Dễ mất mạng vì chữa rắn cắn bằng mẹo

30/04/2017 - 18:29
Mùa hè là thời điểm thời tiết thuận lợi để rắn sinh nở. Cùng với đó, số người bị rắn cắn cũng gia tăng. Điều đáng nói, nhiều ca vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do không điều trị đúng cách, nghe theo thầy lang hoặc áp dụng cách dân gian.
ThS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết, trong vòng vài tuần trở lại đây, hầu như ngày nào Trung tâm cũng có bệnh nhân bị rắn cắn nhập viện. Hiện tại, Trung tâm đang điều trị cho 6 ca bị rắn độc cắn. Có những trường hợp làm nghề bắt rắn chuyên nghiệp cũng không tránh khỏi bị rắn cắn.
18119226_1870442943225672_7141294831321740466_n.jpg
 Một bệnh nhân hôn mê phải thở máy vì bị rắn độc cắn
Hơn 1 tháng nay, bệnh nhân Lại Văn H., 46 tuổi, ở tỉnh Nam Định, bị rắn cặp nia cắn phải điều trị tích cực ở Trung tâm chống độc. Khi vào viện, tình trạng của anh H. rất nặng, chi phí điều trị tốn kém nhưng lại không có bảo hiểm y tế. Nhiều lần, gia đình đã có ý định xin cho bệnh nhân về. Tuy nhiên, nhận thấy bệnh nhân vẫn còn cơ hội sống nên các thầy thuốc đã động viên gia đình để anh H. ở lại điều trị. Với nỗ lực của gia đình, tập thể các y bác sĩ, hiện bệnh nhân đã đã tỉnh táo, đã rút máy thở và đang tiến triển tốt.
 
Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng đến bệnh viện kịp thời, điều trị đúng cách. Trung tâm chống độc từng điều trị cho bệnh nhân chữa rắn cắn bằng mẹo khiến bệnh càng nặng thêm. Ông T.Q.T., 45 tuổi, ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, đang đi đánh lưới ngoài đồng thì bị rắn cặp nia (khúc đen khúc trắng) cắn vào tay sưng đỏ và có dấu hiệu khó thở. Thay vì đến cơ sở y tế điều trị, người nhà đã đưa ông T. tới gặp thầy lang ở gần làng để lấy thuốc uống và lấy gan gà đắp vào.
 
Theo lời người nhà ông T., dù đã uống thuốc và đắp gan gà theo kinh nghiệm của thầy lang nhưng tình trạng của ông T. ngày càng nặng hơn. Ông T. có biểu hiện khó thở, tím tái, co cơ, không nói được. Lúc đó gia đình mới chuyển ông T. đến BV huyện Phủ Lý, Hà Nam, rồi sau đó được chuyển thẳng đến Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai.
 
Sơ cứu thế nào cho đúng?
 
Theo ThS Nguyễn Trung Nguyên, năm nào Trung tâm cũng tiếp nhận bệnh nhân bị rắn cắn nhưng tự điều trị dẫn đến hậu quả khôn lường. Trung tâm cũng đưa ra khuyến cáo về tình trạng tự điều trị rắn cắn nhưng tình trạng đó vẫn xảy ra. Sai lầm lớn nhất của nạn nhân khi bị rắn cắn là áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu, chỉ đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở…) mới đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế.

Theo bác sĩ, người bệnh chỉ nên sơ cứu tại nhà, còn việc điều trị nhất định phải tới cơ sở y tế.
 
“Sau khi bị rắn độc cắn, cần sơ cứu đúng cách với mục đích làm cho nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế”, ThS Nguyên khuyến cáo. 
bi-ran-can-5.jpg
 Vết rắn cắn vào tay
Ngay cả việc sơ cứu tại nhà cũng cần được thực hiện đúng cách, người bị rắn cắn thường rơi vào tình trạng nặng do sai lầm là buộc dây thắt chặn máu về tim. Đây là phương pháp dễ bị làm sai (buộc quá chặt) dẫn đến hoại tử phần bị buộc. Sai lầm kế tiếp là tìm đến thầy lang nặn máu và đắp lá thuốc. Nếu đắp tại vết cắn thì dễ gây nhiễm trùng thêm, khi uống thuốc có thể gây hại cho nạn nhân. Không bàn đến lá thuốc, song các bác sĩ cho rằng rạch vết thương dễ dẫn đến chảy máu không thể cầm và nhiễm trùng máu. Không ít người vì biến chứng này mà đã tử vong.
 
Ngoài ra, một số mẹo như gây điện giật chưa bao giờ được chứng minh là có lợi mà còn có thể gây hại thêm cho bệnh nhân. Biện pháp chườm đá đã được chứng minh rõ ràng là có thể gây hại cho nạn nhân.
 
Nếu rắn đã chết hoặc bắt được rắn thì phải đem cùng với bệnh nhân đến bệnh viện để nhận dạng. Tuy nhiên, ngay cả đầu rắn đã chết vẫn có thể cắn người, cần cẩn thận khi mang rắn. Người dân địa phương có thể rất tự tin về các biện pháp chữa trị truyền thống hoặc thuốc dân gian của mình nhưng không được phép làm chậm trễ việc sơ cứu và vận chuyển bệnh nhân bị rắn cắn hoặc làm hại thêm cho bệnh nhân.
 
Các bác sĩ đưa ra một số cách sơ cứu đơn giản với người bị rắn cắn:

- Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn).

- Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị rắn cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề.

- Áp dụng biện pháp băng ép bất động khi bị một số loại rắn hổ cắn (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường): băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt.

- Không băng ép khi bị rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.

- Vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế, đồng thời duy trì băng ép, bất động. Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm