Đề phòng lũ quét, sạt lở đất từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên

VNA
01/12/2021 - 14:02
Đề phòng lũ quét, sạt lở đất từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên

Tại huyện Tuy Phước (Bình Định), lực lượng chức năng phải dùng canô để hỗ trợ hơn 300 suất nhu yếu phẩm đến người dân xã Phước Nghĩa bị cô lập nhiều ngày qua. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)

Tình trạng ngập lụt từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và Gia Lai giảm dần nhưng vẫn còn nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, đến 14 giờ 30 ngày 1/12, các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Lâm Đồng tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ.

Lượng mưa tại tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Nam Tây Nguyên từ 10 đến 30mm, có nơi trên 50mm. Các tỉnh khác lượng mưa phổ biến từ 10 đến 20mm, có nơi trên 30mm.

Nguy cơ ngập úng cục bộ tại vùng trũng thấp, khu đô thị như: An Lão, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, thành phố Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn (Bình Định); thành phố Tuy Hòa, Đồng Xuân, thị xã Sông Cầu, Sông Hinh, Sơn Hòa, Tuy An, Hà Bằng, Đông Hòa (Phú Yên); Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Cam Ranh, Vạn Ninh, Ninh Hòa, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa); Krông Pa, AyunPa, An Khê, Đăk Pơ, Krông Chro, IaPa, Phú Thiện (Gia Lai); MĐrắk, Ea Kar, Krông Păk, Krông Bông, Krông Ana, Lắk, Cư Kuin (Đắk Lắk). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Đề phòng lũ quét, sạt lở đất từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên - Ảnh 1.

Nước sông Krông Pắch dâng cao khiến cầu Thống Nhất ở Đắk Lắk ngập hoàn toàn trong nước xiết. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ khoảng 21 giờ ngày 1/12 đến 9 giờ ngày 2/12, lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa tiếp tục xuống; sông Kôn (Bình Định) xuống mức báo động 2-báo động 3, sông Ba (Phú Yên) xuống dưới mức báo động 2.

Tình trạng ngập lụt từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và Gia Lai giảm dần nhưng vẫn còn nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Ngoài ra, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến khu vực Trung Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ. Tại khu vực Bạch Long Vĩ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 9. Ngày 1/12, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở khu vực Nam Trung Bộ.

Trên đất liền, gió Đông Bắc mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5. Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động, sóng biển cao từ 2 đến 3 m.

Vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, vùng biển phía Tây của Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây của quần đảo Trường Sa) và khu vực giữa Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2 đến 4m.

Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 3 đến 5m. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển cấp 2.

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi. Lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.

Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất...

Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm