Để không biến người thân thành nơi xả giận

Thảo Chi
22/05/2025 - 10:43
Để không biến người thân thành nơi xả giận

Ảnh minh họa

Có một nghịch lý trong đời sống gia đình: chúng ta dễ dàng nhẫn nại với người lạ, lịch thiệp với đồng nghiệp, bao dung với bạn bè nhưng lại dễ nổi nóng, chỉ trích và làm tổn thương những người thân yêu của mình như vợ/chồng, cha mẹ, con cái. Tại sao lại như vậy? Liệu tình thân có đang là vùng an toàn bị hiểu nhầm thành vùng xả giận? Góc nhìn tâm lý sẽ cho chúng ta câu trả lời và quan trọng hơn là cách để chung sống hòa hợp.
1. Kỳ vọng càng cao, thất vọng càng lớn

Trong các mối quan hệ thân thiết, kỳ vọng thường đi trước và vượt xa so với thực tế. Vợ kỳ vọng chồng phải tinh tế, con kỳ vọng mẹ luôn hiểu mình, chồng mong vợ phải hy sinh vô điều kiện… 

Và khi những kỳ vọng ấy không được đáp ứng, dù chỉ một lần, sự thất vọng xuất hiện như một mũi dao, đâm thẳng vào cảm xúc của chúng ta. Điều trớ trêu là, chúng ta ít khi nói rõ kỳ vọng của mình, mà thường mặc định người thân "phải hiểu". 

Chính sự mặc định ấy đã tạo ra những cú vấp đau lòng. Một người vợ gánh vác công việc nhà suốt 10 năm có thể bật khóc vì chồng vô tình hỏi: "Có gì đâu mà mệt?". Một đứa con bị tổn thương vì mẹ trách móc: "Mẹ làm tất cả vì con mà con còn thế này?".

Giải pháp cho những rắc rối này đơn giản là hãy giao tiếp thẳng thắn, không phán xét về cảm xúc và kỳ vọng với những người thân yêu của mình. Chia sẻ để được hiểu, đừng đợi người thân phải tự đoán.

2. Người thân là vùng an toàn

Khi phải kìm nén ở ngoài xã hội, con người thường vô thức trút cảm xúc tiêu cực vào người thân, những người họ tin là "sẽ không bỏ rơi mình". Chúng ta la mắng con sau một ngày mệt mỏi, trút bực dọc lên bạn đời thay vì giải thích, khó chịu với mẹ già khi bà hỏi han quá nhiều… 

Đằng sau mỗi lần làm tổn thương người thân là một lối thoát sai lầm. Chúng ta dùng người thân như "túi đựng rác cảm xúc" của mình. Điều này dẫn đến sự chai sạn tình cảm, thậm chí là rạn nứt không thể cứu vãn.

Giải pháp dành cho bạn là hãy rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc và nhận diện stress. Khi mệt mỏi, hãy chủ động ở một mình, thay vì nổi nóng. Học cách xả một cách lành mạnh như chơi thể thao, ngồi thiền, viết nhật ký… trước khi về nhà.

3. Hiểu nhầm vì… quá thân

Chúng ta hay nghĩ: "Chồng mình chắc chắn hiểu ý mình!", "Mẹ phải biết con đang buồn!", "Con phải biết ơn cha mẹ!"… Nhưng thực tế, tình thân không miễn dịch với hiểu nhầm, mà ngược lại, có thể bị "đứt mạch" vì không chịu nói ra. 

Một câu nói bâng quơ, một hành động vô tâm, nếu không được làm rõ có thể trở thành vết xước kéo dài nhiều năm tháng. Đặc biệt là trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, vợ - chồng, cha mẹ - con cái trưởng thành.

Rất may, giải pháp nằm ở chỗ chúng ta biết tạo không gian để lắng nghe chủ động và nói ra điều chưa rõ. Đừng để một câu nói nhỏ thành nguyên nhân dẫn đến sự xa cách. Hãy nhớ rằng, hiểu không phải là đương nhiên mà là kết quả của việc chủ động kết nối.

4. Học cách yêu thương

Nhiều người nghĩ yêu thương người thân là bản năng. Nhưng tình thân bền vững cần được vun đắp bằng trí tuệ cảm xúc, sự kiên nhẫn và thái độ không ngừng học hỏi. Không ai sinh ra đã là người cha, người mẹ, người vợ, người chồng hoàn hảo. 

Chúng ta thường kỳ vọng "người kia phải thay đổi" mà quên rằng bản thân mình cũng cần thay đổi.

Giải pháp tháo gỡ vấn đề này là luôn nhìn lại bản thân trước khi trách người khác. Tự hỏi: "Mình có đang đòi hỏi nhiều hơn cho đi không?", "Mình có đang áp đặt quá mức không?", "Mình có đang yêu người đó theo cách họ cần không?"… 

Yêu thương không có nghĩa là không làm đau nhau nhưng có nghĩa là luôn sẵn sàng chữa lành cho nhau. Gia đình không phải là nơi ta được yêu thương vô điều kiện mãi mãi mà là nơi ta học cách yêu thương có điều kiện bằng sự tôn trọng, trách nhiệm và trưởng thành.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm