tốt hơn. Các phương pháp điều trị đã được ứng dụng thành công tại Việt Nam gần đây như các thuốc mới, phẫu thuật.

Nhằm cung cấp kiến thức về bệnh Parkinson cũng như giúp người bệnh có chất lượng sống ngày càng tốt hơn, BV Đại học Y Dược TPHCM thành lập và tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ người bệnh Parkinson định kỳ các quý trong năm. Câu lạc bộ sẽ là nơi giao lưu, chia sẻ và giải đáp thắc mắc giữa những người bệnh, người nhà người bệnh cùng các chuyên gia đầu ngành về Thần kinh học.

Chương trình sinh hoạt đầu tiên sẽ diễn ra vào 8h00 - 11h00, ngày 4/12/2016 (Chủ nhật). Địa điểm: Hội trường 3A, lầu 3, khu A, BV Đại học Y Dược TPHCM, 215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TPHCM. Người bệnh có thể đăng ký qua số điện thoại 0839.527.055 - 0839.525.350 để tham gia.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm