pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đề các môn thi tổ hợp tăng câu hỏi thực tiễn, lấy tư liệu ngoài sách giáo khoa
Thí sinh sau buổi thi sáng 28/6 - Ảnh: T.Hương
Môn Vật lý: Sẽ ít điểm tuyệt đối
Thầy Phạm Quốc Toản cho biết: Đề thi năm nay không có gì bất ngờ với thí sinh, bám sát cấu trúc đề tham khảo của Bộ đã ban hành, có tính phân loại cao. Đề thi dễ thở với thí sinh có mục tiêu tốt nghiệp (dễ kiếm điểm 5), phân loại tốt với thí sinh dùng môn Vật lí để xét tuyển đại học (10 câu cuối, trong đó 6 câu khó và 4 câu rất khó).
40 câu hỏi sắp xếp từ dễ đến khó, chủ yếu nội dung kiến thức lớp 12 THPT (90% - 36 câu hỏi) và một phần nhỏ kiến thức lớp 11 (10% - 4 câu). Phổ điểm sẽ chủ yếu từ 6 - 7; ít điểm trên 9; rất ít điểm 10 tuyệt đối.
Câu hỏi trắc nghiệm định tính (Lí thuyết) chiếm khoảng 50%. Các câu hỏi mang tính phân loại cao vẫn khai thác tư duy Vật lí sâu sắc như: Kiến thức liên quan đến thực tiễn, ứng dụng, câu hỏi khai thác đồ thị về dao động cơ và dòng điện xoay chiều (câu 35, câu 40), câu hỏi thí nghiệm (câu 34), câu hỏi về cơ hệ (câu 39). Những câu khó, dài và mất khá nhiều thời gian để tư duy hiện tượng và giải (câu 27, 38, 39, 40).
Môn Hóa học: Tăng các câu hỏi thực tiễn
Theo thầy Phạm Thanh Tùng, độ khó của đề thi môn Hóa tương đồng so với đề thi năm trước. Đề thi chủ yếu nằm ở chương trình hóa học 12, một số câu hỏi quen thuộc ở chương trình lớp 11 và không có xuất hiện những câu hỏi đặc thù của chương trình hóa học lớp 10.
Đề thi giảm tải hơn các câu hỏi nặng nề về tính toán và tăng các câu hỏi tư duy và câu hỏi thực tiễn. Các câu hỏi thực tiễn hướng tới các vấn đề thực tế như khí nhà kính và điều chế thuốc nổ, acid.
Đề thi nhẹ nhàng hơn so với 2023 và cùng độ rộng kiến thức. Mức độ đề thi có sự phân hóa nhẹ ở 10 câu hỏi cuối. Phổ điểm năm nay có thể cao hơn năm 2023 khoảng 0,5 điểm.
Môn Sinh học: Tăng mức độ câu hỏi tư duy logic
Cô Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, với đề thi môn Sinh, thí sinh có thể dễ dàng đạt 6-7 điểm. Đề thi có 32 câu lí thuyết (chiếm 80%) và 8 câu bài tập (chiếm 20%), giống với cấu trúc trong đề minh họa.
Tương tự như các năm trước, đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 (36 câu), lớp 11 có 4 câu hỏi.
Các câu ở mức vận dụng tập trung vào các chuyên đề như: Cơ chế di truyền và biến dị, di truyền quần thể, di truyền y học, quy luật di truyền và sinh thái học.
So với đề minh họa, giảm số câu phần cơ chế di truyền và biến dị, ứng dụng di truyền học, tăng số câu phần quy luật di truyền và di truyền học quần thể.
Câu hỏi phần vận dụng giảm lượng bài tập tính toán, tăng số và mức độ câu hỏi tư duy logic.
Môn Lịch sử: Có những câu hỏi lấy tư liệu ngoài sách giáo khoa
Theo thầy Hồ Như Hiển, đề thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử năm 2024 gồm 40 câu trắc nghiệm. Đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 (36 câu), các câu hỏi thuộc lớp 11 (4 câu), trong đó có 2 câu hỏi liên hệ kiến thức giữa lớp 11 và lớp 12. Đề thi bắt đầu phân hóa từ câu 30, phân hóa cao từ câu 33 đến câu 40.
So với đề minh họa năm 2024 của Bộ GD-ĐT, đề thi chính thức có sự thay đổi ở cách hỏi chứ không thay đổi về cấu trúc. Đề thi có độ chính xác, phù hợp và phân hóa tốt học sinh từ những câu 30 trở đi.
Một đặc điểm nổi bật của đề thi năm 2024 môn Lịch sử là có những câu hỏi lấy tư liệu ngoài sách giáo khoa, tuy nhiên những kiến thức đó vẫn trong phạm vi kiến thức đã học nên hoàn toàn phù hợp.
Với đề thi năm nay, thí sinh dễ đạt được mức trên 7 điểm, thí sinh khá sẽ làm tốt tới câu 35. Để đạt điểm 9, 10 ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, thí sinh cần có tốc độ giải bài nhanh, chính xác, giữ được tâm lý ổn định.
Môn Địa lý: Đề thi hay, không quá khó để được trên 7 điểm
Nhận xét về đề thi môn Địa lí, thầy Vũ Hải Nam - Giáo viên Trường THPT chuyên KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội cho biết: So với đề thi minh họa 2024, đề thi chính thức bám rất sát ma trận của đề thi minh họa đã được Bộ GD-ĐT đã công bố, nội dung nằm hoàn toàn trong chương trình Địa lí lớp 12.
Các câu hỏi được sắp xếp theo mức độ tăng dần về độ khó, có sự đan xen giữa lí thuyết và thực hành nên dễ dàng phân loại được thí sinh theo trình độ. Đề thi có nhiều câu hỏi yêu cầu sử dụng kĩ năng Địa lý, đòi hỏi thí sinh phải vận dụng kĩ năng tra cứu, tính toán của môn học.
Các câu hỏi phân hóa thí sinh đòi hỏi học sinh phải có tư duy mạch lạc, có kiến thức xã hội rộng, nắm bắt được các thông tin thời sự cập nhật, có năng lực giải quyết vấn đề và tư duy phản biện cao.
Đề thi môn Địa lý năm 2024 hay và phù hợp với chương trình môn học trên lớp. Đề có sự phân hóa cao, để xét tốt nghiệp không quá khó để thí sinh đạt trên trên 7 điểm. Với thí sinh muốn đạt điểm cao cần làm tốt các câu cuối, đây là các câu hỏi đòi hỏi quá trình rèn luyện lâu dài và thường xuyên.
Môn Giáo dục Công dân (GDCD): Đề có dạng câu hỏi mới mà học sinh hay làm sai
Theo cô Đoàn Thị Vành Khuyên, đề thi có phân hóa kiến thức rõ ràng, câu hỏi khó bắt đầu từ các câu vận dụng cao. So với đề thi tốt nghiệp THPT mọi năm thì năm nay đề có dạng câu hỏi mới theo cách hỏi nhận định đúng sai (đây là những câu học sinh hay làm sai nhất).
Nội dung chủ yếu tập trung vào chương trình GDCD 12 (36 câu). Đề thi cũng bao gồm một số câu hỏi liên quan tới kiến thức lớp 11 (4 câu).
Các câu hỏi nằm trong các chuyên đề quen thuộc của lớp 12: Thực hiện pháp luật; Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống (Hôn nhân gia đình, Lao động, Kinh doanh); Công dân với các quyền tự do cơ bản (Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo hộ về tính mạng sức khoẻ..); Công dân với các quyền dân chủ (Quyền khiếu nại, tố cáo; quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội..).
Các câu ở mức vận dụng thấp và vận dụng cao rơi vào các chuyên đề: Quyền bình đẳng trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội; Các loại vi phạm pháp luật; Quyền cơ bản của công dân.
Các câu hỏi nằm trong tầm kiến thức cơ bản, không đánh đố. Câu hỏi vận dụng cao tương đối phức tạp, nhiều tình tiết, đòi hỏi thí sinh phải nắm chắc lý thuyết để phân tích đúng tính chất vi phạm của các nhân vật. Yêu cầu sự tư duy tốt, nhanh nhạy trong việc xử lí các tình huống.