Để không còn so sánh bản thân với người khác

Hiếu An
25/05/2025 - 09:41
Để không còn so sánh bản thân với người khác

Ảnh minh họa

Hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO) khiến nhiều người luôn cảm thấy bất an và so sánh bản thân với người khác. Nếu thay đổi góc nhìn và thói quen, bạn sẽ vượt qua được hội chứng này để sống bình yên.
Học cách sống chậm

Đoàn Ngọc Minh, 28 tuổi, làm việc trong ngành truyền thông, nơi mạng xã hội gần như là một phần không thể thiếu trong công việc và cuộc sống. Từ việc cập nhật xu hướng đến chăm sóc nội dung fanpage, ngày nào, Minh cũng phải dán mắt vào màn hình từ sáng đến khuya. 

Nhưng khi bước ra khỏi công việc, Minh vẫn tiếp tục… lướt mạng xã hội. Cứ sau mỗi bức ảnh được nhóm bạn đi du lịch cập nhật hay bài viết khoe thành tích sự nghiệp, trong Minh lại dấy lên cảm giác bồn chồn, hụt hẫng. 

"Tôi không thấy vui với cuộc sống của mình nữa. Có những ngày ngồi ở quán cà phê yên tĩnh nhưng đầu óc tôi lại nghĩ: Mình đang bỏ lỡ điều gì đó ngoài kia? Cứ thế, tôi sống trong một vòng luẩn quẩn: so sánh - thất vọng - rồi lại cắm mặt vào điện thoại", Minh trải lòng.

Ngọc Minh tìm hiểu và nhận ra, có lẽ cô đang rơi vào hội chứng FOMO. Từ đó, Minh chủ động điều chỉnh: Đặt khung giờ sử dụng mạng xã hội, tắt thông báo ứng dụng và dành 10 phút mỗi sáng để thiền định. Cô cũng bắt đầu viết nhật ký mỗi tối để nhìn lại một ngày của mình. 

"Điều tôi học được lớn nhất là: Cuộc sống không cần phải chứng minh. Mỗi khoảnh khắc sống thật, không chia sẻ, không so sánh, lại là lúc tôi cảm thấy bình yên nhất", Minh chia sẻ.

Công nhận chính mình

Nguyễn Thanh Hà, 34 tuổi, là người thành công trong mắt nhiều người: Công việc tốt, thu nhập khá, sở hữu một căn hộ xinh xắn ở Hà Nội. Nhưng chính cô lại cảm thấy mình thua kém so với bạn bè. 

"Tôi không ganh tị. Nhưng tôi thấy buồn. Tại sao người khác có vẻ như đi xa hơn, nhanh hơn mình? Tại sao tôi cứ mãi giậm chân tại chỗ?", Hà lo lắng.

Sau một thời gian dài cảm thấy thiếu động lực, Thanh Hà quyết định tìm đến một chuyên gia tâm lý. Trong những buổi trị liệu, cô nhận ra phần lớn nỗi lo của cô đến từ việc đặt giá trị bản thân vào sự công nhận từ người khác. 

Hà bắt đầu thực hiện một bài tập nhỏ: Mỗi ngày viết ra 3 điều khiến cô tự hào - dù nhỏ nhặt như hoàn thành bài tập thể dục, nấu một bữa ăn ngon, hay trò chuyện với ai đó. 

"Lúc đầu, tôi thấy như vậy là ngớ ngẩn, vì tôi nghĩ những điều nhỏ nhặt ấy không đáng tự hào. Nhưng khi viết đều đặn mỗi ngày, tôi mới nhận ra bản thân có giá trị, có nỗ lực, chỉ là tôi chưa từng tự công nhận mình", Hà chia sẻ.

Hà cũng bắt đầu học chụp ảnh để khám phá góc nhìn mới của cuộc sống. Cô dần cảm thấy bớt áp lực phải theo kịp người khác và tập trung sống cho mình nhiều hơn.

Biết nói lời từ chối

Ngô Thảo Phương, 30 tuổi, từng là một người "khó từ chối" trong mọi mối quan hệ. Từ những buổi cà phê cuối tuần, tiệc sinh nhật, đến các lời mời tham gia khóa học, workshop… cô đều cố gắng tham gia đầy đủ vì sợ bỏ lỡ điều gì đó thú vị hoặc mất kết nối xã hội. 

"Có giai đoạn tôi gần như không có một buổi tối nào ở nhà. Nhưng càng tham gia nhiều hoạt động, tôi lại càng thấy mệt mỏi, trống rỗng và bị kiệt sức", Phương cho biết.

Sau một lần bị ốm vì quá tải, Phương bắt đầu nhìn lại thói quen sống của mình. Cô học cách ưu tiên sức khỏe, giảm dần thời gian lên mạng xã hội, mạnh dạn từ chối những lời mời không cần thiết. Phương dành thời gian cho bản thân nhiều hơn, đọc sách, trồng cây, thiền. 

"Trước kia tôi nghĩ mình sẽ bỏ lỡ điều gì đó nếu không tham gia. Giờ thì tôi biết: điều quý giá nhất là giữ được năng lượng và sự kết nối với chính mình", Phương khẳng định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm