Vụ việc cô dâu Việt bị chồng Hàn Quốc bạo hành suốt 3 tiếng đồng hồ trong tình trạng say xỉn trước mặt con trai 2 tuổi ở huyện Yeonan, tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc, dẫn tới làn sóng phẫn nộ, người chồng đã bị cảnh sát bắt khẩn cấp, dư luận đòi phải xử nặng. Còn các tổ chức nhân quyền đang bền bỉ kêu gọi chính phủ Hàn Quốc có những động thái bảo vệ an toàn cho các cô dâu nước ngoài tốt hơn.
Bà Lê Thị Anh Thư - Giám đốc Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc - chia sẻ với Báo PNVN những thông tin xung quanh vấn đề này.
Bà Thư cho biết: "Những năm gần đây, các vụ bạo lực gia đình đã giảm nhiều. Tỷ lệ các vụ bạo lực gia đình trong nhóm các gia đình đa văn hóa thấp hơn tỷ lệ các vụ tương tự trong những gia đình Hàn Quốc. Nếu chúng ta truyền thông một chiều tiêu cực sẽ làm ảnh hưởng tâm lý cho phụ nữ di trú nói chung và phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc nói riêng. Thực tế, có rất nhiều gia đình ổn định và hạnh phúc. Rất nhiều chị em thành đạt. Nhiều người đưa theo cả chồng con về Việt Nam đầu tư".
Theo bà Thư, có thể rút ra những bài học cho những người vợ trong gia đình đa văn hoá, nhất là các cô dâu Việt Nam, để tránh bị bạo lực như vậy.
Các cô dâu nước ngoài/Việt Nam cần tìm hiểu và nhận biết về bạo lực gia đình với rất nhiều loại bạo lực, từ bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục đến khống chế tài chính, sỉ nhục... Mọi người nên tham gia các chương trình về phòng chống bạo lực gia đình. Học để phòng tránh cho mình, đồng thời có kỹ năng để giúp đỡ những người khác.
Khi trong gia đình có vấn đề, các bà vợ không nên giấu diếm, hãy mạnh dạn khai báo với cảnh sát hoặc các tổ chức bảo vệ nhân quyền như Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa hay các tổ chức của người Việt Nam tại Hàn Quốc để được bảo vệ và giúp đỡ kịp thời.
Hiện tại, Trung tâm nhân quyền phụ nữ kết hôn di trú tỉnh Nam Jeolla tiếp tục hỗ trợ điều trị để cô dâu Việt bị chồng bạo hành trong vụ việc nêu trên hồi phục sức khỏe, đảm bảo điều kiện sinh hoạt, chỗ ở cho hai mẹ con trong quá trình xét xử người chồng, hỗ trợ thuê luật sư khi ra tòa để đảm bảo quyền lợi của hai người. Bộ trưởng Bộ Phụ nữ gia đình Hàn Quốc đã chỉ đạo thành lập nhóm hỗ trợ khẩn cấp đối với các trường hợp tương tự. Cô dâu Việt đó không nhận hỗ trợ vật chất từ cộng đồng.
Bên cạnh đó, các tổ chức và cá nhân cũng tập trung vào việc đề nghị chính phủ Hàn Quốc siết chặt luật bảo hộ cho phụ nữ di trú thông qua cuộc vận động ký kiến nghị đệ trình Tổng thống. Dự kiến, ngày 17/7,đại diện các tổ chức nhân quyền sẽ họp báo và chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp về cải tiến luật gia đình. Ngoài các ý kiến chung, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc bổ sung 6 ý kiến kiến nghị:
1. Yêu cầu cải tiến chế độ bảo lãnh gia hạn cư trú và nhập quốc tịch: ngoài người chồng thì người Hàn Quốc thứ 3 có quyền đứng ra bảo lãnh.
2. Tăng khung hình phạt với tội phạm bạo lực gia đình.
3. Công khai hình ảnh người phạm tội.
4. Tước quyền nuôi dưỡng con cái.
5. Không được phép tiếp tục kết hôn quốc tế.
6. Tăng mức bồi thường cho người bị hại.