Để hiện thực hóa mục tiêu 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025

Quang Thái
20/01/2025 - 21:07
Để hiện thực hóa mục tiêu 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, cần rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục pháp lý và tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp thì mới có thể đạt được mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội đề ra.
Năm 2024 chỉ hoàn thành được 16% kế hoạch

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2024, số lượng nhà ở xã hội hoàn thành trên cả nước ước tính là khoảng 21.000 căn, chỉ đạt 16% so với kế hoạch năm.

Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, tính từ năm 2021 đến cuối tháng 9/2024, cả nước có 622 dự án nhà ở xã hội được triển khai, với quy mô 565.177 căn, tuy nhiên chỉ có 79 dự án với quy mô 42.414 căn được hoàn thành. 

Như vậy, qua gần một nửa thời gian thực hiện "Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030" nhưng số lượng căn hộ được hoàn thành mới đạt chưa đầy 5%.

Từ góc độ chủ đầu tư, ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn bất động sản Lan Hưng, cho rằng: "Các thủ tục để thực hiện dự án nhà ở xã hội hiện quá phức tạp, thời gian kéo dài còn hơn xây dựng dự án nhà ở thương mại. 

Nào là xin chủ trương đầu tư, việc hoàn thiện thủ tục pháp lý để được phê duyệt kéo dài đến vài năm, sau đó thì đợi có quỹ đất sạch rồi khi triển khai lại đợi được vay vốn ưu đãi, lãi suất thấp".

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần G- Home, một trong những doanh nghiệp đã xây thành công và cung cấp nhà ở xã hội đến cho khách hàng, cho biết: "Doanh nghiệp khi thực hiện xây nhà ở xã hội là trên tinh thần vì cộng đồng, tuy nhiên các thủ tục pháp lý rất phức tạp. 

Doanh nghiệp được miễn tiền sử dụng đất nhưng phải định giá xong mới được miễn, phải ứng trước tiền giải phóng mặt bằng. Xây được đã khó, còn đi kèm hàng loạt quy định khác về giá bán, giá cho thuê. Chưa làm đã thấy khó và có nguy cơ lỗ, nên chẳng mấy doanh nghiệp mặn mà với nhà ở xã hội".

Gỡ vướng về quỹ đất, nguồn vốn và thủ tục pháp lý

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, thúc đẩy triển khai Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Bộ trong năm 2025 và những năm tiếp theo. 

Theo kế hoạch Bộ Xây dựng đưa ra, mục tiêu trong năm 2025 sẽ hoàn thành thêm hơn 100.000 căn. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Xây dựng sẽ phải điều chỉnh, đơn giản hóa, rút ngắn thủ tục cho các doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án.

Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025 cần có quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị, từ các cơ quan Nhà nước, vai trò hướng dẫn, giám sát của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Xây dựng, sự quyết liệt của chính quyền địa phương, sự chủ động của các doanh nghiệp bất động sản, cùng với đó là sự vào cuộc của các tổ chức liên quan như Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp xây dựng...

Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, có nhiều khó khăn, vướng mắc làm nản lòng các doanh nghiệp trong việc triển khai nhà ở xã hội. Trong đó, 3 vướng mắc lớn được doanh nghiệp nhìn nhận là quỹ đất, nguồn vốn và thủ tục pháp lý.

Nhà nước phải kiên quyết thu lại quỹ đất nhà ở xã hội trong các dự án khu đô thị mà chủ đầu tư không triển khai để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới hoặc trực tiếp đầu tư bằng vốn đầu tư công để cho thuê. 

Nhà nước cũng cần chủ động tạo ra quỹ đất nhà ở xã hội độc lập bằng cách tự quy hoạch, tự giải phóng mặt bằng, đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật để mời gọi các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư. 

Để triển khai được theo hướng này thì cần đến những cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù. Chẳng hạn, Luật Thủ đô 2024 cho phép HĐND Thành phố Hà Nội quyết định sử dụng ngân sách Thành phố để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án nhà ở xã hội độc lập.

"Hiện nay, Hà Nội đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố về một số chính sách có tính chất đặc thù về đầu tư các dự án nhà ở xã hội độc lập trên địa bàn. Đây là một tín hiệu tích cực, có khả năng cải thiện đáng kể tốc độ phát triển nhà ở xã hội, bởi khi nhận thấy nỗ lực của Nhà nước cùng song hành thì các doanh nghiệp bất động sản sẽ có thêm động lực để đầu tư vào phân khúc này", ông Nguyễn Văn Đỉnh cho hay.

Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, gói tín dụng 145.000 tỉ đồng của các ngân hàng dành cho phát triển nhà ở xã hội không còn được tính vào hạn mức tín dụng nữa, giúp các ngân hàng không bị trói buộc bởi hạn mức, đủ dư địa để giúp các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội. 

Đây là một tín hiệu đáng mừng. Việc cần làm tiếp theo là các ngân hàng đồng hành, giúp doanh nghiệp đẩy nhanh các thủ tục vay vốn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm